Nhiều vi phạm khiến khan hiếm thuốc, vật tư y tế
Quan điểm trên được Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận thanh tra ban hành chiều 6/12 - về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Y tế trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Theo thanh tra, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến 11/2023, Bộ Y tế đã đưa ra hàng chục động thái để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác này nhưng có một số thiếu sót, vi phạm. Bộ đã chậm hoàn thành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế dự phòng và dược phẩm, chưa đúng nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng.
Kết quả thanh tra 20 thủ tục hành chính và 55 hồ sơ tại Cục quản lý dược, Cục quản lý khám chữa bệnh, Cục an toàn thực phẩm, Cục quản lý y dược cổ truyền, Cục cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, đã ghi nhận nhiều thiếu sót, vi phạm.
'Yêu cầu hồ sơ trái quy định'
Bộ Y tế báo cáo Chính phủ tỷ lệ hồ sơ quá hạn giai đoạn 2021-2023 là 4,97% nhưng thực tế là 69,8%.
Các hồ sơ ở lĩnh vực dược, y dược cổ truyền, trang thiết bị y tế đều quá hạn trên 80 và 90%. Một số thủ tục hành chính có hồ sơ quá hạn bình quân trên 400 ngày; một số hồ sơ thời gian tiếp nhận, chuyển thẩm định và yêu cầu bổ sung kéo dài 2-4 năm, trong khi quy định là 3 ngày làm việc. Mặc dù giải quyết chậm trễ, quá thời hạn nhưng Bộ Y tế không xin lỗi người dân, doanh nghiệp, theo thanh tra.
Tại 5 đơn vị trên, thanh tra phát hiện tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện thông tin, tài liệu quá nhiều lần; áp dụng quy định đã bị bãi bỏ. Đặc biệt, các đơn vị còn yêu cầu bổ sung hồ sơ chứng minh các yếu tố cấu thành giá thuốc áp dụng sai quy định pháp luật.
Thanh tra xác định, tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trong lĩnh vực dược, y dược cổ truyền, trang thiết bị y tế rất cao, tồn đọng nhiều năm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị. Với những hạn chế, yếu kém trong quản lý hồ sơ, không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc, đã dẫn đến "cơ chế xin cho"; không đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội.
Thanh tra cho rằng Cục quản lý dược đã để xảy ra thực trạng không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc hồ sơ nộp trước giải quyết trước, nộp sau giải quyết sau. Khi giao hồ sơ cho chuyên gia thẩm định, đơn vị này không nêu thứ tự ưu tiên của từng hồ sơ và thời hạn hoàn thành, đã dẫn đến việc một số chuyên gia kéo dài thời hạn quy định.
Đơn vị này còn bị cho là có nhiều hạn chế, yếu kém trong quá trình theo dõi, quản lý giải quyết hồ sơ. Số liệu tổng hợp kết quả giải quyết hồ sơ báo cáo chính phủ chênh lệch lớn so với số chi tiết của cục. Nhiều trường hợp hồ sơ đã hết thời hạn giải quyết nhưng vẫn báo cáo là đang giải quyết.
Đối với các hồ sơ cấp, gia hạn, thay đổi bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Cục quản lý dược bị cho là buông lỏng việc quản lý. Các thủ tục này phát sinh trước năm 2020 đã giải quyết trong thời kỳ thanh tra hoặc đến thời điểm thanh tra chưa giải quyết xong.
Ngoài các vấn đề về dược, thanh tra cho rằng, việc tổ chức vận hành bộ phận một cửa và việc thực hiện cơ chế một cửa, liên thông tại Bộ Y tế chưa đúng quy định, bộc lộ nhiều yếu kém.
Theo thanh tra Chính phủ, những hạn chế, thiếu sót tại Bộ Y tế có nhiều nguyên nhân; trong đó có việc nhiều vụ án lớn đã xảy ra tại lĩnh vực y tế nên tác động đến tâm lý, thái độ, sự nhiệt tình; dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ y tế. Tuy nhiên, có nguyên nhân chủ quan là lãnh đạo Bộ chưa quyết liệt trong chỉ đạo về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; lãnh đạo một số cục, vụ chưa làm hết trách nhiệm trong tham mưu; công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc.
Từ đó, thanh tra kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu tại Bộ Y tế và các Cục, Vụ có thiếu sót, vi phạm.