Thị trường mỹ phẩm Việt dự báo đạt 2,35 tỷ USD vào 2018
Bộ Y tế thu hồi 30 loại mỹ phẩm không đủ tiêu chuẩn | |
Thương hiệu ngoại rập rình đổ bộ vào Việt Nam |
Thị trường tiềm năng
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày một trở nên sôi động, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, đưa thuế nhập khẩu loại hàng hóa này được về mức 0-5%. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor năm 2016, thị trường mỹ phẩm Việt có quy mô 26.000 tỷ đồng vào 2015.
Tăng trưởng hàng năm luôn đạt mức 2 con số trong nhiều năm trở lại. Đây là con số trước đây Hiệp hội Mỹ phẩm, Hương liệu và Tinh dầu VN dự đoán phải tới 2020 mới đạt được.
Thị trường mỹ phẩm Việt được coi là còn nhiều tiềm năng khi chi tiêu cho mỹ phẩm bình quân đầu người mới chỉ ở mức 4 USD/người/năm. Con số này thấp hơn nhiều mức bình quân 20 USD/người/năm của Thái Lan.
Dự báo cho đến năm 2020, tầng lớp trung lưu, là những người chi tiêu mạnh cho mỹ phẩm sẽ gia tăng nhanh chóng lên con số 33 triệu người. Đánh giá này được nhìn thấy nhờ nền kinh tế phát triển cao với GDP trên 6% và đặc biệt người trẻ dưới 35 tuổi chiếm trên 60% dân số.
Cạnh tranh từ nước ngoài
Tiềm năng là vậy nhưng do các doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế về công nghệ, cũng như tiềm lực tài chính. Hiện, Việt Nam chưa sở hữu một doanh nghiệp mỹ phẩm lớn nào và hầu hết các công ty đều ở dạng vừa và nhỏ. Đó là lý do thị trường mỹ phẩm Việt Nam bị chi phối bởi những thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài.
Một báo cáo từ Mintel cho thấy, thị trường mỹ phẩm Việt Nam được dự báo sẽ cán mốc 2,35 tỷ USD vào năm 2018. Con số này vào năm 2016 là 1,78 tỷ USD, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam là quốc gia có tỷ suất tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
90% thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện thuộc về các nhãn hàng ngoại quốc. Ảnh: Viettinlaw. |
Tuy nhiên, theo các thống kê khác, hiện nay 90% thị phần thuộc các thương hiệu nước ngoài. Chỉ có 10% thị phần là dành cho doanh nghiệp trong nước, chủ yếu ở phân khúc thấp hay bình dân. Trong đó, 30% thị phần thuộc về những ông lớn tới từ Hàn Quốc, EU chiếm 23%, Nhật Bản là 17% và Thái Lan là 13%.
Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm cho biết, các doanh nghiệp trong nước đều sở hữu những sản phẩm có chất lượng cao song chưa biết quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, các thương hiệu nội địa hiện chỉ tập trung vào dòng sản phẩm chăm sóc da mặt và tay chân. Ở các dòng mỹ phẩm khác, hầu như người tiêu dùng chỉ có thể mua được từ các nhãn nước ngoài.
Cơ hội và thách thức
Việt Nam hiện là quốc gia có sự phát triển về Internet cũng như tiềm năng thương mại điện tử. Mặc dù vậy, thị trường hàng bán lẻ nói chung cũng như nền công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam vẫn gặp phải thách thức lớn đến từ các mặt hàng khó kiểm soát nhưng vẫn được rao bán rộng rãi trên Internet, đặc biệt là Facebook. Khi mà các hoạt động buôn bán mỹ phẩm trên Facebook chưa được kiểm soát về chất lượng cũng như thuế, sẽ rất khó cho các công ty Việt Nam đưa ra sản phẩm chất lượng cao với giá thành cạnh tranh.
Theo khảo sát về thói quen sử dụng mặt hàng mỹ phẩm được thực hiện bởi Asia Plus, phụ nữ trung niên tại Việt Nam vẫn tỏ ra ưa chuộng sản phẩm có xuất xứ ngoại quốc. Nhóm này đồng thời cũng là đối tượng có sức mua lớn nhất với mặt hàng mỹ phẩm. Đây là trở ngại cho hàng Việt trong việc chiếm lĩnh thị trường.
Một báo cáo khác của Euromonitor chỉ ra rằng, đà tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong những năm gần đây đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là bởi sự phát triển của nhiều mặt hàng đã đạt đến ngưỡng bão hoà. Các đơn vị sản xuất trong nước đứng trước thách thức phải đổi mới và sáng tạo để thu hút những tập khách hàng mới, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh so với các ông lớn ngoại quốc.
Mặc dù vậy, với dân số hiện lên tới hơn 90 triệu dân, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo báo cáo "Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương" từ CBRE. Việc ngày càng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cũng như sự phát triển mạnh từ các hoạt động marketing và phân phối, dự báo sẽ giúp mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp mỹ phẩm nội địa.