|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lãnh đạo người Mỹ trong doanh nghiệp Trung Quốc khổ sở vì sức ép từ Washington

19:40 | 13/09/2020
Chia sẻ
Giới lãnh đạo người Mỹ trong các công ty, viện chính sách và tổ chức nghiên cứu Trung Quốc đang ngày càng bất an trước chính sách gây áp lực của Washington. Thậm chí, không ít người chọn ra đi như CEO TikTok vì không chịu được nhiệt.

CEO TikTok ra đi sau ba tháng nhậm chức

Cuối tháng 8, CEO Kevin Mayer của TikTok bất ngờ tuyên bố từ chức chỉ sau ba tháng tiếp quản công việc. Trong đơn từ chức, ông Mayer cho biết bản thân ra đi vì không có nhiều cơ hội để điều hành TikTok hiệu quả cũng như do bối cảnh chính trị Mỹ đang dần thay đổi, đặc biệt là giữa lúc Washington gây áp lực buộc TikTok phải "bán mình".

Thời gian qua, chính phủ Mỹ đã cáo buộc TikTok, WeChat, Huawei và một số công ty Trung Quốc khác chuyển thông tin nhạy cảm cho Bắc Kinh và gây ra các rủi ro bảo mật.

Ông Richard Levick - CEO công ty kiểm soát khủng hoảng Levick từng hợp tác với nhiều khách hàng Trung Quốc, cho hay: "Chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Bắc Kinh và Washington. Xung đột này kéo theo rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng".

Giám đốc người Mỹ trong công ty Trung Quốc chật vật 'chịu nhiệt' từ Washington - Ảnh 1.

CEO Kevin Mayer rời TikTok chỉ sau ba tháng nhậm chức. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Câu chuyện của ông Mayer cho thấy áp lực lớn mà các chuyên gia người Mỹ tại các công ty Trung Quốc phải đối mặt khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi và chính quyền ông Trump liên tục nhắm đến nhiều công ty công nghệ Trung Quốc để làm lợi thế tái đắc cử.

"Nếu ông Kevin Mayer tiếp tục làm việc cho TikTok, sự nghiệp của ông có thể chấm hết, đặc biệt là khi ông Trump coi Trung Quốc là kẻ thù số một của Mỹ", ông Gorden Feller - cựu Giám đốc cấp cao của Cisco Systems nhận định.

"Tôi tin tình hình hiện tại là một trở ngại lớn cho các giám đốc người Mỹ làm việc tại các công ty Trung Quốc có tiếng tăm", ông Feller nói thêm.

Áp lực dồn nén từ chính quyền ông Trump

Các giám đốc không phải người Trung Quốc làm việc cho hoặc với các công ty, tổ chức Trung Quốc cho biết công việc của họ ngày càng căng thẳng, khó lường. Họ lo ngại hồ sơ xin việc sẽ gặp bất lợi khi bị đánh giá là "làm việc cho kẻ thù".

CEO Levick chia sẻ, ông chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa khi thực hiện công việc của mình như hiện nay.

"Bạn cúp máy và băn khoăn không biết điện thoại có bị nghe trộm không. Chuông cửa reo và bạn tự hỏi liệu có phải cơ quan chính phủ đang tìm gặp mình. Bạn lo máy tính của mình bị tấn công,...", ông Levick cho hay. 

"Nếu chiến lược của Washington là khiến các luật sư, nhà vận động hành lang và chuyên gia truyền thông cảm thấy bất an thì chắc chính phủ Mỹ đã thành công", ông Levick bày tỏ.

Theo South China Morning Post (SCMP), Washington có nhiều vũ khí để đọ sức cùng Bắc Kinh. Ví dụ, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) có thể chặn các khoản đầu tư từ Trung Quốc mà họ coi là mối đe dọa an ninh.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ có thể tăng cường kiểm soát các nhà tư vấn và cố vấn cho các công ty Trung Quốc theo Đạo luật Đăng kí Đại lí Nước ngoài (FARA) hoặc cho phép Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) bí mật điều tra hoạt động gián điệp.

Bên cạnh đó, các giám đốc Mỹ cho biết chính sách cứng rắn và hung hăng của Trung Quốc liên quan đến biên giới với Ấn Độ, Biển Đông, khu tự trị Tân Cương, đặc khu hành chính Hong Kong và Tây Tạng đã khiến tình cảnh của họ éo leo hơn.

Các động thái trên của Trung Quốc khiến Mỹ càng thêm mất lòng tin. Khi ưu thế về công nghệ trở thành một mặt trận cạnh tranh nóng bỏng, một số chuyên gia nhận thấy Thung lũng Silicon ngày càng cảnh giác với các công ty Trung Quốc có vẻ hoạt động theo chỉ thị của Bắc Kinh hơn là xuất phát từ lợi ích thương mại chung.

"Thung lũng Silicon không có nhiều thiện cảm với TikTok hay các công ty Trung Quốc nói chung", SCMP dẫn lời một nhà đầu tư công nghệ cho hay.

TikTok không phải trường hợp duy nhất có CEO từ chức bất ngờ. Năm ngoái, ngay sau khi CFO Mạnh Vãn Chu của Huawei bị bắt tại Canada, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của Huawei Canada đã từ chức mà không đưa ra lời giải thích nào.

Tại Huawei chi nhánh Anh, CEO Lord Browne đã tuyên bố kế hoạch rời vị trí trong tháng 9 sau khi chính quyền London hạn chế cơ hội tiếp cận thị trường của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Giám đốc người Mỹ trong công ty Trung Quốc chật vật 'chịu nhiệt' từ Washington - Ảnh 2.

CEO Lord Browne của Huawei chi nhánh Anh. (Ảnh: AP)

Bất công trong công ty Trung Quốc

Các công ty "headhunt" (tìm kiếm nhân sự cấp cao) cho biết bất ổn địa chính trị hiện nay khiến các nhà quản lí nước ngoài phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi chuyển sang làm cho một công ty Trung Quốc.

"Nếu đã là một giám đốc có năng lực từ Disney, Google thì tạo sao bạn phải gia nhập một công ty công nghệ Trung Quốc ở thời buổi này chứ?", ông Thomas Green - đối tác của công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Calibre One cho hay.

Theo SCMP, nhiều giám đốc nước ngoài đã đầu quân cho các công ty Trung Quốc để mở rộng thị trường Bắc Mỹ và nâng cao danh tiếng của công ty. Họ cho biết công việc của mình bị chi phối bởi nhiều khác biệt văn hóa và thường không thể tham gia vào quá trình đưa ra quyết định.

Do đó, các giám đốc nước ngoài phải thực hiện chỉ thị mà không được thắc mắc hoặc mất nhiều thời gian để điều chỉnh thông điệp cho phù hợp với khách hàng Mỹ. Áp lực gia tăng và một số người phải nghỉ việc, chẳng hạn như trường hợp ông Guido Jouret.

Ông Jouret từng làm việc cho Cisco và năm 2015 chuyển sang làm quản lí cho công ty khởi nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo Trung Quốc mang tên Envision Energy. Sau một năm bất đồng về giao tiếp và văn hóa, ông Jouret rời Envision và sang Nokia.

Các nhà vận động hành lang cũng gặp nhiều trở ngại khi làm việc với chính phủ Mỹ. Ngoài ra, một số chính trị gia Mỹ còn khuyến khích Quốc hội từ chối tiếp chuyện với bất kì ai có liên quan đến Trung Quốc, như đề xuất củaThượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marsha Blackburn.

"Quốc hội Mỹ nên xa lánh các quan chức và tổ chức Trung Quốc", bà Blackburn viết trong một bức thư gửi các đồng nghiệp.

Gia nhập một công ty Trung Quốc hồi năm ngoái, một nhà vận động hàng lang tại Washington cho hay một phần trong ông coi bức thư của bà Blackburn như một sự công kích cá nhân.

"Bức thư đó gần như động chạm đến lòng yêu nước của tôi. Tôi chưa thấy bất kì hoạt động của mình nào trong công ty bị chính phủ Trung Quốc can thiệp hoặc tác động để đi ngược lại các giá trị của bản thân với tư cách là một người Mỹ", nhân vật trên chia sẻ.

Giám đốc người Mỹ trong công ty Trung Quốc chật vật 'chịu nhiệt' từ Washington - Ảnh 3.

Mỹ đặt một "quả tạ lớn" lên các giám đốc người Mỹ làm việc cho công ty Trung Quốc. (Ảnh minh họa: South China Morning Post)

Giới học giả không nằm ngoài tầm ngắm

Không chỉ các giám đốc doanh nghiệp bị kẹt giữa cuộc chiến tranh lạnh của Mỹ và Trung Quốc, giới học thuật cho biết hợp tác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc hoặc là người Mỹ gốc Hoa cũng đủ để thu hút sự giám sát của Cục Điều tra Liên bang (FBI). Họ có thể đối mặt với các cuộc điều tra, phân biệt chủng tộc và sự nghiệp bị hủy hoại.

Các chuyên gia cảnh báo, lợi ích từ hợp tác quốc tế có thể biến mất vì thực trạng trên, ví dụ như trong lĩnh vực phát triển vắc xin ngừa COVID-19.

SCMP dẫn lời ông Ali Nouri - Chủ tịch Liên đoàn Khoa học gia Mỹ, lập luận: "Chối bỏ các nhà khoa học tài năng của Trung Quốc cũng như của các nước khác chỉ khiến đối thủ của Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn. Trên thực tế, giới khoa học nước ngoài đóng góp rất nhiều cho các khám phá của Mỹ".

"Hành vi chuyển dữ liệu bất hợp pháp từ Mỹ sang Trung Quốc cần phải được giải quyết, tuy nhiên chính phủ nên xử lí theo cách khéo léo. Chúng ta cần một con dao mổ chứ không phải một cái búa tạ", ông Nouri nói tiếp.

Tháng trước, hơn một chục nhà nghiên cứu Trung Quốc đã được lệnh rời Mỹ sau khi một trường đại học ở bang Texas dừng hợp tác với một chương trình học bổng do chính phủ Trung Quốc tài trợ.

Các chuyên gia chính sách Trung Quốc cũng lặp lại những lo ngại trên. Họ còn nói thêm rằng sự thiếu tin tưởng có thể cản trở nghiên cứu học thuật, dẫn đến các cáo buộc về hành vi phản bội và khiến giới học giả tránh xa các chủ đề nhất định, thậm chí là cân nhắc kĩ trước khi tham gia lĩnh vực nghiên cứu Trung Quốc.

Yên Khê

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.