Giá xăng dầu tuần tới: Lo ngại dư cung kìm hãm đà tăng của giá dầu
Kết thúc giao dịch tuần này, giá dầu thô WTI giảm 1,7 USD, tương đương 4,3%, xuống còn 37 USD/thùng; giá dầu Brent giảm 1,66 USD, tương đương 4%, ở mức 39,27 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu thô WTI giảm 8% trong khi giá dầu Brent giảm 6,3%.
Các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại khi số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ và châu Âu gia tăng cùng với báo cáo việc làm ảm đạm của Mỹ trong tháng 9. Sản lượng dầu tại Libya tăng cũng là một yếu tố khác đè nặng lên thị trường dầu kể từ tuần trước, theo trang Investing.
Báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp hàng tháng của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nước này chỉ đạt 661.000 việc làm trong tháng 9, chưa bằng một nửa so với con số 1,5 triệu vào tháng 8, do sự cản trở của dịch bệnh.
Tại Libya, sản lượng dầu đã tăng lên khoảng 300.000 thùng/ngày sau khi một mỏ dầu khác ở nước này hoạt động trở lại. Điều này khiến cho các thành viên OPEC phải đau đầu khi cố gắng tái cân bằng thị trường trong khi nhu cầu vẫn còn yếu.
Giá dầu lao dốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận dương tính với COVID-19
Ngày 2/10, thị trường dầu mỏ biến động trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông và vợ - đệ nhất phu nhân Melania Trump, dương tính với virus corona.
Chứng khoán châu Á cũng như hợp đồng tương lai vốn chủ sở hữu của Mỹ và châu Âu đồng loạt giảm điểm, trong khi đồng USD dao động mạnh, theo trang World Oil.
"Thông tin Tổng thống Trump nhiễm COVID-19 cùng với sự thất bại trong các cuộc đàm phán về gói kích thích tài chính của Mỹ đang ngầm cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp khó khăn ít nhất trong 6 tháng tới," bà Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights tại Singapore nhận định.
Bà cho rằng điều quan trọng hơn cả là nguồn cung ngày càng tăng trong khi nhu cầu ngày càng suy yếu.
Dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở châu Âu và chưa được kiểm soát ở các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, do đó một số nhà dự báo đã giảm ước tính về sự phục hồi của nhu cầu dầu về mức trước khi xảy ra đại dịch.
Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) gần như không đổi vào tháng 9 so với tháng 8, theo khảo sát của Bloomberg.
Bên cạnh đó, hoạt động mua của Trung Quốc đã tăng cao trong những tháng gần đây sau khi giảm nhẹ hồi đầu năm.
Lượng tồn kho dầu trên toàn thế giới vẫn còn cao, trong khi các nhà máy lọc dầu đang phải vật lộn với sự gia tăng của giá dầu diesel và nhiên liệu máy bay.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã cắt giảm sản lượng dầu xuống mức thấp nhất trong hai năm, bù đắp cho việc Saudi Arabia tăng xuất khẩu cũng như sản lượng từ Venezuela, Libya và Iran tăng.
Iraq cũng cho biết nước này vẫn tuân thủ cam kết cắt giảm của OPEC+, bao gồm cả việc cắt giảm thêm để bù đắp cho tình trạng sản xuất dư thừa trước đó.
Theo khảo sát của Bloomberg, sản lượng khai thác của OPEC đạt trung bình 24,43 triệu thùng/ngày trong tháng 9, cao hơn so với 24,4 triệu thùng/ngày trong tháng 8.
Sản lượng đã từng đạt tới 30,44 triệu trong tháng 4 khi các nhà sản xuất mở cửa trong bối cảnh cuộc chiến giá dầu bùng nổ.
Trong tuần vừa qua, cả giá dầu WTI và Brent đều giảm cho thấy mối lo ngại về tình trạng dư cung đang tăng nhẹ.
Ông Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng ING cho biết: "Phải đối phó với những lo ngại ngày càng tăng về triển vọng nhu cầu, thị trường dầu mỏ đã không thoát khỏi đợt bán tháo trên thị trường sau kết quả dương tính với COVID-19 của Tổng thống Donald Trump".