|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát Eurozone thấp nhất trong hai năm khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại

20:51 | 29/09/2023
Chia sẻ
Lạm phát tại khu vực đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua. Tuy nhiên, cái giá phải trả là nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Người dân mua sắm tại Pháp. (Ảnh: Sarah Meyssonnier/Reuters).

Theo Reuters, vào tháng 9, lạm phát khu vực đồng Euro (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua. Kết quả này cho thấy chiến dịch tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã kìm hãm được đà tăng giá cả. Tuy nhiên, động thái này cũng khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. 

Theo ước tính của Eurostat, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại 20 quốc gia sử dụng đồng Euro tăng 4,3% trong tháng 9. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 10/2021. Tháng trước, lạm phát tại khu vực này đạt 5,2%. 

Lạm phát cơ bản (không bao gồm biến động của thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá) cũng giảm từ 5,3% xuống 4,5%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2020. 

Những thông tin này có khả năng sẽ thuyết phục ECB rằng lãi suất đã đủ cao để lạm phát giảm xuống mục tiêu 2% trong năm 2025. 

Ông Diego Iscaro, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Âu tại S&P Global Market Intelligence, nhận định: “Hiệu ứng cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích sự sụt giảm mạnh của lạm phát. Nhưng các số liệu cũng cho thấy áp lực lạm phát cơ bản đang trở nên ít căng thẳng hơn”. 

“Các số liệu trên cũng củng cố quan điểm rằng lãi suất có thể đã đạt đỉnh trong chu kỳ thắt chặt hiện tại”, ông nói thêm. 

Lạm phát tại Eurozone hạ nhiệt trên diện rộng, tất cả giá cả đều tăng với tốc độ chậm hơn. Giá năng lượng đã giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp. Một báo cáo khác cho thấy giá cả nhập khẩu của Đức trong tháng 8 - chỉ số có xu hướng tác động tới giá tiêu dùng của nước này - đã ghi nhận mức giảm lớn nhất so với cùng kỳ kể từ tháng 11/1986.

Nguy cơ suy thoái

 

Lạm phát tại Eurozone đã nhanh chóng đạt mức hai con số vào mùa thu năm ngoái trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng vọt, những khó khăn sau đại dịch COVID và chi ngân sách Chính phủ ở mức cao. ECB đã phản ứng bằng cách nâng lãi suất lên từ -0,5% lên 4% chỉ trong hơn một năm, kết thúc chính sách tiền tệ siêu lỏng kéo dài một thập kỷ. 

Tác động của chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong lịch sử gần 25 năm của ECBđối với nền kinh tếngày càng trở nên rõ ràng. Một số chỉ số đã cho thấy khả năng xảy ra suy thoái ở khu vực Eurozone. 

Doanh số bán lẻ tại Đức đã giảm trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 tăng lên. Những dữ liệu này xác nhận nền kinh tế lớn nhất khu vực đang hướng tới cuộc suy thoái lần thứ hai trong năm. 

Cho tới nay, ECB vẫn giữ kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế trong năm tới, một phần nhờ vào mức lương thực tế đã tăng lên khi lạm phát giảm. 

Tuy nhiên, triển vọng này dựa trên kịch bản rằng những yếu tố bên ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, không suy thoái nhiều hơn và hoạt động đầu tư vẫn ổn định, theo nhà kinh tế Dirk Schumacher của Natixis. Ông Schumacher nói thêm: “Lãi suất đã tăng nhanh hơn nhiều so với những lần trước, nên việc so sánh với quá khứ có thể là sai lầm”. 

Minh Quang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.