|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lý do Italy phải tăng mạnh nhập khẩu dầu thô của Nga

02:00 | 22/05/2022
Chia sẻ
Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, trong tháng 5 này, Nga đã xuất khẩu khoảng 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày sang Italy, gấp hơn 4 lần so với tháng 2 và là mức cao nhất kể từ năm 2013.

Hệ thống bơm tại mỏ dầu Rosneft, Nga. (Ảnh: TTXVN)

Theo trang mạng Financial Times, Italy đã tăng nhập khẩu dầu thô của Nga, bất chấp những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm chấm dứt quan hệ năng lượng với Nga, do hậu quả không mong muốn của các lệnh trừng phạt Điện Kremlin của phương Tây.

Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, trong tháng 5 này, Nga đã xuất khẩu khoảng 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày sang Italy, gấp hơn 4 lần so với tháng 2 và là mức cao nhất kể từ năm 2013. Do đó, Italy sẽ vượt Hà Lan để trở thành trung tâm nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển lớn nhất EU.

Hai phần ba số hàng đó được chuyển đến Augusta, một cảng ở Sicily gần nhà máy lọc dầu của ISAB, thuộc sở hữu của công ty Lukoil có trụ sở tại Moskva, đã từng có thể mua dầu thô trên toàn thế giới nhờ các hạn mức tín dụng từ các ngân hàng châu Âu.

Theo các quan chức chính phủ, chủ ngân hàng và các nhà lãnh đạo công đoàn Italy, mặc dù Lukoil không bị trừng phạt, các bên cho vay đã ngừng cung cấp tài chính sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva vì chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, buộc nhà máy lọc dầu trên phải dựa vào nguồn cung cấp từ công ty mẹ.

Alessandro Tripoli, Tổng thư ký phụ trách miền Nam Sicily của Liên đoàn Năng lượng, Thời trang, Hóa học (FEMCA), thành viên của Liên đoàn công nhân Italy (CISL), nói: “Thật nghịch lý, EU muốn trừng phạt việc nhập khẩu năng lượng của Nga, nhưng ở đây, thực tế là việc nhập khẩu lại tăng lên do các lệnh trừng phạt.

Trước các lệnh trừng phạt, Nga chỉ cung cấp 30% dầu thô cho ISAB, nhưng giờ đây là 100% do các ngân hàng Italy chặn các hạn mức tín dụng của nhà máy nên Lukoil đã trở thành nhà cung cấp duy nhất của họ”.

Các chuyến hàng dầu thô ngày càng tăng được chuyển tới các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của Nga tại các nước EU diễn ra khi khối này đang tìm cách tự “cai” việc mua nhiên liệu hóa thạch của Nga và nhấn mạnh sự phức tạp của việc thực hiện lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga.

ISAB đang xử lý tới 22% lượng dầu thô của Italy và xuất khẩu sang hàng chục quốc gia. Được thành lập năm 1972, nhà máy lọc dầu này được Litasco, một công ty có trụ sở tại Thụy Sỹ do Lukoil kiểm soát, mua lại vào năm 2008.

Việc xuất khẩu dầu thô của Nga đến cảng Trieste, gần biên giới Đông Bắc của Italy với Slovenia, cũng tăng lên. Cảng này được kết nối qua đường ống Transalpine tới 2 nhà máy lọc dầu ở Đức do Rosneft, một công ty năng lượng khác của Nga sở hữu.

Việc Italy tăng nhập khẩu dầu thô của Nga diễn ra khi Thủ tướng Mario Draghi đã ưu tiên giảm sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt của Nga trong một sự thay đổi chính sách đối ngoại lớn.

Ông Draghi mong muốn EU thực hiện lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga, nhưng cho đến nay Hungary vẫn tuyên bố sẽ không chấp nhận lệnh cấm như vậy.

ISAB là một trong những công ty sử dụng nhiều lao động nhất khu vực và các chính trị gia địa phương cảnh báo rằng lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga sẽ khiến nhà máy lọc dầu phải đóng cửa ngay lập tức và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế địa phương.

Công ty này bao gồm các nhà máy hóa dầu lớn khác và nhiều công ty nhỏ hơn nằm trong chuỗi cung ứng của họ.

Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại Bruegel, một tổ chức tư vấn nói: “Nếu lệnh cấm vận của EU có hiệu lực, các nhà máy này sẽ không còn dầu thô để lọc nữa và sẽ buộc phải đóng cửa.

Trong trường hợp này, do những ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và việc làm, các chính phủ có thể cần phải tạm thời quốc hữu hóa những tài sản này”.

Các quan chức ở Rome cho biết chính phủ muốn tránh đóng cửa nhà máy lọc dầu trong trường hợp leo thang các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga và đang nghiên cứu các phương án khả thi theo luật trong nước và quốc tế. Các quan chức tại Bộ phát triển kinh tế Italy cho biết khả năng quốc hữu hóa không được đề cập.

Hầu hết số dầu thô của Nga được chuyển vào châu Âu qua đường biển trên các tàu chở dầu, nhưng nguồn cung dầu thô cũng đi qua đường ống Druzhba từ miền Trung nước Nga đến các nhà máy lọc dầu ở Belarus, Ba Lan, Đức, Slovakia, Cộng hòa Czech và Hungary.

Phần nào dầu thô của Kazakhstan cũng được xuất khẩu từ các cảng của Nga, nhưng Viktor Katona thuộc Kpler, cho biết những chuyến giao hàng này diễn ra thường xuyên và ổn định.

Theo dữ liệu từ OilX, một tập đoàn phân tích năng lượng, dòng chảy dọc theo đường ống Druzhba đến Đức từ đầu tháng 5 tới nay là dưới 300.000 thùng/ngày, nhưng xuất khẩu bằng đường biển sang Đức đã giảm xuống 0, có nghĩa là Italy sẵn sàng trở thành nhà nhập khẩu dầu thô của Nga lớn nhất châu Âu.

Dương Hoa