Kinh tế Mỹ kẹt giữa tăng trưởng thấp và lạm phát cao
Trong quý I, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chỉ tăng 1,1%, thấp hơn đáng kể so với dự báo trung vị của Bloomberg là 1,9%.
Sự chậm lại chủ yếu là do hàng tồn kho, còn động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Mỹ trong quý I đến từ gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng động lực trên đã chậm lại trong quý I - một hồi chuông cảnh báo cho nền kinh tế Mỹ vào quý II.
Những số liệu được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi cũng không mấy khả quan. Thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (không tính đến giá thực phẩm và năng lượng - core PCE) - đã tăng tới 4,9% trong quý I/2023, đánh dấu tốc độ nhanh nhất trong một năm.
Trong khi đó, một báo cáo khác nhấn mạnh sự bền bỉ của thị trường lao động, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần bất ngờ giảm xuống. Tất cả những yếu tố trên tạo ra một cái cớ để Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp chính sách ngày 2 - 3/5 tới đây. Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng lên với kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt.
Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, cho biết: “Dữ liệu sáng 27/4 tệ cả đôi đường, khi tăng trưởng giảm và lạm phát đi lên”.
Dữ liệu vào sáng ngày 28/4 (giờ địa phương) sẽ cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về cách người Mỹ tiêu dùng trong quý I. Các nhà kinh tế dự báo chi tiêu cá nhân sẽ giảm 0,1% trong tháng 3, sau khi đã tăng 1,5% vào tháng 1 - khi thời tiết ấm áp thúc đẩy doanh số bán lẻ.
“Mức tiêu thụ yếu vào cuối quý I”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết. Trong khi thời tiết thúc đẩy chi tiêu vào đầu quý, việc chính phủ giảm hỗ trợ thực phẩm cho các hộ gia đình có thu nhập thấp đã khiến doanh số vào cuối quý I sụt giảm.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết thêm: “Dự kiến sẽ có sự chậm lại đáng kể vào quý II/2023 do tác động tích lũy của chính sách tiền tệ chặt chẽ cũng như áp lực từ ngành ngân hàng đẩy tăng trưởng vào vùng tiêu cực”.
Tăng trưởng quý II có thể chậm hơn nữa
Một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy các nhà kinh tế đang dự báo GDP của Mỹ chỉ tăng trưởng với tốc độ 0,2% trong quý II năm nay.
Ngoài số liệu GDP, những dữ liệu đáng chú ý được công bố gần đây bao gồm chi tiêu người tiêu dùng tăng 3,7% đối với cả hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, dịch vụ tăng 2,3%, dẫn đầu là y tế, nhà hàng, khách sạn; chi cho hàng hóa tăng 6,5%. Chi tiêu kinh doanh cho trang thiết bị có mức giảm 7,3%, cao nhất kể từ đại dịch. Trong khi hàng tồn kho cao kéo GDP giảm tới 2,26 điểm phần trăm.
Doanh số bán hàng cuối cùng được điều chỉnh theo lạm phát cho người mua tư nhân trong nước - thước đo về nhu cầu tại Mỹ - đã tăng mạnh nhất kể từ quý II/2021. Con số này chịu tác động bởi số liệu chi tiêu của người tiêu dùng.
Nhà kinh tế học Eliza Winger của Bloomberg nhận định: “Nền kinh tế Mỹ mạnh hơn những gì chúng ta thấy, với việc người tiêu dùng tiếp tục bỏ tiền cho cả hàng hóa và dịch vụ”.
“GDP chỉ tăng trưởng 1,1% trong quý đầu tiên, nhưng doanh số bán hàng doanh số bán hàng cuối cùng cho người mua trong nước đã tăng 3,2%, xua tan nỗi lo suy thoái kinh tế hiện nay”, bà nói thêm.
Hợp đồng tương lai tiền tệ cho thấy các nhà đầu tư đang đặt cược rằng có 90% xác suất Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 bps vào tuần tới. Vào tối ngày 26/4, trước khi số liệu kinh tế được công bố, mức kỳ vọng trên chỉ là 79%.
Một dữ liệu khác, được công bố hôm 27/4, cũng cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm lần đầu tiên sau ba tuần. Số lượng yêu cầu tiếp tục hỗ trợ, chỉ báo có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về việc người Mỹ thất nghiệp đang tìm việc mới nhanh như thế nào, đã không biến động mạnh.
Ông Cliff Hodge, Giám đốc đầu tư tại Cornerstone Wealth, nhận định: “Lạm phát dai dẳng cộng thêm sức mạnh của thị trường lao động sẽ khiến Fed giữ đà tăng [lãi suất] trong tháng 5 và có khả năng sang cả tháng 6”.