Liệu ngành dệt may có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định RCEP?
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kì vọng mở rộng thị trường xuất khẩu cho các ngành hàng trong nước; trong đó, có ngành dệt may.
Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp ngành hàng này có thể tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định mang lại hay không, vẫn còn là bài toán khó giải.
Hiệp định RCEP chính thức được kí kết vừa qua với sự tham gia của 15 thành viên, tạo ra thị trường trên qui mô 2,2 tỉ người, tương đương 26.200 tỉ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới.
Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, qui tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lí Hiệp định RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định này dự kiến sẽ tạo cơ hội để ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành chuỗi cung ứng.
Chia sẻ về tác động của Hiệp định RCEP đối với ngành dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, Hiệp định này sẽ mang tới nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam.
Đặc biệt, khác với các hiệp định khác, tại Hiệp định RCEP, qui tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với Hiệp định RCEP, ngành dệt may sẽ được mở ra một thị trường lớn với mức độ cam kết ít khắt khe hơn, yêu cầu dễ chịu hơn so với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hơn nữa, trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào," vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay.
Đặc biệt, Hiệp định RCEP sẽ giải quiết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, cơ hội rộng mở với thị trường tỉ dân này.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đó, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản, trong khi đó Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc.
Thì nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
"Ngoài ra, Hiệp định RCEP cũng sẽ tạo ra động lực phát triển công nghệ dệt may, giúp chuyển dịch cơ cấu dệt may của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam và bổ sung được phần cung thiếu hụt của Việt Nam," ông Giang cho hay.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp khá lo ngại khi nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ sẽ tràn vào trong nước.
Đại diện Công ty Dệt may Thành Công cho hay, trước khi có Hiệp định RCEP, Việt Nam đã phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, với giá rẻ hơn nhiều so với các thị trường khác.
Hiện nay, Hiệp định RCEP đã chính thức được kí kết, hàng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc sẽ được tạo thuận lợi về thuế quan khi vào Việt Nam, giá thành sẽ tiếp tục cạnh tranh hơn.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước gặp khó khăn. Đương nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu, sử dụng nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ có lợi thế, bởi nguyên phụ liệu từ Trung Quốc vẫn sẽ được chấp nhận.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 ông Thân Đức Việt, năm nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, May 10 vẫn đạt tăng trưởng khoảng 3%, không phải sa thải người lao động mà còn tuyển thêm từ tháng 5 trở lại đây.
Mỗi hiệp định thương mại tự do sẽ luôn đi kèm cả khó khăn, thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp. Hiệp định thương mại tự do được kí kết như EVFTA, RCEP với các ưu đãi về thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế để xuất khẩu sang các thị trường, đây là cú hích tốt cho ngành phát triển.
Để tận dụng hiệu quả FTA này, ông Vũ Đức Giang cho hay, doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu kỹ cam kết, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Sau đó, chủ động có kế hoạch đáp ứng qui tắc xuất xứ và nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, về dài hạn, để hỗ trợ hiệu quả và gỡ bỏ vướng mắc, rào cản cho doanh nghiệp ngành dệt may trong thời gian tới, Vitas kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035.
Chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại thế hệ mới...