Sắp được xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, dự kiến ngày 8/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ có cuộc họp trực tuyến.
Tại cuộc họp này, hai bên sẽ bàn về những giải pháp nhằm thúc đẩy mở cửa thị trường, thương mại giữa hai nước; tạo điều kiện thông quan nhanh tại các cửa khẩu; có cơ chế họp thường niên giữa hai bên. Đặc biệt, trong khuôn khổ cuộc họp hai bên sẽ kí trực tuyến Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng đối với nông sản Việt Nam. Thời gian qua, tác động của dịch COVID-19 nhưng hai bên vẫn cùng nhau trao đổi, tìm ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy mở cửa thị trường và thương mại giữa hai nước.
"Nếu hai bên có cuộc hợp thường niên sẽ là cơ hội tốt để cùng đánh giá, rà soát lại các công việc mà hai bên thực hiện trong việc mở cửa thị trường cũng như thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản. Từ đó, hai bên sẽ có các giải pháp sao cho hiệu quả nhất để thúc đẩy hoạt động thương mại.", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay.
Chia sẻ về việc sẽ kí Nghị định thư về xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo bộ, các đơn vị chuyên môn đã nỗ lực đàm phán về kĩ thuật cùng các cơ quan của Trung Quốc để sớm mở cửa mặt hàng thạch đen sang thị trường này.
Theo ông Hoàng Trung, mặt hàng thạch đen có thuận lợi là trước khi đề nghị hoàn thiện các thủ tục để kí kết nghị định thư, các chuyên gia của Trung Quốc đã sang tỉnh Lạng Sơn để kiểm tra khu vực sản xuất, đóng gói và các biện pháp bảo quản thạch đen tại địa phương này.
Lạng Sơn hiện có diện tích trồng thạch đen lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 2.000 ha cho sản lượng trên 10.000 tấn/năm. Với sản lượng đó, thu nhập người dân trên địa bàn tỉnh này với mặt hàng này khoảng từ 200 - 250 tỉ đồng/năm.
Việc mở cửa được sản phẩm này sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng hay một số tỉnh phía Nam cũng có thể phát triển loại cây trồng này.
Sau sản phẩm thạch đen, ông Hoàng Trung cho biết, thời gian tới, Việt Nam mong muốn phía Trung Quốc xem xét chấp thuận nhập khẩu sầu riêng và khoai lang vì đây là những mặt hàng Việt Nam có tiềm năng lợi thể kể cả về chất lượng và sản lượng. Bên cạnh đó, đây là mặt hàng mà phía Trung Quốc ưa chuộng.
Về các hồ sơ liên quan đến sản phẩm sầu riêng và khoai lang, Việt Nam đã gửi cho các cơ quan chức năng của Trung Quốc và trực tiếp nhiều lần đàm phán, thảo luận về vấn đề này. Các khâu kĩ thuật như hoàn thiện hồ sơ, đưa ra các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm kèm theo đó là biện pháp kĩ thuật để kiểm tra, kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật đó đã được hoàn tất.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, trước khi hoàn thiện dự thảo nghị định thư để tiến tới kí kết không chỉ riêng Trung Quốc mà các nước đều đề nghị phải có đoàn chuyên gia kĩ thuật sang Việt Nam để đánh giá về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vấn đề kiểm tra, kiểm soát trong kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu sang thị trường của họ. Đây là yêu cầu bắt buộc mà Việt Nam phải thực hiện.
Trước tình hình dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị phía Trung Quốc áp dụng các hình thức trực tuyến để xử lí vấn đề này. Theo đó, hai bên sẽ đàm phán trực tuyến và thực hiện việc kiểm tra, giám sát các cơ sở đóng gói trực tuyến để tránh việc phải đi lại và rút ngắn thời gian đàm phán, sớm mở cửa được hai loại nông sản nói trên.