Metaverse được ứng dụng trong việc điều khiển nhà máy công nghiệp như thế nào?
Năm ngoái, công ty tài chính toàn cầu Deloitte đã phát hành một nghiên cứu chỉ ra rằng thị trường metaverse (vũ trụ ảo) có thể lớn tới 13.000 tỷ USD vào năm 2030. Deloitte đánh giá Metaverse không còn là khoa học viễn tưởng và hàng triệu người đã bắt đầu làm quen với những ứng dụng ảo ban đầu để thực hiện các tương tác xã hội như mua sắm, giao lưu bạn bè...
Một trong những cái tên tạo ra sự chú ý nhiều nhất là Meta - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook. Những khoản chi tham vọng tới hàng chục tỷ USD của nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã khẳng định tầm nhìn của ông lớn công nghệ này với khái niệm còn rất mới mẻ như metaverse.
Ở châu Á, nhiều người tiêu dùng đã chơi game, giao lưu, tham gia các buổi hòa nhạc và mua các mặt hàng trên các nền tảng ảo như Roblox, Decentraland, Fortnite, Sandbox và Zepeto của riêng châu Á.
Kết quả báo cáo của Deloitte cho biết: “Chúng tôi ước tính rằng tác động của metaverse đối với GDP ở châu Á có thể từ 800 - 1.400 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, chiếm khoảng 1,3-2,4% GDP tổng thể mỗi năm vào năm 2035”.
“Metaverse mang lại cơ hội nghìn tỷ USD để chuyển đổi đáng kể các nền kinh tế lớn trong khu vực. Ngược lại, các nền kinh tế châu Á sẽ có tác động có ý nghĩa đến cách thức metaverse hình thành trên toàn cầu”, báo cáo của Deloitte nhấn mạnh.
Nghiên cứu cho biết các ước tính về tác động GDP tiềm năng của tổng thể toàn cầu nằm trong khoảng 1.500 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và 3.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2031. Ông Duleesha Kulasooriya, Giám đốc điều hành của Deloitte Đông Nam Á nhận định metaverse là xu hướng không thể cản nổi. Việc phát triển các nền tảng công nghệ ảo sẽ mang lại lợi ích cho nhiều ngành công nghiệp và hoạt động kinh tế.
Tuy vậy, thế giới dường như đang chỉ mới biết đến một mặt của nền kinh tế ảo, thông qua các hoạt động mua sắm, giải trí, tương tác con người... Trong khi đó, metaverse cũng đang hiện diện trong lĩnh vực công nghiệp.
Ứng dụng metaverse trong cách mạng tự động hóa
Mới đây, tại hội nghị Innovation Day 2023, với chủ đề “Dẫn Lối Phát Triển Công Nghiệp Bền Vững tại Việt Nam”, ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám Đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia đã chỉ ra 5 bộ tích hợp định hình Ngành Công nghiệp Thế hệ Tiếp theo.
Cụ thể, các tính năng tích hợp gồm Năng Lượng và Tự Động Hóa; Số hóa & IoT tổng hợp dữ liệu từ điểm cuối lên đám mây; Quản lý toàn bộ vòng đời hệ thống nhờ vào bản sao kỹ thuật số; Quản lý tích hợp tập trung (UOC); và Tích hợp đa dạng và tận dụng các nguồn cung cấp năng lượng.
Đồng thời, ông Đồng Mai Lâm nêu ra bộ các giải pháp chuyển đổi số cho ngành công nghiệp thế hệ tiếp theo. Trong đó, xu thế Tự động hóa lấy phần mềm làm trung tâm được xem là cốt lõi.
Trái ngược với hệ thống tự động hóa truyền thống, khi phần mềm được sử dụng để lập trình thường chỉ tương thích với một hoặc một số phần cứng nhất định, khái niệm Universal automation xuất hiện như một giải pháp mới, cho phép các hệ thống tự động hóa được xây dựng trên các kiến trúc dữ liệu mở. Hệ thống tự động hóa công nghiệp này lấy phần mềm làm trung tâm điều khiển, dễ dàng thay đổi, nâng cấp mà không cần phải thay đổi phần cứng.
Nói cách khác, thay vì "thủy chung son sắc" với một hệ thống theo kiểu truyền thống, công nghệ Universal automation cho phép bộ não của máy móc được cải tiến liên tục mà không lo phải thay đổi các bộ phận khác. Từ đó, làm giảm các chi phí bảo trì kỹ thuật, thay đổi kết cấu, hiệu chỉnh, lập trình lại hệ thống.
Theo ông Đồng Mai Lâm, nổi lên trong xu thế Universal automation chính là việc xây dựng metaverse trong không gian công nghiệp. Đây là một môi trường ảo, thời gian thực, cho phép người dùng có thể hình dung, phân tích, mô phỏng và dự đoán tương lai. Điều này cung cấp cho doanh nghiệp thông tin chi tiết để có thể thiết kế thông minh hơn và vận hành tốt hơn.
Nói một cách dễ hiểu, với mỗi một bộ điều khiển trung tâm, người dùng có thể thực hiện thao tác vận hành giả lập cả một nhà máy công nghiệp trên không gian ảo. Các hành động này được mô phỏng theo đúng với những gì diễn ra trong thực tế. Qua đó, người dùng có thể đánh giá được các thông số của hệ thống, tìm ra khuyết điểm để tiến hành khắc phục và hoàn thiện trước khi đưa hệ thống vào vận hành thực tế.
Vị lãnh đạo Schneider Electric tin rằng sự kết hợp giữa năng lượng, tự động hóa, và phần mềm được xem là công thức cho sự bền vững của ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Hoạt động số hóa bộ điều khiển trung tâm thông qua phần mềm và dữ liệu, đóng vai trò chính trong việc cải thiện khả năng hiển thị và quản lý sử dụng tài nguyên, giảm chi phí vận hành và cải thiện chỉ số bền vững của doanh nghiệp. Hiện tại, Schneider Electric đang tiến hành triển khai nền tảng công nghệ tự động hóa cho các lĩnh vực như vận hành kho vận logistic, nhà máy nước, hóa chất.