|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lối rẽ bất ngờ đưa cậu thu ngân trở thành ông trùm cho vay bất động sản

13:44 | 10/06/2021
Chia sẻ
Xuất thân là dân nhập cư đã tôi luyện cho ông Anthony Hsieh phẩm chất cần thiết để thành công trong thế giới tài chính của Mỹ. Sau khi gây dựng công ty cho vay thế chấp hàng đầu ở Mỹ, tài sản ròng hiện nay của ông Hsieh là 2 tỷ USD.
Lối rẽ bất ngờ đưa cậu thu ngân đến con đường trở thành ông hoàng cho vay bất động sản - Ảnh 1.

Ông Anthony Hsieh, nhà sáng lập kiêm CEO của LoanDepot. (Ảnh: Bloomberg).

Theo Bloomberg, màn ra mắt của LoanDepot trên Sàn giao dịch chứng khoán New York hồi đầu năm nay đã biến nhà sáng lập Anthony Hsieh thành "của hiếm" trong giới siêu giàu: một tỷ phú người Mỹ gốc Á.

Đối với vị doanh nhân 56 tuổi Hsieh, cuộc IPO của LoanDepot là thành quả của nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm tạo dựng chỗ đứng trong ngành cho vay thế chấp siêu cạnh tranh. Sự kiện này cũng mang lại cho ông động lực mới để truyền cảm hứng cho những người khác, dựa trên cuộc đấu tranh của chính bản thân với tư cách là một người nhập cư đến Mỹ từ Đài Loan.

Ông Hsieh nói trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi có cơ hội độc nhất vô nhị. Nhờ thành công của mình, tôi đã vượt qua ranh giới và giành được sự kính trọng của người phương Tây, và điều này đem lại cho người châu Á rất nhiều niềm tự hào".

Địa vị của ông Hsieh bây giờ cách một trời một vực với thời niên thiếu. Khoảng 42 năm trước, cậu thiếu niên Hsieh làm việc tại quán rượu của gia đình ở California đã bị một tên cướp bịt mặt chĩa súng vào đầu và đòi giao nộp tất cả tiền trong quầy.

Những giây phút hiểm nguy đến tính mạng đã mang lại cho ông Hsieh một trong những bài học quan trọng nhất cho sự nghiệp.

Trải nghiệm nghẹt thở giữa sự sống và cái chết đã giúp ông Hseih đương đầu với sự thù địch và phân biệt đối xử đối với một người Mỹ gốc Á muốn tiến thân vào ngành tài chính. Cuối cùng, bài học sinh tồn từ thời trẻ đã giúp ông trở thành người đứng đầu một những công ty cho vay thế chấp lớn nhất ở Mỹ.

Tổng cộng, ông Hseih đã ba lần đối mặt với cướp có vũ trang khi đứng đằng sau quầy thanh toán của cửa hàng gia đình. "Tôi sớm học cách tự bảo vệ và sinh tồn. Tôi sẽ không đánh đổi trải nghiệm này lấy bất cứ thứ gì".

Theo Bloomberg, cha mẹ ông Hsieh định cư ở California sau khi chuyển đến từ Đài Loan vào đầu những năm 1970 cùng với ba người con. Họ từ bỏ cuộc sống thoải mái để có thể nuôi dạy con ở Mỹ. Cha ông Hsieh làm đầu bếp thuê trước khi tiết kiệm đủ để mở cửa hàng của riêng mình.

Do cha mẹ và các chị gái không biết nói tiếng Anh nên ông Hsieh giúp đỡ mọi quyết định tài chính lớn của gia đình, từ mua xe cho đến nộp đơn xin vay ngân hàng mua nhà.

Ông Hsieh kể lại: "Tôi đã bảo vệ cha mẹ mình từ khi 8 tuổi. Tôi trở thành cố vấn, nhân viên tín dụng, phiên dịch viên của cha mẹ".

Chính hoàn cảnh này đã truyền cho ông tính kiên cường và quyết tâm cần thiết để đối đầu với các ngân hàng lớn nhất Phố Wall trong lĩnh vực khốc liệt nhất của ngành tài chính.

Lối rẽ bất ngờ

Theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, tài sản ròng của ông Hsieh hiện nay là khoảng 2 tỷ USD. Ông là một trong những doanh nhân hiếm hoi xuất thân từ Đông Á đã biến công ty của mình thành đế chế nhiều tỷ USD, cùng với CEO Eric Yuan của Zoom và CEO Jensen Huang của Nvidia.

Nhiều tỷ phú lập nghiệp tại Thung lũng Silicon sau khi tốt nghiệp các trường đại học danh giá của Mỹ. Nhưng ông Hseih chỉ theo học Đại học Bang California ở Fullerto, cách xa tầng lớp ưu tú của giới công nghệ.

Bước tiến của ông Hseih vào thế giới tài chính chủ yếu chỉ là sự tình cờ.

Cha mẹ ông mong con trai mình thành bác sĩ, nhưng vì biết ông Hseih sợ máu, họ bằng lòng với việc để ông học nha khoa. Nhưng thay vào đó, ông Hseih nghe theo lời khuyên của đồng đội trong câu lạc bộ bóng chày và xin vào làm nhân viên tín dụng tại một công ty cho vay thế chấp nhỏ. Ông được thuê ngay lập tức.

Chỉ sau 4 năm tại công ty, ông Hsieh nhận ra rằng lĩnh vực này có tiềm năng lớn hơn nhiều những gì ông chủ của mình nhận ra. Do đó ông đề nghị mua lại toàn bộ công ty. Khi đã nắm quyền, ông Hsieh cho bỏ đi máy đánh chữ và máy fax, tích cực mở rộng hoạt động trực tuyến và đổi tên công ty thành LoansDirect.com.

Ông Hsieh nói: "Tôi cảm thấy mình có thể làm tốt hơn. Tôi không biết những bộ kỹ năng của mình là gì, tôi thấy tự tin, muốn đua tranh. Tôi có tinh thần làm việc tuyệt vời".

Đây mới chỉ là khởi đầu của một chuỗi thương vụ sẽ biến ông Hsieh trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất trong ngành cho vay thế chấp.

Sau khi bán LoansDirect.com cho E*Trade Financial năm 2001, ông thành lập HomeLoanCenter.com, nền tảng trực tuyến đầu tiên cung cấp đầy đủ sản phẩm thế chấp tại hơn 50 bang. Đến khi ông bán lại công ty cho LendingTree năm 2004, HomeLoanCenter.com có 800 nhân viên.

Bùng nổ

Nhưng chính công ty mới nhất - LoanDepot – mới tạo ra cho ông Hsieh khối tài sản khổng lồ. Công ty ghi nhận thành tích tốt nhất vào năm 2020 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất xuống gần 0 để đối phó với đại dịch, biến cho vay thế chấp thành một trong những ngành khởi sắc nhất trong đại dịch.

Phương châm tập trung vào kỹ thuật số đã biến LoanDepot thành một trong những công ty cung cấp khoản vay mua nhà tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. LoanDepot là nhà khởi tạo thế chấp lớn thứ 7 tại Mỹ năm 2020.

Tháng 2/2021, LoanDepot hoàn tất cuộc IPO đã được mong ngóng từ lâu. Tuy cuộc niêm yết chỉ huy động được 62 triệu USD, ông Hsieh và các nhà đầu tư khác đã được chia 200 triệu USD dưới dạng cổ tức.

Câu hỏi đặt ra là liệu tăng trưởng ngoạn mục của LoanDepot có thể được kéo dài hay không. Giá cổ phiếu công ty đã giảm hơn một nửa kể từ đỉnh. Trong khi đó, triển vọng đối với cho vay thế chấp đã suy yếu với chỉ 35% người tiêu dùng tin rằng bây giờ là thời điểm tốt để mua nhà, theo công ty cho vay Fannie Mae.

Rủi ro lạm phát leo thang có thể khiến tâm lý trở nên tiêu cực hơn nữa do khả năng giá và lãi suất tăng.

Giang