|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu hưởng chiết khấu bất hợp pháp khoảng 950 tỷ đồng

08:24 | 05/01/2024
Chia sẻ
Thanh tra Chính phủ cho biết từ năm 2017 đến tháng 9/2022, một số thương nhân phân phối đã bán xăng dầu cho thương nhân đầu mối sai quy định, với khối lượng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá bất hợp pháp với số tiền khoảng 950 tỷ đồng.

Chiều 4/1, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về một số vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, liên quan đến việc các thương nhân phân phối bán xăng dầu cho thương nhân đầu mối.

Theo đó, từ năm 2017 đến tháng 9/2022, một số thương nhân phân phối đã bán xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối sai quy định, với khối lượng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá bất hợp pháp với số tiền khoảng 950 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ...

Thương nhân đầu mối đã không tạo nguồn xăng dầu theo nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định, ảnh hưởng đến nguồn cung và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.

Liên quan đến hợp đồng giao đại lý, hợp đồng mua bán xăng dầu, Thanh tra Chính phủ cho biết từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022, nhiều thương nhân đầu mối, phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu... ký hợp đồng giao đại lý, hợp đồng mua bán xăng dầu, nhưng nội dung hợp đồng quy định lỏng lẻo, sai quy định.

Một số thương nhân đầu mối ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ nhưng không quy định mức phí, không thu phí... Bên cạnh đó, một số thương nhân đầu mối ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu với các cửa hàng chưa được cấp Giấy chứng nhận đại lý bán lẻ xăng dầu...

Những hành vi trên dẫn đến việc các bên thiếu cam kết trách nhiệm về sản lượng xăng dầu cung cấp, sản lượng xăng dầu tiêu thụ theo tiến độ; về nghĩa vụ, quyền lợi liên quan...

Khi phát sinh tranh chấp về trách nhiệm cung cấp, phân phối xăng dầu, tiền chiết khấu được hưởng... các bên không có cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Từ đó, nhiều cửa hàng tự ý không nhập xăng dầu về để bán vì chiết khấu thấp, thậm chí bằng 0, việc cung cấp, phân phối xăng dầu bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Thanh tra Chính phủ để xảy ra tình trạng trên trong nhiều năm là do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời.

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về một số vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. (Ảnh: Hoàng Anh)

Tại kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những vi phạm về việc cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Theo đó, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022, Bộ Công Thương cấp 37 Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (chưa bao gồm 4 giấy phép cấp cho thương nhân đầu mối cung cấp xăng dầu cho hàng không) và cấp 347 Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối.

Theo quy định tại Nghị định số 83, điều kiện để cấp giấy phép, giấy xác nhận đối với kho, bể xăng dầu “...thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (5) năm trở lên...”.

Việc cho phép thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận như trên chưa khuyến khích các thương nhân đầu mối đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu.

Điều này dẫn đến khó đáp ứng được yêu cầu về kho dự trữ xăng dầu thương mại theo quy định tại Quyết định số 1030, do vậy từ năm 2017 đến tháng 9/2022, kết quả thực hiện đầu tư xây dựng kho xăng dầu thương mại theo quy hoạch chỉ đạt 15%.

Ngoài ra, các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận.

Nhiều thương nhân đầu mối và phân phối ký hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu chỉ theo mùa vụ, theo thực tế sử dụng để giảm chi phí.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm ở khâu cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.

Hoàng Anh