|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Melbourne, nơi phong tỏa lâu nhất thế giới: Gần 250 ngày phong tỏa, nguy cơ sụp đổ kinh tế, người dân kiệt quệ

10:45 | 05/10/2021
Chia sẻ
Melbourne, thành phố lớn thứ hai tại Australia, từng là hình mẫu chống dịch COVID-19 nhờ chiến dịch đưa số ca nhiễm về 0. Thế nhưng, giờ đây, thành phố này lại đối mặt với nguy cơ sụp đổ kinh tế, người dân kiệt quệ tinh thần sau quãng thời gian đóng cửa lâu nhất thế giới, gần 250 ngày phong tỏa.

Tính đến ngày hôm nay (5/10), thành phố Melbourne của Australia đã trải qua 246 ngày phong tỏa để chống dịch COVID-19, vượt qua cả Buenos Aires và trở thành nơi giãn cách lâu nhất thế giới, The Guardian đưa tin.

Nếu thành phố này mở cửa vào cuối tháng 10 thì người dân nơi đây sẽ phải trải qua 267 ngày giãn cách, tương đương với 45% tổng số thời gian kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 12/3.

Những đợt giãn cách xã hội kéo dài

Melbourne đã khống chế thành công dịch bệnh trong 5 đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đây nhờ chiến lược cách ly chặt chẽ, đưa số ca bệnh xuống mức 0. Thế nhưng, mọi thứ đã dần trở nên không còn suôn sẻ khi nền kinh tế phải chịu những tác động tiêu cực và tâm lý người dân đã quá mệt mỏi.

Trong lần đóng cửa thứ 6 của thành phố, Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews, chính thức từ bỏ hy vọng giảm thiểu số ca bệnh mới. Ông đã thay đổi mục tiêu là tiêm chủng cho ít nhất 80% người dân trên 16 tuổi của bang này.

Melbourne sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%, dự kiến vào ngày 26/10.

Theo ABC News, các đợt "lockdown" tại thành phố Melbourne:

Đóng cửa lần 1: Từ ngày 30/3/2020 - 12/5/2020 (43 ngày)

Đóng cửa lần 2: Từ ngày 8/7/2020 - 27/10/2020 (111 ngày)

Đóng cửa lần 3: Từ ngày 12/2 - 17/2 (5 ngày)

Đóng cửa lần 4: Từ ngày 27/5 - 10/6 (14 ngày)

Đóng cửa lần 5: Từ ngày 15/7 - 27/7 (12 ngày)

Đóng cửa lần 6: Từ ngày 5/8 dự kiến đên 26/10 (82 ngày)

Song, cũng chính vào lúc này, chính quyền bang Victoria dần mất đi sự ủng hộ của người dân bởi cách xử lý đại dịch. Trong một cuộc thăm dò hồi tuần trước của Guardian, mức độ tín nhiệm dành cho chính quyền bang đã giảm xuống còn 44%.

Người dân cũng không còn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Vào đợt cuối tuần 26/9, nhiều nhóm cổ động viên đã tổ chức tiệc tùng sau trận chung kế bóng đá AFL đã khiến số ca nhiễm mới tăng mạnh 50% trong ngày 1/10 lên mức kỷ lục 1.438 người.

Sang ngày hôm sau, số ca nhiễm mới tiếp tục đạt 1.143 người và hầu như phá hủy mọi thành quả giãn cách đạt được.

Nơi phong tỏa lâu nhất thế giới: Gần 250 ngày phong tỏa, nguy cơ sụp đổ kinh tế, người dân kiệt quệ - Ảnh 2.

Người dân tại Melbourne biểu tình để phản đối lệnh phong tỏa. (Ảnh: AFP).

Trong những đợt bùng phát dịch đầu tiên, phần lớn người dân ở Melbourne ủng hộ quyết định phong tỏa. Thế nhưng, đến nay, thành phố lại xuất hiện nhiều phong trào biểu tình để phản đối các biện pháp y tế cộng đồng.

Vào cuối tuần trước, hơn 5.000 người đã đổ xuống đường biểu tình và tạo nên một cuộc bạo loạn để phản đối lệnh phong tỏa. Cảnh sát đã thực hiện hàng trăm vụ bắt giữ trong khi giới chức y tế cảnh báo về làn sóng lây nhiễm sắp tới.

Cuộc biểu tình cuối cùng phải chấm dứt do trận động đất 5,9 độ. Nhà văn Celeste Liddle miêu tả cơn địa chấn là sự “phân tâm vô hại” trong bối cảnh thành phố Melbourne rơi vào hỗn loạn.

Thành phố sôi động trước đây liệu có quay trở lại?

"Tôi cảm thấy nhiều người đang gặp khó khăn nhưng áp lực tinh thần đang khiến mọi người chỉ trích chính quyền hơn là thực sự làm điều gì đó có ích để chấm dứt tình hình giãn cách hiện nay", Celeste Liddle nhận định.

Bà Liddle đã sống tại Melbourne 30 năm cho biết nơi đây luôn là một thành phố sôi động. Chúng tôi thường trêu đùa so sánh với Sydney, bởi đây là một thành phố thậm chí lớn hơn Melbourne nhưng lại chẳng nhộn nhịp bằng.

Nơi phong tỏa lâu nhất thế giới: Gần 250 ngày phong tỏa, nguy cơ sụp đổ kinh tế, người dân kiệt quệ - Ảnh 3.

Melbourne từng là một trong những thành phố nhộn nhịp bậc nhất tại Australia. (Ảnh: Reuters).

"Tôi lo ngại rằng, sau những đợt giãn cách sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và sẽ mất một thời gian dài mới khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch", bà Liddle chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Kyran Wheatley, chủ một câu lạc bộ hài kịch ở Melborne cho biết người dân sẽ ít hứng thú đi ra ngoài hơn trước bởi dù có mở cửa trở lại thì vẫn có hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.

“Đây là sự bất ổn lớn vào lúc này. Chúng tôi không biết thành phố sẽ hành động như thế nào, khi mà COVID-19 luôn tồn tại”, ông nói.

Dù không thể kinh doanh, ông Wheatley vẫn ủng hộ việc phong tỏa: “Chúng tôi chịu giãn cách vì chúng tôi quan tâm đến việc mọi người được sống hay không”. Theo người này, Melbourne phải chịu “tổn thất lớn” để bảo vệ mạng sống.

Vấn đề nằm ở tiêm chủng

Sự bế tắc của Melbourne bắt đầu từ tháng 7, khi biến chủng Delta bắt đầu lây lan từ Sydney, khiến tinh hình dịch bệnh ở cả hai thành phố trở nên phức tạp. Diễn biến này cũng làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai tiểu bang Victoria và News South Wales.

Khi thông báo đợt phong tỏa lần thứ năm vào ngày 15/7, thủ hiến bang Victoria, ông Andrews đã nói: “Những ca bệnh mới bắt nguồn ở bang News South Wales, nhưng tôi khá chắc chắn sẽ kết thúc ở đây”.

Nơi phong tỏa lâu nhất thế giới: Gần 250 ngày phong tỏa, nguy cơ sụp đổ kinh tế, người dân kiệt quệ - Ảnh 4.

Nguồn: Worldometers.

Khi ấy, ông Andrews tỏ ra lạc quan nhờ kinh nghiệm chống dịch trong quá khứ. Trên thực tế, bang Victoria đã dập tắt hai đợt bùng phát dịch nhờ biện pháp phong tỏa mạnh mẽ. Cụ thể, số ca bệnh mới giảm xuống mức 0 sau khi bang này phong tỏa 112 ngày.

Thế nhưng lần này mọi chuyện lại khác khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng. Việc chuyển các liều vắc xin Pfizer sang thành phố Sydney cũng khiến nỗ lực tiêm chủng ở bang Victoria bị chậm lại.

Trong khi đó, bang News South Wales có số ca bệnh giảm mạnh vào giữa tháng 9, nhờ việc tăng tốc tiêm chủng cho người dân.

Hôm 30/9, Thủ hiến bang Victoria, ông Andrews, đã chỉ trích người dân vì vi phạm các quy định phòng chống dịch, giữa lúc lệnh phong tỏa sắp kết thúc. Ông nói với các phóng viên rằng “nhiều ca bệnh mới hoàn toàn có thể phòng tránh được”.

Ông tuyên bố mạnh mẽ: “Đừng khiến (các nhân viên y tế) phải làm việc cực khổ hơn, bằng cách đưa ra những lựa chọn thực sự tồi tệ như đi thăm bạn bè và gia đình rồi lây lan virus cho cộng đồng”.

Tính đến ngày 5/10, Australia có tổng cộng 115.800 ca mắc và 1.357 ca tử vong vì COVID-19, theo Worldometers.

Phương Trang