|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Truy tìm căn nguyên của lạm phát tại châu Âu

08:30 | 01/09/2023
Chia sẻ
Khi giải mã tình trạng lạm phát kéo dài ở châu Âu, Tom Benoît - nhà báo đồng thời là chuyên gia kinh tế người Pháp - đã phân tích nguồn gốc của sự tăng giá đột ngột ở khu vực này trong vài tháng qua.

Giải mã tình trạng lạm phát kéo dài ở châu Âu, Tom Benoît - nhà báo đồng thời là chuyên gia kinh tế người Pháp - đã đi sâu phân tích nguồn gốc của sự tăng giá đột ngột ở khu vực này trong vài tháng qua.

Theo ông Tom Benoit, lạm phát ở châu Âu là hệ quả trước hết của việc đồng tiền mất giá, sau đó mới đến sự leo thang của giá cả. Quả thực, tổng khối lượng tiền trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng nhanh hơn trong giai đoạn giữa năm 2020 và 2022, so với các giai đoạn trước đó.

Để hiểu rõ hơn về nguy cơ suy thoái do lạm phát mà châu Âu đang đối mặt, cần phải đặt câu hỏi về cơ chế tạo ra tiền tệ, chứ không chỉ tập trung vào vấn đề in thêm tiền và khối lượng tiền. Sự kết hợp giữa chi phí sản xuất cao và lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế thực tương đối hạn chế là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát hiện tại.

Từ năm 2009 đến năm 2015, mức tăng khối lượng tiền tệ của Eurozone là rất nhỏ. Chính sách hạn chế này diễn ra sau cuộc khủng hoảng nợ công và cuộc khủng hoảng Hy Lạp, vốn đã tạo ra một tâm lý lo ngại nghiêm trọng trong Eurozone.

Trước đó, từ năm 2000 đến năm 2009, hoạt động in tiền tương đối dồi dào và được thực hiện theo phương thức truyền thống, chủ yếu thông qua việc phát hành tín dụng do các tổ chức ngân hàng cấp, chứ không phải bằng cách áp dụng chính sách nới lỏng định lượng.

Ở Pháp, trong nửa đầu thập kỷ 2010 không có các giai đoạn lạm phát đáng kể, chủ yếu là vì trong thập kỷ trước, nhiều cá nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp có đủ lượng tiền dư để thực hiện đổi mới và tạo ra hàng hóa/dịch vụ với giá thành thấp hơn nhờ chia sẻ chi phí, dựa vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra ổn định và hiệu quả.

Trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2021, bất kể chính sách tiền tệ được thực hiện bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là chính sách nới lỏng hay hạn chế, lạm phát tại Pháp vẫn luôn duy trì ở mức từ 1 - 2%. Đỉnh cao của lạm phát vào năm 2008 là 2,8%, trong khi "đáy" của lạm phát vào năm 2015 giảm xuống mức 0%.

Kết luận rút ra từ phân tích trên là việc tăng khối lượng tiền tệ không nhất thiết sẽ dẫn đến giai đoạn lạm phát nghiêm trọng, miễn là tình trạng dư lượng tiền tệ này phải có lợi cho việc thúc đẩy nền kinh tế trong chính khu vực tiền tệ.

Từ năm 2022, lạm phát ở Pháp đã bất ngờ tăng cao - từ mức 1,6% vào năm 2021 lên 5,2% chỉ sau một năm.
Thực tế trong quá khứ đã cho thấy việc khuyến khích tiết kiệm nhiều hơn để tạo ra giá trị hoặc thu nhập, trong bối cảnh mức tăng lạm phát vượt quá 3% là khá phức tạp. Nó cũng đồng thời chứng tỏ rằng các nền dân chủ tự do thịnh vượng được hình thành là nhờ vào việc có một số lượng lớn công dân có tích lũy tiết kiệm dồi dào.

Lạm phát lan rộng trong Eurozone trong những tháng gần đây một phần là kết quả của các chính sách nới lỏng định lượng, được ECB thực hiện ồ ạt từ năm 2015. Một giai đoạn tạo ra tiền tệ thông qua chính sách nới lỏng định lượng thường kết thúc với sự tăng giá một cách khó kiểm soát, bởi vì nó tương ứng với một khoảng thời gian trong đó khối lượng tiền tệ tăng lên mà nền kinh tế thực không được hưởng lợi trực tiếp.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), sau giai đoạn dài giảm phát, từ năm 2000 đã áp dụng chính sách nới lỏng định lượng. Tuy nhiên, vào năm 2006, BoJ đã từ bỏ chính sách này và sau vài năm, lại tiếp tục quay lại thực hiện chính sách nới lỏng định lượng.

Nhược điểm chính của chính sách nới lỏng định lượng là nó tạo ra ‘‘tiền trực thăng’’ (Helicopter Money). Đó là thuật ngữ đề cập đến việc một lượng tiền lớn được in ra bởi ngân hàng trung ương và phân phối cho các cá nhân hoặc các tổ chức trong hệ thống kinh tế, mà không cần thông qua một ngân hàng thương mại. Do đó, ‘‘tiền trực thăng’’ không được sử dụng trong giao dịch thực tế và không lưu thông trong hệ thống kinh tế thực.

Đối với Eurozone, nhiều khả năng lạm phát sẽ vẫn duy trì lâu dài. Ngày nay, mối nguy lớn là chỉ có sự giảm giá trong một số thị trường cụ thể, chủ yếu do sự suy thoái hoặc tắc nghẽn của nền kinh tế. Một số bất động sản, đặc biệt là những tài sản có giá trị dựa trên lợi nhuận cao từ cho thuê, có thể sẽ giảm giá.

Dự báo, số lượng các tài sản số (các tài sản dựa trên công nghệ số hóa, chẳng hạn như tiền điện tử) sẽ ngày càng tăng lên và tiền fiat (tiền tệ pháp định do các chính phủ phát hành), theo thời gian, sẽ ngày càng trở nên có tính biến đổi lớn về giá trị.

Mặt khác, điều quan trọng cần nhớ là lạm phát đã tăng rất mạnh, bất chấp chính sách hạn chế tiền tệ đã được ECB triển khai trong những tháng gần đây.

Theo chuyên gia kinh tế Tom Benoit, ông tiếp cận vấn đề lạm phát từ góc độ chủ yếu là tài chính, liên quan đến thực trạng bất thường về quản lý tiền tệ. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ rằng có nhiều yếu tố văn hóa, tôn giáo và tập quán xã hội và yếu tố địa chính trị, liên quan đến lạm phát. Đặc biệt, các yếu tố này có thể gây ra sự tăng giá trong việc cung ứng năng lượng, nhưng lại không phải là nguồn gốc chính của lạm phát.

Thu Hà