|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mấu chốt thương vụ MobiFone - AVG: Định giá hay định động cơ trục lợi

10:14 | 24/03/2018
Chia sẻ
Kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm rất nghiêm trọng trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, và đề nghị chuyển cơ quan công an khởi tố điều tra. Vụ việc này diễn ra ở một trong những mảng màu xám của kinh doanh: mua sắm tài sản. Đó là nơi mà việc phân phát lợi ích dễ diễn ra nhất.
mau chot thuong vu mobifone avg dinh gia hay dinh dong co truc loi Ông Lê Nam Trà nói gì về kết luận thanh tra MobiFone mua AVG?
mau chot thuong vu mobifone avg dinh gia hay dinh dong co truc loi Công bố toàn văn kết luận thanh tra Mobifone mua 95% cổ phần AVG
mau chot thuong vu mobifone avg dinh gia hay dinh dong co truc loi

Thua lỗ do mua sắm tài sản: sai lầm trung thực hay là âm mưu trục lợi?

Trong thế giới kinh doanh, việc một công ty này mua một công ty khác là chuyện phổ biến mà gần đây Việt Nam ta quen thuộc với thuật ngữ thâu tóm và sáp nhập (M&A). Nói rộng hơn, nó còn bao gồm việc một công ty có thể mua một lượng cổ phần không chi phối trong một công ty khác như một khoản đầu tư chiến lược, hoặc công ty này mua lại thương hiệu, lợi thế kinh doanh, bí mật kinh doanh, bản quyền sáng chế... của công ty khác. Về cơ bản, tất cả những thứ này nằm trong hoạt động mua sắm tài sản của công ty.

Hoạt động mua sắm tài sản của công ty chủ yếu là phục vụ nhu cầu phát triển, tạo ra doanh thu mới, tạo ra giá trị cộng hưởng có tính chiến lược (synergy) cho công ty. Và tất cả những điều đó phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn về tương lai.

Ví dụ, khi Microsoft mua lại Nokia, rất khó đánh giá đây sẽ là một thương vụ thành công hay không, vì nó phụ thuộc nhiều vào tương lai bất định. Nó cũng giống như việc gần đây đội bóng Manchester Unitied mua cầu thủ Alexis Sanchez vậy. Những khoản mua sắm này thành công hay thất bại nhiều khi không phụ thuộc vào nội tại của doanh nghiệp mua sắm hay tài sản, doanh nghiệp được mua về mà do những thay đổi trong các yếu tố công nghệ, thị trường và nhu cầu tiêu dùng...

Cơ bản, nó là một quyết định kinh doanh mạo hiểm có tính toán của một doanh nghiệp tư nhân thuần túy, đúng thì thắng, sai thì chịu, ghi giảm giá trị tài sản, mất tiền (đôi khi mất trắng).

Vấn đề mấu chốt trong thương vụ này ở chỗ lựa chọn trả gần 9.000 tỉ đồng của MobiFone cho AVG là sai lầm trung thực hay là cố tình trục lợi.

Chuyện các công ty “mua hớ” một công ty khác tương đối phổ biến trên thế giới. Chẳng hạn năm 2013, Microsoft mua mảng di động của Nokia và gói các bằng sáng chế (patents) công ty này nắm giữ với giá khoảng hơn 7 tỉ đô la Mỹ để thực hiện tham vọng của Tổng giám đốc Steve Ballmer khi đó là hướng Microsoft trở thành một công ty về thiết bị và dịch vụ hỗ trợ. Đến năm 2015, Microsoft phải ghi giảm giá trị 7,6 tỉ đô la Mỹ do thất bại của dòng sản phẩm điện thoại thông minh Lumia và nhiều vấn đề khác. Một vài vụ việc tương tự là Google mua Motorola 12,5 tỉ đô la Mỹ, bán lại 2,9 tỉ đô la Mỹ và vẫn cho rằng mình đang có lời vì “mua rẻ” được gói bằng sáng chế của Motorola.

Vấn đề ở đây cho thấy đánh giá một thương vụ là lời hay lỗ luôn luôn khó khăn và có rất ít chuẩn mực để khẳng định một khoản định giá là quá cao hay quá thấp. Thậm chí một khoản định giá là cao ngày hôm nay cũng có thể trở thành rất rẻ vài năm sau và ngược lại khi thị trường và công nghệ thay đổi.

Giáo sư Baruch Lev, tác giả cuốn sách gây chú ý và tranh cãi trong cộng đồng kế toán và định giá “The End of Accounting and the Path Forward for Investors” cho rằng các thước đo giá trị công ty dựa trên các con số kế toán đang ngày càng mất đi ý nghĩa do sự tồn tại của những tài sản vô hình. Như một chuyên gia định giá hàng đầu thế giới Aswath Damodaran, đồng nghiệp của Baruch Lev ở Stern Business School thuộc New York University, nói trong một buổi diễn thuyết ở Google, ra giá mua bán công ty (pricing) và định giá (valuation) đang “đường ai nấy đi”. Đó là vì ngày càng có nhiều công ty dòng tiền âm, tiền mặt cũng ít, chỉ ôm có mỗi cái danh mục các bản quyền sáng tạo mà không ai biết phải định giá ra sao mới là hợp lý.

Điều đó khiến cho hoạt động mua sắm tài sản trở thành một mảng màu xám mà sự trục lợi có thể lên ngôi. Một thương vụ thất bại có thể là do sai lầm trung thực, hay thiếu may mắn. Trường hợp của Microsoft vừa nói ở trên hoặc trước đó là trường hợp New York Times mua lại Boston Globe rồi phải bán lại với giá gần như cho không (mua 1,1 tỉ đô la Mỹ, bán 70 triệu đô la Mỹ) có thể xem là những trường hợp thiếu may mắn vì công nghệ thay đổi ngoài dự kiến và thị hiếu tiêu dùng không đi theo dự đoán của công ty. Thương vụ của Google mua Motorola thì mọi người vẫn còn tranh luận là có lỗ hay không.

Nhưng nó cũng có thể là do tổng giám đốc công ty cố tình lừa hội đồng quản trị để trục lợi cho cá nhân (danh tiếng, tiền bạc, quan hệ), là do công ty bán che giấu thông tin (gần đây ở châu Âu có những thương vụ đổ bể ở phút cuối do công ty mua lại phát hiện công ty sắp được mua có nhiều khoản nợ hơn so với định giá ban đầu).

Làm sao phân biệt được sai lầm trung thực với âm mưu trục lợi là điểm mấu chốt để phán định trách nhiệm trong vụ việc này.

Chuyện MobiFone mua AVG: phân phát lợi ích ở các công ty “con ruột” Nhà nước có nhiều tiền?

Nói về chuyện MobiFone-AVG, vấn đề mấu chốt có lẽ không phải ở chuyện AVG được định giá mười mấy hay ba mươi ngàn tỉ đồng là sai hay đúng. Các chuyên gia định giá căn cứ vào đâu để định giá các sản phẩm truyền hình vô cùng về sở hữu và đặc biệt là quyền phát sóng không nằm trong tay AVG? Đó là chưa kể nếu trong tương lai quy định trong ngành truyền hình thay đổi thì việc giá trị vô hình của AVG cao hay thấp sẽ không ai có thể nói rõ được.

Vấn đề mấu chốt trong thương vụ này ở chỗ lựa chọn trả gần 9.000 tỉ đồng của MobiFone cho AVG là sai lầm trung thực hay là cố tình trục lợi. Các công ty định giá có thể định giá 30.000 tỉ đồng cũng được, nhưng nếu MobiFone biết là không có công ty nào chịu mua AVG trên 1.000 tỉ đồng chẳng hạn, thì chẳng việc gì MobiFone phải trả hơn 1.000 tỉ đồng cả. AVG không chịu bán thì thôi.

Trong định giá, người ta có thể áp dụng một tỷ lệ chiết khấu thích hợp cho trường hợp những công ty không dễ mua bán (discount for lack of marketability), thường áp dụng trong định giá cho các công ty không niêm yết. Công ty định giá nếu làm hết trách nhiệm cần xem xét đến điều này, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ở MobiFone. Lựa chọn trung thực hay trục lợi trong quyết định mua hay không, giá bao nhiêu, nhiều khi chỉ là một lằn ranh mong manh, nhất là khi có đủ cơ hội - các báo cáo định giá đưa ra các con số khác nhau.

Ở một công ty tư nhân, khi đồng tiền đi liền khúc ruột của cổ đông mà vẫn có chuyện mua hớ tài sản, tổng giám đốc tìm cách trục lợi cho mình thì huống gì là doanh nghiệp nhà nước, tiền là “của chung”. Nói vậy để thấy, sự tồn tại của những ông lớn “con ruột” Nhà nước, có nhiều tiền, nhiều quan hệ, nhiều đặc lợi, tất yếu đi kèm với những đại án kinh tế. Đó là bởi vì sự tồn tại của cái mảng màu xám mua bán tài sản này.

Các trường hợp bán tài sản nhà nước quá rẻ, không định giá thương hiệu, lợi thế quyền sử dụng đất... hay vụ việc MobiFone-AVG lần này cho thấy đây là một mảnh đất màu mỡ để một số người có thể trục lợi và làm giàu, bất kể đó là liên quan đến bán tài sản của Nhà nước hay dùng tiền của Nhà nước mua sắm tài sản, công ty.

Nói cách khác, cái mảng màu xám trong kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trở thành cái mảng tối trong doanh nghiệp nhà nước, nơi mà người ta có thể tận dụng để đi phân phát lợi ích. Và đừng nên hy vọng quản lý nhà nước có thể quản lý những vụ mua bán tài sản này hiệu quả hơn tư nhân, nơi mà những vụ mua hớ vài ngàn tỉ đô la Mỹ diễn ra mỗi năm.

Do đó, bán đi phần lớn quyền sở hữu của Nhà nước trong những công ty này, lấy tiền đầu tư vào dịch vụ công ích như y tế, giáo dục, hạ tầng cho các vùng xa, sẽ giúp giảm bớt đi những vụ việc tham ô, lãng phí ngàn tỉ đồng tài sản của dân.

Nếu không, người dân chỉ có thể mong chờ vào đạo đức và lòng tự trọng của những người nắm quyền ra quyết định ở những thương vụ này, những thứ dường như quá nhỏ so với những lợi ích kếch xù trên bàn đàm phán. Khi nắm cái quyền phân phát lợi ích quá lớn trong tay, dễ gì người ta không bị tha hóa?

Giảm bớt những doanh nghiệp nhà nước quá lớn như MobiFone và những siêu bộ đầy quyền lực là cách để giảm bớt những đại án gây tổn thất ngàn tỉ trong tương lai.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Hồ Quốc Tuấn