|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất nhích lên, nhưng mục tiêu ổn định vẫn giữ

21:00 | 11/03/2017
Chia sẻ
Mặt bằng lãi suất trong hai tháng đầu năm nay đã có sự nhích lên nhẹ so với cuối năm 2016, do những áp lực về thanh khoản vào dịp Tết Nguyên đán cũng như lạm phát và tỷ giá có xu hướng đi lên trở lại.
Tình hình lạm phát và tỷ giá đi lên cũng tác động đến hành vi người gửi tiền và buộc các ngân hàng phải điều chỉnh chính sách lãi suất huy động phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ảnh: UYÊN VIỄN

Lãi suất tiền gửi tăng nhẹ tại một số ngân hàng

Thống kê cho thấy lãi suất bình quân của 35 ngân hàng ở kỳ hạn dưới sáu tháng vào thời điểm hiện nay ở mức 5,2%, đã tăng nhẹ 0,02% so với mức 5,18% vào cuối năm 2016. Tương tự kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 12 tháng là 6,29%, tăng 0,1%; kỳ hạn 12 tháng là 7%, tăng 0,05%; kỳ hạn 13 tháng là 7,25%, cũng tăng 0,05% và kỳ hạn trên 13 tháng là 7,2%, tăng 0,07%. Như vậy ở các kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới chín tháng đã chứng kiến mức tăng cao nhất trong hai tháng đầu năm nay.

Đáng chú ý có một số ngân hàng đã tăng đều ở các kỳ hạn như Techcombank, DongA Bank, VIB, Kiên Long, trong khi một số ngân hàng chỉ tập trung tăng ở kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 12 tháng, như VPBank với mức tăng 0,3%, OCB tăng từ 0,1-0,4% tùy kỳ hạn. Nhóm các ngân hàng nhỏ trước giờ vẫn neo lãi suất tiền gửi ở mức cao so với thị trường cũng đã điều chỉnh tăng tại một số kỳ hạn, trong khi nhóm ngân hàng thương mại nhà nước vẫn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi khá thấp so với thị trường kể từ lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 9-2016.

Trong bối cảnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong hai tháng đầu năm nay thì việc các ngân hàng với thanh khoản không dồi dào đã chủ động tăng lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 (dân cư và doanh nghiệp) để thu hút nguồn vốn huy động là động thái phù hợp, vì việc đi vay ở thị trường 2 (liên ngân hàng) với lãi suất hiện tại đã cao hơn nhiều nhưng chủ yếu chỉ là kỳ hạn ngắn, trong khi một số trường hợp yêu cầu phải có tài sản đảm bảo do trong quá khứ đã phát sinh những rủi ro đối với hoạt động vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng.

Bên cạnh đó, tình hình lạm phát và tỷ giá đi lên cũng tác động đến hành vi người gửi tiền và buộc các ngân hàng phải điều chỉnh chính sách lãi suất huy động phù hợp với nhu cầu của thị trường hơn. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá bình quân hai tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2016 tăng 5,12%. Trong khi đó, tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường cũng biến động mạnh trong hai tháng qua cùng với sự đi lên của tỷ giá trung tâm, cũng như áp lực cầu ngoại tệ tăng trước thực trạng nhập siêu tăng mạnh trong hai tháng đầu năm và nhu cầu đầu tư ngoại tệ tăng cao với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất sớm trong cuộc họp tháng 3 này.

Mục tiêu ổn định lãi suất vẫn đang được giữ

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua nhiều ngân hàng cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để đáp ứng tỷ lệ này bằng cách phát hành trái phiếu dài hạn, nhằm vừa tăng được vốn tự có cấp 2 vừa tăng được nguồn vốn trung dài hạn. Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2016, khoản mục phát hành giấy tờ có giá của các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, ACB, BIDV, SHB, VIB, VPBank chứng kiến sự tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, việc một số ngân hàng tiếp tục tăng được vốn điều lệ như Quân đội, SHB, Vietcombank, VIB, VPbank, An Bình, OCB cũng giúp nguồn vốn trung dài hạn tăng lên đáng kể.

Áp lực lên mặt bằng lãi suất năm 2017 từ tác động của các yếu tố lạm phát và tỷ giá là rõ ràng. Ngoài ra, với quy định tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% về 50% từ đầu năm 2017 và tiếp tục giảm về 40% từ đầu năm 2018 được cho rằng sẽ tiếp tục tác động đến chính sách lãi suất của các ngân hàng.

Trong một diễn biến mới nhất, Kho bạc Nhà nước đã hạ mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ trong năm 2017 xuống còn 183.300 tỉ đồng, thay vì theo kế hoạch là 250.000 tỉ đồng. Đây được xem là động thái để tránh gây áp lực lên nguồn thanh khoản của các ngân hàng cũng như giảm mức độ chèn lấn vốn dành cho khu vực tư nhân. Với nguồn cung trái phiếu chính phủ giảm xuống, dòng vốn rót vào kênh đầu tư này sẽ giảm xuống và do đó các ngân hàng sẽ có vốn nhiều hơn dành cho tăng trưởng tín dụng ở khu vực tư nhân cũng như không cần phải đẩy mạnh huy động quá mức, tạo điều kiện để ổn định lãi suất.

Nếu như trong năm 2016, lượng trái phiếu chính phủ phát hành đã đạt kỷ lục nhờ vào sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ mở rộng, theo đó giúp thanh khoản của các ngân hàng dồi dào để đẩy mạnh đầu tư, thì năm nay có vẻ như chính sách tài khóa đang quay trở lại để hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất.

Hồ Lê

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.