|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát đáng lo, Fed có thể tăng lãi suất mạnh tay 75 điểm cơ bản

07:29 | 14/06/2022
Chia sẻ
Lạm phát giá tiêu dùng tăng vượt dự đoán trong tháng 5 có thể buộc các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cân nhắc mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Tại cuộc họp chính sách tuần này, các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể phải tăng lãi suất đến 75 điểm cơ bản - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, sau khi số liệu lạm phát tiêu dùng tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ kết thúc cuộc họp vào ngày 15/6 và đưa ra quyết định chính sách vào khoảng 14 giờ (theo giờ Washington), theo thông tin từ Bloomberg.

Trước đó, trong cuộc họp báo hồi tháng 5, Chủ tịch Jerome Powell từng hàm ý rằng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6 và 7, miễn là dữ liệu kinh tế công bố đúng như dự đoán.

Tuy nhiên, trong vài ngày qua, số liệu lạm phát đã khiến công chúng sửng sờ, đồng thời thúc đẩy nhà đầu tư đặt cược vào mức tăng 75 điểm cơ bản. Nhận định của thị trường đã được củng cố vào chiều ngày 13/6, sau khi Wall Street Journal cho rằng Fed có thể thực hiện một động thái mạnh tay như vậy trong tuần này.

Phố Wall “quay xe”, dự đoán Fed tăng lãi suất 75 điểm

Chuyên gia kinh tế tại các công ty tài chính hàng đầu Phố Wall đã nhanh chóng thay đổi dự báo lãi suất, Bloomberg cho hay. Goldman Sachs và Nomura Holdings cùng kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tuần này lẫn tháng 7 tới.

JPMorgan cũng dự đoán mức tăng 75 điểm cơ bản cho cuộc họp tuần này, “nối gót” Barclays và Jefferies - hai ngân hàng đã điều chỉnh nhận định về chính sách tiền tệ của Fed từ cuối tuần trước.

Thời gian qua, ông Powell và các đồng nghiệp đã vấp phải làn sóng chỉ trích tương đối gay gắt vì chậm thu hồi các kích thích khẩn cấp thời đại dịch và cho phép lạm phát leo vọt lên đỉnh 40 điểm.

Gần đây, người cầm trịch ngân hàng trung ương Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông sẽ làm mọi thứ để hạ nhiệt giá cả hàng hoá. Mặc dù từng hàm ý về mức tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6 và 7, ông Powell vẫn chừa đường lui cho Fed khi lưu ý rằng định hướng lãi suất vẫn phụ thuộc vào sức khoẻ của nền kinh tế.

Cuối tuần trước, dữ liệu mới của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xác lập mức đỉnh mới trong hơn 40 năm. Số liệu chính thức vượt hầu hết các dự báo, một dấu hiệu chứng tỏ lạm phát đang ăn sâu cắm rễ vào nền kinh tế Mỹ.

 

Cùng ngày, dữ liệu của Đại học Michigan cho thấy tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ vào đầu tháng 6 đã tụt xuống mức thấp kỷ lục. Những người tham gia khảo sát dự đoán lạm phát sẽ đạt khoảng 3,3% trong 5 đến 10 năm tới - mức cao nhất từ năm 2008 và tăng so với khoảng 3% vào tháng 5.

Thông tin của Đại học Michigan đặc biệt khiến Fed lo ngại, vì lâu nay ngân hàng trung ương Mỹ vẫn cho rằng kỳ vọng lạm phát dài hạn hiện duy trì ở mức ổn định, Bloomberg lưu ý.

Bất kỳ thay đổi nào cũng có nguy cơ khiến áp lực giá cả trở thành gánh nặng cố hữu của nền kinh tế, vì người tiêu dùng dự đoán giá hàng hoá tăng cao hơn cũng sẽ đòi hỏi mức lương cao hơn. Nếu các công ty trả lương cho nhân viên nhiều hơn, họ sẽ phải tính giá hàng hoá đắt hơn, kéo dài chu kỳ lạm phát tiêu dùng.

Đầu tuần này, rủi ro đó lại xuất hiện trong một cuộc khảo sát từ Fed chi nhánh New York. Kết quả cho thấy kỳ vọng lạm phát trung vị trước một năm đã tăng vào tháng 5 lên 6,6% - đánh dấu mức cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 6/2013. Tuy nhiên, kỳ vọng trước ba năm vẫn ổn định ở mức 3,9%.

Một thay đổi về mặt chiến thuật

Theo Bloomberg, về mặt chiến thuật, mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản sẽ buộc Chủ tịch Jerome Powell phải điều chỉnh lại cách truyền đạt với thị trường, khi mà ông thường thích báo trước với công chúng về định hướng chính sách của Fed.

Chiến lược cũ đã cho phép ngân hàng trung ương Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng để thị trường định giá rủi ro chính sách đi nhanh hay chậm hơn khi dữ liệu kinh tế được công bố.

Mức tăng 75 điểm cơ bản có thể nâng cao uy tín của Fed bằng cách cho thấy các nhà hoạch định chính sách nghiêm túc về lạm phát. Song, điều này cũng có thể khiến thị trường bối rối về những bước tiếp theo của Fed.

Hai nhà kinh tế Krishna Guha và Peter Williams của hãng tư vấn Evercore ISI cho hay: “Một khi Fed bắt đầu tăng lãi suất 75 điểm cơ bản thì họ sẽ rất khó để dừng lại. Định hướng lãi suất như vậy và cách tiếp cận dựa trên kết quả của Fed đối với lạm phát có vẻ là một công thức cho suy thoái”.

Chưa kể, một mức tăng 75 điểm cơ bản cũng có thể làm xói mòn uy tín của Fed, do thị trường có thể cho rằng khả năng dự báo của ngân hàng trung ương về quá trình phục hồi hậu đại dịch đang kém đi thấy rõ.

Yên Khê

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.