Liên tục 'đấu tranh và đàm phán', Mỹ và Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong chiến tranh thương mại đến năm 2035
Mỹ và Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong chu kì "đấu tranh và đàm phán" cho đến năm 2035 và mối quan hệ giữa hai nước sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi dần hồi phục trở lại, theo một nhà nghiên cứu cao cấp của chính phủ Trung Quốc.
Trong vài năm tới, hai bên sẽ thử thách ý định chiến lược của bên còn lại và do đó, dễ đưa ra đánh giá sai lầm khiến các cuộc đàm phán thương mại trở nên khó khăn, ông Zhang Yansheng - nhà nghiên cứu trưởng tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho hay.
Ông Zhang trước đó từng làm việc tại Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu Trung Quốc. Nhà nghiên cứu này hiện là thành viên thuộc ủy ban học thuật của NDRC.
Giai đoạn khó khăn nhất sẽ là 2021 - 2025 và có thể xảy ra xung đột trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ và tài chính, ông Zhang phát biểu trong cuộc họp ngắn do chính phủ tổ chức vào hôm 22/5.
Trong giai đoạn 2026 - 2035, Trung Quốc và Mỹ có thể hướng từ "đối đầu phi lí" sang "hợp tác hợp lí".
Trung Quốc sử dụng một loạt kế hoạch 5 năm để tổ chức phát triển kinh tế trong nước.
Năm 2035 đánh dấu thời điểm Bắc Kinh nỗ lực đạt được danh hiệu "hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa" khi đất nước tỉ dân gia nhập hàng ngũ các nước đổi mới nhất thế giới, theo kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng năm 2017.
Triển vọng về một thỏa thuận thương mại nhanh chóng với Mỹ đã mờ nhạt sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ hồi đầu tháng 5 này và Tổng thống Donald Trump đe dọa nhắm vào loạt công ty công nghệ Trung Quốc.
Sự thất bại trong cuộc đàm phán vừa qua là do Mỹ yêu cầu Trung Quốc thực hiện các thay đổi trên diện rộng về cân bằng thương mại, cải cách cơ cấu và sửa đổi pháp lí, ông Zhang nói. Những yêu cầu trên là quá nhanh chóng và quá nhiều.
"Không cái nào trong số ba yêu cầu này có thể thực hiện trong thời gian ngắn", ông Zhang nói. Đồng thời, ông còn bổ sung rằng hệ thống thực thi mà Mỹ đòi hỏi vượt quá khả năng của chính phủ Trung Quốc và những thay đổi pháp lí là "một rào cản kĩ thuật quá cao".
Theo ông Zhang, Trung Quốc cần thời gian để cải thiện năng lực trên toàn quốc bởi khoảng cách giữa các đô thị lớn và vùng quê nghèo là quá chênh lệch.
Mỹ đã đưa ra một gói yêu cầu, đề nghị Trung Quốc thực hiện trong một bước và đe dọa trừng phạt nếu điều đó không xảy ra.
Đối với Trung Quốc, "điều này nghe có như đang quay về năm 1840. Vậy có công bằng hay không", ông hỏi, đồng thời đề cập đến hiệp ước triều nhà Tranh bị buộc phải kí sau khi thua trận trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất.