Giá dầu sẽ duy trì quanh mức 90 USD/thùng vào cuối năm 2022 và đầu 2023.
Nguồn cung bị thắt chặt, giá dầu thế giới khó giảm sâu
Trong báo cáo ngành triển vọng ngành dầu khí, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết sau khi đạt đỉnh quanh mốc 130 USD/thùng vào giữa năm, giá dầu thô đã có một nhịp điều chỉnh mạnh và quay về ngưỡng 90 USD/thùng tại thời điểm cuối quý III.
Tương tự, giá dầu Brent cũng theo xu hướng giảm và lui về quanh mức 90 USD/thùng. Giá khí cũng sụt giảm 33% so với mức đỉnh và đang giao dịch trong khoảng 6-7 USD/mmbtu.
BSC lý giải nguyên nhân khiến giá dầu và giá khí điều chỉnh chủ yếu đến từ những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu về dầu thô và năng lượng nói chung giảm xuống.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu luôn đạt trung bình khoảng 99 triệu thùng ngày, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2021. Ngoài ra, việc nguồn cung khí đốt bị hạn chế sẽ gián tiếp đẩy nhu cầu sử dụng dầu thô đi lên.
Theo OPEC, nhu cầu về dầu thô dự kiến đạt khoảng 102 triệu thùng/ngày vào quý IV và đạt trung bình 102,7 triệu thùng/ngày cho năm 2023.
BSC cho rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới do nguồn cung vẫn đang bị thắt chặt. Trong những diễn biến mới nhất, nhóm OPEC+ đã quyết định sẽ cắt giảm sản lượng dầu tháng 11 ở mức 2 triệu thùng/ngày so với tháng 10, tương đương 2% tổng nguồn cung dầu thế giới.
Trong bối cảnh lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu và áp giá trần với dầu mỏ của Nga sẽ có hiệu lực kể từ tháng 12 tới, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ sẽ có xu hướng tiếp tục kéo dài, từ đó đẩy giá dầu thô tăng. Do đó, BSC dự báo giá dầu sẽ duy trì quanh mức 90 USD/thùng trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Doanh nghiệp dầu khí trong nước có thể hưởng lợi từ những dự án mới
BSC dẫn số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác dầu trong nước liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn vào năm 2015 xuống còn 9,1 triệu tấn vào năm 2021. Phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở Việt Nam đều đã khai thác được 15 - 36 năm và đang ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ.
Do đó, sản lượng khai thác dầu khí từ các mỏ hiện hữu được dự báo sẽ còn tiếp tục suy giảm từ 5-8% trong những năm tiếp theo.
Trong khi đó các nhà máy điện dự kiến cần huy động tới 16 tỷ m3 khí cho năm 2025, và 30 tỷ m3 cho năm 2030. Vì vậy, việc phát triển các dự án dầu khí mới là cần thiết, đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong trung và dài hạn.
Thực tế gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định mở đường cho nhà máy điện Ô Môn III nhận vốn ODA. Đơn vị vận hành dự án dự kiến sẽ bắt đầu triển khai vào đầu năm 2023.
Lô B - Ô Môn là một trong những dự án khai thác khí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.
BSC kỳ vọng dự án Lô B – Ô Môn sẽ khởi công trong thời gian tới sẽ đem lại nguồn công việc lớn cho các doanh nghiệp thượng nguồn và trung nguồn dầu khí trong giai đoạn 2023-2025.
Giai đoạn đầu, hoạt động khoan thăm dò, thi công xây lắp giàn tạo khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khâu thượng nguồn như Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) hay Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC).
Giai đoạn sau, các phần việc liên quan tới lắp đặt và bọc ống trong dự án đường ống dẫn khí sẽ giúp các doanh nghiệp như PVS và CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB) được hưởng lợi.
Còn ở giai đoạn khai thác, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), nhà đầu tư chính của dự án đường ống Lô B (góp vốn 51%), sẽ vận chuyển tối đa 7 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, tương đương khoảng 70-80% sản lượng khí đường ống hiện tại của Việt Nam.
Mặt khác, BSC cho rằng trong bối cảnh nguồn cung khí trong nước không đủ, việc nhập khẩu LNG là cần thiết để đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong nước.
Theo Quy hoạch Tổng thể ngành Khí Việt Nam, tính đến hiện tại đã có hơn 10 dự án được phê duyệt đầu tư với tổng công suất dự kiến đạt trên 20 triệu tấn/năm. Ngoài ra, một số dự án khác như LNG Cái Mép hay Nam Vân Phong cũng đang được đề xuất đưa vào quy hoạch tổng thể.
Dù vậy, các dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG ở Việt Nam hầu hết vẫn đang trong giai đoạn đầu tư. Do đó, BSC cho rằng các dự án LNG sẽ chỉ bắt đầu thực sự đóng góp kể từ năm 2024 trở đi.