|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương: Tổng trị giá xuất khẩu dệt may năm nay sẽ cao hơn dự báo trước đó

07:23 | 03/12/2020
Chia sẻ
Dự báo tổng trị giá xuất khẩu cả năm của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỉ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, cao hơn dự báo trước đó là chỉ đạt 30-31 tỉ USD.

Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại mới nhất của Bộ Công Thương cho biết tính chung 11 tháng năm 2020, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 612,6 triệu m2, tăng 6,3%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 855,7 triệu m2, giảm 9,4%; quần áo mặc thường ước đạt 4.043,3 triệu cái, giảm 5,3% so với cùng

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng ước đạt 26,73 tỉ USD, giảm 10,5% so với cùng . Kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kĩ thuật khác ước đạt 400 triệu USD, giảm 26,8%; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại ước đạt 3,29 tỉ USD, giảm 13,5% so với 11 tháng năm ngoái.

Theo Bộ Công thương có thể nói, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục.

Tuy nhiên với việc khống chế dịch bệnh hiệu quả cùng với việc các doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nên mức giảm của dệt may Việt Nam không lớn như các quốc gia khác. 

Đây là nỗ lực rất lớn của ngành dệt may, đặc biệt là trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm khoảng 20%, thậm chí có thể giảm tới 25% và các quốc gia cạnh tranh được hỗ trợ bởi đồng tiền của các quốc gia này giảm giá so với đồng USD. 

"Dự báo tổng trị giá xuất khẩu cả năm của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỉ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, cao hơn dự báo trước đó là chỉ đạt 30-31 tỉ USD", Bộ Công Thương cho hay.

Theo đó, trong thời gian tới, ngành dệt may cần chú trọng hơn đến phát triển thị trường nội địa để bảo đảm bền vững hơn cho sản xuất kinh doanh dài hạn. 

Đồng thời, ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. 

Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lí, vận hành doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỉ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Như Huỳnh