Loại vắc xin COVID-19 nào đang được tiêm cho trẻ em, hiệu quả ra sao?
Một nghiên cứu mới đây do TS Fatimah Dawood, chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, thực hiện và được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics đã cho thấy trẻ em có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 tương tự như người lớn. Nghiên cứu dựa trên việc phân tích dữ liệu từ người lớn và trẻ em sống tại TP Utah, New York (Mỹ).
Nghiên cứu mới được thực hiện trong thời gian tháng 9/2020-4/2021, gồm dữ liệu về 1.236 người từ 310 hộ gia đình khác nhau ở TP New York và một số quận ở Utah.
Kết quả, nhóm tác giả nhận thấy nguy cơ lây nhiễm giữa trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn không có sự khác biệt. Thậm chí, trẻ nhỏ còn có nguy cơ cao nhất (6.3%).
Khi các nhà nghiên cứu phân tích số F0 không triệu chứng ở các nhóm tuổi, kết quả như sau: Trẻ <4 tuổi (52%), 5-11 tuổi (50%), 12-17 tuổi (45%), người lớn (12%). Một nửa ca mắc COVID-19 ở trẻ em là không triệu chứng.
Chính vì dữ liệu này, các nhà nghiên cứu khuyến cáo trẻ em mắc COVID-19 có thể bị bỏ sót, dẫn đến hiểu nhầm trẻ em có đề kháng mạnh với nCoV.
Theo NBC News, thực tế cũng cho thấy, khi Chính phủ Mỹ quyết định mở cửa trở lại, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên tăng nhanh, đặc biệt là trong tháng 9.
Theo dữ liệu từ Viện Nhi khoa Mỹ cho thấy hơn 6 triệu trẻ dương tính với COVID-19 kể từ đầu dịch đến nay, trong đó có 1,1 triệu trường hợp được ghi nhận kể từ ngày 3/9 đến ngày 30/9. Tỷ lệ tử vong ở người dưới 15 tuổi cũng cao nhất kể từ đầu dịch.
Điều này đã cho thấy, chương trình tiêm chủng vắc xin với trẻ vị thành niên là điều thực sự cần thiết. Ngay từ giữa tháng 5, Mỹ đã quyết định tiêm vắc xin cho trẻ 12-15 tuổi với loại vắc xin là Pfizer.
Pfizer xin cấp phép tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi
Vào hồi tháng 3, Pfizer cho biết các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin của hãng an toàn và hiệu quả 100% ở trẻ em 12-15 tuổi, so với hiệu quả 95% ở người lớn tham gia thử nghiệm.
Các chuyên gia ghi nhận 18 trường hợp nhiễm nCoV có triệu chứng ở nhóm dùng giả dược, không trường hợp nào mắc bệnh ở nhóm tiêm vắc xin. Vắc xin an toàn, tác dụng phụ với trẻ em tương đương với người lớn.
Bên cạnh đó, Pfizer cũng mở rộng thử nghiệm ở nhóm từ 5 - 11 tuổi. Theo AP, ngày 7/10, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo đã chính thức đệ trình hồ sơ lên FDA để xin cấp phép tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Nếu các cơ quan quản lý đồng ý, việc tiêm chủng có thể bắt đầu trong vòng vài tuần tới.
Dự kiến FDA sẽ thảo luận đề nghị của Pfizer vào ngày 26/10 và quyết định chính thức có thể sẽ được công bố vào cuối tháng 10 hoặc trong tháng 11.
Trong quá trình thử nghiệm, trẻ em độ tuổi từ 5-11 được áp dụng cơ chế tiêm hai liều 10 microgam, so với 30 microgam đối với các nhóm tuổi lớn hơn. Các mũi tiêm cách nhau 21 ngày. Sau khi tiêm mũi thứ hai, trẻ được thử nghiệm đã phát triển mức độ kháng thể tương đương nhóm lớn tuổi hơn và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các hãng dược Pfizer/BioNTech cũng đang thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 với trẻ sơ sinh từ 6 tháng đến 2 tuổi và trẻ em từ 2-5 tuổi. Dữ liệu ban đầu đối với các nhóm này có thể được đưa ra ngay sau quý IV.
Vắc xin Moderna
Bắt đầu từ tháng 3, hãng dược phẩm Moderna đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em. Theo thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Tạp chí Y học New England hồi tháng 8, vắc xin an toàn và có hoạt tính mạnh mẽ chống COVID-19 ở người từ 12 - 15 tuổi.
Theo phân tích ban đầu, vắc xin hiệu quả khoảng 93,4% sau hai liều, ngăn ngừa 100% ca nhập viện và tử vong. Phản ứng phụ là đau tại vùng tiêm, nhức đầu, mệt mỏi, ớn lạnh và đau cơ. Các triệu chứng kéo dài trung bình 4 ngày. Không có trường hợp nào tử vong hoặc biến chứng không mong muốn.
Hiện FDA (Mỹ) chưa cấp phép tiêm vắc xin Moderna cho thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, vào tháng 7, Cơ quan dược phẩm Châu Âu đã phê duyệt sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 18 tuổi. Ngày 17/8, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh cũng cấp phép sử dụng vắc xin của Moderna cho trẻ em 12-17 tuổi.
Vắc xin Sinopharm
Tháng 9, Sinopharm công bố dữ liệu mới cho thấy vắc xin COVID-19 của hãng an toàn đối với trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy, vắc xin do Sinopharm phát triển an toàn đối với trẻ tham gia thử nghiệm 3-17 tuổi.
Trong thử nghiệm, loại vắc xin này cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở trẻ em và lượng kháng thể trung hòa tương tự như ở người lớn.
Nghiên cứu được thực hiện tại tỉnh Hà Nam, trong đó giai đoạn 1 có 288 trẻ em tham gia, giai đoạn 2 có 720 trẻ em. Tác dụng phụ xuất hiện chủ yếu từ nhẹ đến trung bình, có một trường hợp phản ứng nghiêm trọng là trẻ có tiền sử dị ứng thực phẩm.
Trung Quốc đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của hai hãng Sinopharm và Sinovac cho trẻ em từ 3-17 tuổi, nhưng đến nay mới chỉ giới hạn cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, nước này hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho 91% trẻ em ở độ tuổi từ 12-17.
Vắc xin Soberana 2
Ngày 6/9, Cuba đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho trẻ em từ 2-11 tuổi, sử dụng vắc xin Soberana 2 do nước này tự sản xuất.
Quyết định này được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát nhà nước về thuốc, thiết bị và dụng cụ y tế (CECMED) hoàn tất quá trình thẩm định chất lượng, độ an toàn cũng như khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Soberana 2 và cho phép sử dụng khẩn cấp loại vắc xin này đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Trước đó, Viện vắc xin Finlay (IFV) đã tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên 350 trẻ em và trẻ vị thành niên đủ điều kiện tiêm hai liều vắc xin trong vòng 28 ngày và một mũi bổ sung vắc xin Soberana Plus vào ngày thứ 56 của quá trình thử nghiệm.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, IFV khẳng định, vắc xin Soberana đạt hiệu quả 91,2% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nhiễm bệnh ở trẻ em.
Chiến dịch tiêm chủng đại trà vắc xin COVID-19 cho trẻ em trên 2 tuổi được Cuba thực hiện vào đúng ngày khai giảng năm học mới tại tỉnh miền Trung Cienfuegos. Việc chủng ngừa cho nhóm đối tượng trẻ em từ 2-11 tuổi dự kiến kết thúc vào ngày 15/11 tới.
Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi, với số lượng vắc xin cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV sẽ tiêm đủ hai mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này.
Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.
Đến nay, Bộ Y tế đã ký hợp đồng với Pfizer để mua thêm 20 triệu liều cho trẻ em. Ngoài ra, trong chuyến thăm Cuba vừa qua, Việt Nam đã ký thành công biên bản ghi nhớ mua 5 triệu liều vắc xin Soberana cho trẻ em.