|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt: Quy mô hàng tỷ USD, bắt đầu thu hút những 'tay chơi' trái ngành

10:56 | 04/05/2023
Chia sẻ
Baemin, một đơn vị trong lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến, mới đây đã ra mắt thương hiệu mỹ phẩm riêng tại Việt Nam, qua đó cho thấy sức hút của ngành này. Ngoài ra, sự phát triển của TMĐT cũng góp phần đưa thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt tăng tốc trong suốt thời gian qua.

Trong vài năm qua, người Việt đã chú trọng hơn tới thẩm mỹ và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi nhiều người dành phần lớn thời gian ở nhà. Điều này đã giúp thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt dần được quan tâm nhiều hơn, đồng thời cũng tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn.

Theo dữ liệu từ Statista, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Khi thu nhập của người dân tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp bản thân cũng tăng lên, qua đó giúp thị trường bán lẻ mỹ phẩm phát triển hơn.

Dữ liệu từ Statista công bố cho thấy doanh thu của thị trường bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam trong năm 2022 đạt mức 2,2 tỷ USD, dự kiến đạt 2,69 tỷ USD vào năm 2027. Trong năm 2023, Statista dự đoán doanh thu từ thị trường bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam đạt mức 2,36 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) của thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt giai đoạn 2023 – 2027 ước đạt 3,32%.

Doanh thu của thị trường bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam giai đoạn 2018 - 2027 (dự kiến). (Nguồn: Statista - Doanh Chính tổng hợp).

Trong khi đó, báo cáo về thị trường bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam năm 2022 của Q&Me cho biết thị trường này đã tăng trưởng nhanh cùng với sự tăng trưởng nói chung của nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo của Q&Me dựa trên kết quả khảo sát với 353 người ở độ tuổi từ 25 đến 45 tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Báo cáo cho biết có tới 95% số người tham gia khảo sát cho biết họ sử dụng các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp ít nhất một lần/tuần. Trong số này, có 62% sử dụng ít nhất hai lần/tuần. Điều này chỉ ra rằng nhu cầu mua sắm các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp ngày càng tăng tại Việt Nam.

Tần suất trang điểm và Skin Care của người dùng Việt trong năm 2022. (Nguồn: Q&Me - Doanh Chính tổng hợp).

Theo dữ liệu từ Allied Market Research, quy mô thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp tại Việt Nam vào năm 2019 là 854,3 triệu USD, dự kiến tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2021 – 2027 là 11,7%. Trong khi đó, theo Mintel, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang có giá trị khoảng 2,3 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng nhất, với hơn 60% người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày. 

Báo cáo của Allied Market Research chỉ ra rằng Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997 – 2012) lớn lên trong thời kỳ internet bùng nổ, dễ bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo trực tuyến, sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt trong những năm tiếp theo.

TMĐT – kênh bán hàng giúp thị trường mỹ phẩm tăng tốc

Các báo cáo về thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt đều nhận định rằng tỷ lệ thâm nhập của internet tới mọi ngõ ngách tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng internet tăng và sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) đã tạo thành bệ phóng cho sự phát triển của thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt.

Những yếu tố được quan tâm nhất khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp của người dùng Việt. (Nguồn: Q&Me - Doanh Chính tổng hợp).

Theo báo cáo mới nhất về lĩnh vực TMĐT trong ba tháng đầu năm của Metric, các sản phẩm thuộc lĩnh vực làm đẹp đã dẫn đầu về doanh thu trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện nay, gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo.

Cụ thể, ngành này đạt doanh thu 6.600 tỷ đồng với 62,3 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra trong quý I. Trước đó, trong năm 2022, các sản phẩm thuộc ngành hàng làm đẹp cũng có doanh thu đứng số một trên 4 sàn TMĐT lớn nhất (chưa tính TikTok Shop), đạt mức 20.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo bản tin ngành bán lẻ của Reputa trong tháng 3, các bài đăng trên mạng xã hội có liên quan tới ngành làm đẹp & mỹ phẩm nhận về hàng trăm nghìn lượt bình luận. Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe là những sản phẩm nhận về số lượt bình luận cao nhất với hơn 117.000 lượt. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là chăm sóc tóc (hơn 64.500 lượt) và chăm sóc da mặt (hơn 29.400 lượt).

Số lượt bình luận về các sản phẩm thuộc ngành làm đẹp & mỹ phẩm trên mạng xã hội trong tháng 3. (Nguồn: Reputa - Doanh Chính tổng hợp).

Báo cáo về thị trường bán lẻ Việt Nam của Reputa trong những tháng trước đó cũng chỉ ra rằng các sản phẩm thuộc nhóm mặt hàng mỹ phẩm & làm đẹp luôn nằm trong top những sản phẩm được thảo luận và tìm kiếm nhiều nhất, qua đó nói lên mức độ quan tâm của người dùng Việt với các sản phẩm này cũng như việc TMĐT đã góp phần giúp các sản phẩm mỹ phẩm được người dùng biết tới rộng rãi hơn.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Việt Nam: “Các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến sẽ dành phần lớn chi phí hoạt động để chạy chiến dịch marketing trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử. Xét riêng về mặt hàng mỹ phẩm và chăm sóc da, một khi được khách hàng tin tưởng sử dụng, thương mại điện tử sẽ là kênh mua sắm thuận tiện nhất. Đây là một lợi thế đặc trưng của mô hình kinh doanh online”.

Thu hút cả những tay chơi “trái ngành”

Mới đây, Baemin, một ứng dụng được biết đến là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao đồ ăn, đã ra mắt thương hiệu mỹ phẩm riêng tại Việt Nam có tên Lazy Bee với mong muốn mang lại giải pháp làm đẹp tối ưu cho người dùng.

Ông Jinwoo Song - Tổng Giám đốc BAEMIN Việt Nam - cho biết: “Thương hiệu Lazy Bee được thai nghén ấp ủ từ năm 2021 với những bước đi tuy chậm rãi nhưng chắc chắn trong từng giai đoạn”.

Baemin đã ra mắt thương hiệu mỹ phẩm riêng tại Việt Nam. (Nguồn: Công Thương).

Trong lần ra mắt này, Lazy Bee giới thiệu tới người dùng hai dòng sản phẩm chính gồm dưỡng da và trang điểm. Dòng sản phẩm dưỡng da gồm xịt khoáng, toner pad, mặt nạ (4 lựa chọn) và dòng sản phẩm trang điểm bao gồm cushion (hai tông màu) và son (ba lựa chọn màu).

Hay trước đó, vào tháng 2, theo Vietnamnet, CTCP Thương mại Phát triển TVG, công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm cũng đã cho ra mắt thương hiệu mỹ phẩm Scharm Cosmetic cùng sự hợp tác với Vimaccos Việt Nam.

Với quy mô của ngành cũng như tốc độ phát triển trong tương lai, lĩnh vực bán lẻ mỹ phẩm & làm đẹp tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển, và sẽ không ngạc nhiên khi trong thời gian tới sẽ có thêm các đơn vị khác tranh giành “miếng bánh” tiềm năng này.

Doanh Chính