|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đầu tàu kinh tế châu Âu trì trệ kéo dài, tìm lại động lực tăng trưởng không dễ

08:00 | 02/09/2023
Chia sẻ
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang rơi vào tình trạng trì trệ và chính phủ nước này vẫn chưa tìm ra giải pháp để cứu đất nước.

Hai thập kỷ trước, Đức đã hồi sinh nền kinh tế ốm yếu của mình để trở thành cường quốc sản xuất trong kỷ nguyên toàn cầu hoá.

Thời thế đã thay đổi và Đức không thể theo kịp. Hiện giờ, nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải tự cứu mình lần nữa. Song, không dễ gì để Berlin tìm giải pháp cho các vấn đề dài hạn và những cuộc khủng hoảng ngắn hạn của mình.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới suy thoái trong năm nay. Ngay cả Nga bị phương Tây trừng phạt nặng nề như vậy cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương.

Sự phụ thuộc của Đức vào hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế khiến nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước loạt biến động gần đây, như việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong đại dịch, giá năng lượng nhảy vọt sau khi Nga tấn công Ukraine, hay lạm phát và lãi suất gia tăng trên phạm vi toàn cầu.

Tại nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Đức là Volkswagen, các giám đốc cấp cao đang có một cái nhìn khá tiêu cực.

Theo Wall Street Journal (WSJ), một trưởng bộ phận cho biết, việc chi phí bùng nổ, nhu cầu giảm sút và sự xuất hiện của những đối thủ mới như Tesla hay các công ty xe điện Trung Quốc đang tạo nên một “cơn bão hoàn hảo”.

Một công nhân đang đổ sắt nóng chảy vào khuôn đúc. (Ảnh: Getty Images).

Sự liên quan của Trung Quốc

Những vấn đề trên không phải mới. Sản lượng công nghiệp và GDP của Đức đã trì trệ kể từ năm 2018, cho thấy mô hình tăng trưởng từng một thời thành công của Berlin đã mất đi sức mạnh.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là động lực chính cho lĩnh vực xuất khẩu của Đức. Một Trung Quốc công nghiệp hoá nhanh chóng đã mua phần lớn tư liệu sản xuất mà Đức có thể tạo ra.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào đầu tư của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn trong vài năm qua. Tăng trưởng và nhu cầu nhập khẩu của đất nước tỷ dân đã chững lại.

Thay vì tiếp tục là những khách hàng lớn nhất của Đức, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh quyết liệt nhất. Các nhà sản xuất ô tô mới nổi của Trung Quốc đang đối chọi với những hãng xe Đức như Volkswagen, đặc biệt là trong cuộc cách mạng xe điện.

Nhìn rộng hơn, thế giới đang dần rút lui khỏi xu hướng thương mại tự do, thứ từng giúp ích cho Đức. Sự thay đổi này thể hiện rõ nét nhất khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan không chỉ với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà còn với cả các đồng minh của Washington ở châu Âu.

Quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh vào năm 2016 và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 khiến EU ban hành lệnh trừng phạt Moscow cũng báo hiệu thời điểm khó khăn hơn cho các nước xuất khẩu lớn.

 

Ngủ quên trong chiến thắng

Theo WSJ, vào những năm 1990, Đức từng phải vật lộn để thống nhất đất nước. Cạnh tranh toàn cầu gia tăng và luật lao động cứng nhắc đã góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Chi tiêu cho phúc lợi xã hội nhảy vọt.

Sự lệ thuộc vào lĩnh vực chế tạo của Đức bị coi là lỗi thời, bởi ở thời điểm đó các quốc gia khác đang đặt cược vào thương mại điện tử và dịch vụ tài chính.

Sau một thời gian căng thẳng leo thang, Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Gerhard Schröder đã cắt giảm phúc lợi, loại bỏ một số bộ phận của thị trường lao động và gây áp lực buộc những người thất nghiệp phải đi làm.

Lĩnh vực tư nhân cũng hành động. Các công ty Đức hợp tác với nhân viên, giúp phương pháp làm việc trở nên linh hoạt hơn. Công đoàn từ bỏ các đề xuất tăng lương để giữ lại nhà máy và việc làm ở Đức.

Giới doanh nghiệp Đức ngày càng tinh gọn. Cùng lúc, thế giới đang cần nhiều tư liệu sản xuất và xe hơi sang trọng mà Đức làm ra. Bộ mặt đất nước đổi thay.

Cựu Thủ tướng ĐứcGerhard Schröder (người đeo cà vạt đỏ) tại Berlin vào năm 2003. (Ảnh: Getty Images). 

Người kế nhiệm ông Schröder là bà Angela Merkel điều hành nước Đức trong nhiều năm mà không chịu áp lực phải cải cách nền kinh tế.

Xuất khẩu sang các quốc gia đang phát triển bùng nổ đã giúp Đức phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhanh hơn nhiều nước phương Tây khác.

Tâm lý tự mãn đã xuất hiện, WSJ cho hay. Đà bùng nổ kéo dài của lĩnh vực công nghiệp đã khiến Đức phờ lờ những điểm yếu trong nước.

Berlin làm tốt trong việc hỗ trợ những ngành công nghiệp cũ như ô tô, máy móc và hoá chất hơn là thúc đẩy các ngành mới như công nghệ kỹ thuật số. SAP - công ty phần mềm lớn duy nhất của Đức - được thành lập từ tận năm 1975.

Ngành dịch vụ, vốn chiếm phần lớn GDP và tạo ra nhiều việc làm, lại kém năng động hơn các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Tiền lương không tăng mấy đã làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Doanh nghiệp Đức tiết kiệm phần lớn lợi nhuận thay vì đầu tư.

Nhiều năm cắt giảm đầu tư công đã khiến cơ sở hạ tầng của Đức xuống cấp, kết nối internet và điện thoại di động đều kém so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Các cơ quan hành chính của nước này ngày nay vẫn phụ thuộc vào máy fax.

 

Ông Moritz Schularick, Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel, nhận xét: “Chúng tôi gần như đã ngủ quên trong một thập kỷ đầy thách thức”.

Giáo sư Josef Joffe của Đại học Stanford thì cho rằng Đức hiện đang ở giữa một chu kỳ thành công, trì trệ và áp lực phải cải cách.

“Đức rồi sẽ phục hồi, nhưng nước này đang mắc phải hai căn bệnh kéo dài: trên hết là thất bại trong việc chuyển đổi hệ thống công nghiệp cũ thành nền kinh tế tri thức và hai là chính sách năng lượng phi lý”.

Những rào cản hiện tại

BioNTech, công ty công nghệ sinh học phát triển thành công vắc xin ngừa COVID-19 cùng Pfizer, gần đây đã quyết định chuyển một số hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng sang Anh vì các quy định nghiêm ngặt của Đức về bảo vệ dữ liệu.

Người sáng lập BioNTech là ông Ugur Sahin cho biết luật bảo vệ quyền riêng tư của Đức khiến việc thực hiện các nghiên cứu quan trọng về phương pháp chữa trị ung thư gặp khó khăn.

Vị lãnh đạo của BioNTech nói thêm rằng quy trình phê duyệt của Đức đối những phương pháp điều trị mới đã chậm chạp trở lại. Trong đại dịch, Berlin từng đẩy nhanh quá trình này.

Ông Hans Georg Näder, Chủ tịch của Ottobock, một công ty sản xuất chân tay nhân tạo công nghệ cao, nói Đức đáng lẽ phải nằm trong số những quốc gia được hưởng lợi từ những tiến bộ trong khoa học y tế. Trái lại, hoạt động nghiên cứu ở Đức đang ngày càng khó khăn hơn nhờ những quy định mới.

 

Hồi tháng 3, một trong những doanh nghiệp tiếng tăm nhất của Đức là tập đoàn hoá chất Linde đã huỷ niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Frankfurt để chuyển đến sàn New York.

Linde đưa ra quyết định trên một phần là do những quy định tài chính ngày càng hà khắc tại Đức. Ngoài ra, Linde cho biết họ không còn muốn bị coi là của Đức nữa, bởi yếu tố này có thể làm giảm sức hấp dẫn của tập đoàn với các nhà đầu tư.

Chi phí năng lượng cũng đặt ra một thách thức lớn với các lĩnh vực như hoá chất. Cuộc chiến tại Ukraine đã phơi bày rủi ro của Đức khi phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Các chính trị gia Đức từng bác bỏ cảnh báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sử dụng khí đốt làm đòn bẩy địa chính trị, khẳng định Moscow là nhà cung ứng đáng tin cậy.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, ông Putin đã ngừng xuất khẩu khí đốt sang Đức nhằm hạn chế sự ủng hộ của châu Âu dành cho Kiev.

Giá năng lượng ở châu Âu hiện nay đã giảm so với mức đỉnh năm ngoái, nhưng các công ty công nghiệp Đức vẫn phải chịu chi phí cao hơn so với những đối thủ ở Mỹ và châu Á.

Ngoài ra, các giám đốc doanh nghiệp Đức cũng đang phàn nàn về tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề, những quy định nhập cư phức tạp và những bất cập về hạ tầng viễn thông và kỹ thuật số.

Tại cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 4, ông Martin Brudermüller, CEO của gã khổng lồ hoá chất BASF, cho biết: “Thị trường quê nhà khiến chúng tôi ngày càng bất an. Khả năng sinh lời không còn cao như trước”.

Một vấn đề khác mà Đức không thể cải thiện một cách nhanh chóng là nhân khẩu học. Lực lượng lao động thu hẹp khiến Đức thiếu hụt khoảng hai triệu nhân công. Khoảng 43% doanh nghiệp trong nước đang chật vật tìm kiếm lao động, thời gian để tuyển dụng một người là gần 6 tháng.

Yên Khê