Lãi ròng 6 tháng gần 1.560 tỷ đồng, Masan kỳ vọng vào sự phục hồi hoàn toàn từ Masan Nutri-Science
Kỳ vọng Masan Nutri-Science phục hồi
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Mã: MSN) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần 9.184 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của khủng hoảng giá heo, vốn đã kết thúc vào tháng 4/2018.
Do đó, doanh thu thuần hợp nhất nửa đầu năm 2018 giảm cùng tỷ lệ xuống 17.458 tỷ đồng. Nếu không tính Masan Nutri-Science (MNS), doanh thu thuần 6 tháng đầu năm tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Được biết, doanh thu từ MNS tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá heo giảm sâu kỷ lục (30.000 đồng/kg) trong hầu hết năm 2017 và quý I/2018. Dù vậy, giá heo hơi phục hồi trở lại vào quý II giúp MSN ghi nhận doanh thu tăng 9% lên 3.492 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Masan Consumer Holdings (MCH), MNS và MSR đóng góp lần lượt 7.526 tỷ, 6.693 tỷ và 3.239 tỷ đồng doanh thu thuần.
Nguồn: Báo cáo kết quả kinh doanh của Masan |
Thị trường thức ăn chăn nuôi ước tính đã giảm từ 6,3 triệu tấn trong năm 2016 còn 3,4 triệu tấn trong năm 2017, do đó doanh thu thuần của MNS đã giảm 32,8% trong nửa đầu năm 2018 còn 6.693 tỷ đồng.
Sự sụt giảm này còn vì sự gia tăng sử dụng các sản phẩm thức ăn tự trộn, khoảng 0,7 triệu tấn thức ăn công nghiệp trên thị trường đã bị chuyển sang các loại thức ăn tự trộn. Biozeem “Xanh”, dòng sản phẩm trung cấp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi người chăn nuôi sang sử dụng lại thức ăn chăn nuôi công nghiệp thay vì cho thức ăn tự trộn. Tuy nhiên, do giá heo phục hồi, người nông dân đang dần chuyển sang chế độ chăn nuôi năng suất cao và điều này sẽ giúp tăng doanh thu của Bio-zeem “Đỏ”, dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp của MNS. Sản lượng tiêu thụ Bio-zeem “Đỏ” đã tăng 36% từ tháng 4 đến tháng 6/2018.
MNS đang đi trên đà thực hiện kế hoạch bán ra thịt tươi có thương hiệu vào cuối năm 2018. Với trang trại chăn nuôi heo tại Nghệ An đi vào hoạt động và việc khởi công tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam vào tháng 2/2018. MNS ước tính có thể đạt biên lợi nhuận gộp 35% vào năm 2018.
Lãi đột biến nhờ bán cổ phần Techcombank
Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông trong nửa đầu năm đạt 3.031 tỷ đồng, tăng 566% so với nửa đầu năm 2017, trong đó gần một nửa đến từ các khoản thu nhập một lần do giả định bán một phần tỷ lệ sở hữu trong Techcombank. Nếu loại bỏ khoản lợi nhuận trên, lãi ròng của Masan Group 6 tháng đầu năm đạt 1.559 tỷ đồng.
Do Masan không được phép sở hữu quá 20% vốn Techcombank nên công ty đã bán cổ phần nhằm giảm sở hữu tại ngân hàng này từ 31% về 20%. Theo đó, Masan lãi khoảng 1.000 tỷ đồng |
Tại thời điểm 30/6, Techcombank (“TCB”) đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 90% lên 5.196 tỷ đồng so với mức 2.734 tỷ đồng trong cùng kỳ nhờ tổng thu nhập hoạt động (“TOI”) tăng 20% lên 8.659 tỷ đồng.
Đáng chú ý, EBITDA (thu nhập trước lãi vay và thuế) hợp nhất trong nửa đầu năm 2018 tăng 38% lên 5.147 tỷ đồng nhờ quản lý hiệu quả chi phí quản lý và bán hàng (“SG&A”), tối ưu vận hành và kết quả kinh doanh ấn tượng của Techcombank. Chi phí SG&A hợp nhất giảm 400 điểm cơ bản từ 20.6% trong nửa đầu năm 2017 xuống còn 16,6% trong nửa đầu năm 2018. Ngoài ra, biên lợi nhuận EBITDA của MCH cũng tăng lên 25%.
Với mục tiêu tiếp tục giảm nợ vay, Masan ước tính Nợ/EBITDA 2018 giảm xuống còn 3 lần. (Masan dự báo mức EBITDA thấp là 11.150 tỷ đồng).
Trong kỳ, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ, đạt 1.890 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo kết quả kinh doanh của Masan |
Ngoài ra, công ty cho rằng các nhãn hiệu cốt lõi như Vinacafe’ và Wake-up đang phục hồi. Việc tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng sản lượng. Đồng thời, việc liên doanh với Junju Ham – nhà sản xuất thịt chế biến sẽ giúp chuyển giao công nghệ và đưa các sản phẩm mới vào cuối năm 2018.
Tính đến 30/6/2018, hàng tồn kho của Masan giảm nhẹ so với thời điểm kết thúc quý I, đạt 735 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo kết quả kinh doanh của Masan |