|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lãnh đạo Trung Quốc khuyên Mỹ từ bỏ chính sách của ông Trump

19:17 | 02/02/2021
Chia sẻ
Ông Dương Khiết Trì, quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc kêu gọi Mỹ bỏ cách tiếp cận đối địch với Trung Quốc. Tuy nhiên, tín hiệu từ Washington cho thấy chính quyền của ông Biden sẽ áp dụng chính sách tương tự như thời ông Trump, chỉ khác về chiến thuật.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc khuyên Mỹ không đi theo chính sách 'sai lầm' của ông Trump - Ảnh 1.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. (Ảnh: AFP)

Ông Dương Khiết Trì nói rằng nước Mỹ dưới thời ông Trump đã đi theo "các chính sách sai lầm". Ông khuyên chính quyền của Tổng thống Biden chọn hướng đi khác với người tiền nhiệm.

Tại sự kiện trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung (NCUCR), ông Dương phát biểu: "Trong những năm qua, chính quyền Trump đã áp dụng các chính sách sai lầm chống lại Trung Quốc, đẩy quan hệ song phương vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi hai nước bắt đầu thiết lập mối liên hệ ngoại giao".

Ông Dương cho rằng Mỹ có tâm lý lỗi thời theo kiểu "bên được bên mất, cạnh tranh giữa các cường quốc" và cần phải thay đổi để đưa quan hệ Mỹ-Trung quay trở lại bình thường. Bình luận của ông phần lớn giống với lời kêu gọi Mỹ ngừng coi Trung Quốc là kẻ thù của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lạc Ngọc Thành tuần trước.

Tuy nhiên những người chỉ trích cho rằng lời kêu gọi trên chỉ là nói suông khi Bắc Kinh vẫn có cách tiếp cận mạnh bạo trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, công nghệ cho đến ảnh hưởng trong khu vực.

Theo South China Morning Post (SCMP), cho tới nay ông Dương là quan chức cấp cao nhất của nước này bình luận về quan hệ song phương kể từ lễ nhậm chức của ông Biden gần hai tuần trước. Với tư cách ủy viên trong Quốc vụ viện Trung Quốc, ông có vị trí cao hơn Ngoại trưởng Vương Nghị. Các thành viên của NCUCR bao gồm Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Jacob Lew.

Trong khi Bắc Kinh muốn thiết lập lại quan hệ hai nước, Washington vẫn không mặn mà với ý tưởng quan hệ Mỹ-Trung quay trở lại như trước thời ông Trump nắm quyền.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận xét Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đến lợi ích của Mỹ. Ông cũng tán thành cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump dù không đồng ý với chiến thuật của cựu tổng thống.

Ông Dương cho rằng các cuộc đối thoại thông thường giữa Trung Quốc với Mỹ cần được khôi phục lại ở mọi cấp độ, bao gồm việc đảo ngược các chính sách thời ông Trump ví dụ như việc đóng cửa Viện Khổng tử tại đại học Mỹ.

Ông Dương phát biểu: "Tôi hy vọng chính quyền mới sẽ gỡ bỏ những trở ngại trong việc liên lạc giữa người với người, chẳng hạn như quấy rối sinh viên Trung Quốc, hạn chế các phương tiện truyền thông Trung Quốc, đóng cửa Viện Khổng Tử và kìm hãm doanh nghiệp Trung Quốc. Các biện pháp chính sách này không chỉ sai lầm mà còn không được ủng hộ".

'Lằn ranh đỏ'

Ông Dương cũng nói rằng hai nước cần phải mở rộng hợp tác và giải quyết các khác biệt đối với "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, bao gồm Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương.

"Những lợi ích cốt lõi này là lằn ranh đỏ không thể vượt qua. Bất kỳ hành vi xâm phạm nào cũng sẽ làm tổn thương quan hệ Trung-Mỹ và lợi ích riêng của Mỹ. Trung Quốc chúng tôi mong Mỹ sẽ thấu hiểu mức độ nhạy cảm của những vấn đề này và xử lý chúng một cách thận trọng, tránh làm gián đoạn hoặc tổn hại đến sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau".

Mỹ cáo buộc Bắc Kinh phạm tội "diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và làm tổn hại đến quyền tự do chính trị ở Hong Kong. Với những cáo buộc trên, Mỹ đã trừng phạt nhiều quan chức và tổ chức Trung Quốc.  

Ông Dương nói rằng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới "không nên bị chính trị hóa" và hai bên nên cung cấp cho nhau "môi trường công bằng, cởi mở và không phân biệt đối xử".

Doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã phàn nàn về sân chơi không cân bằng ở Trung Quốc, bao gồm trợ cấp của nhà nước Trung Quốc dành cho doanh nghiệp nội địa.

Ông Dương kêu gọi: "Chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau, tìm ra điểm chung, đồng thời gạt những khác biệt sang một bên, kiểm soát hiệu quả bất đồng và mở rộng lợi ích chung".

Giang