Kiến nghị tạm dừng xây mới dự án BĐS nghỉ dưỡng: 'Không nên can thiệp thô bạo, để thị trường tự điều tiết'
Tiềm năng nào cho khách sạn du lịch của Việt Nam | |
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt còn nhiều tiềm năng |
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội nhận định, từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng có công trình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort). Theo số liệu của 71 dự án bất động sản (BĐS) do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến nay thì đã có khoảng 25.639 căn hộ condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.
Bộ Xây dựng cho rằng, thời gian qua có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình BĐS này lớn và đa dạng. Trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua”, báo cáo của Bộ Xây dựng cảnh báo.
Trước kiến nghị "siết" việc cấp phép dự án BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới, các chuyên gia có những ý kiến trái chiều... (Ảnh minh họa) |
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà kiến nghị, trong thời gian tới sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu, tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường BĐS, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.
Tương tự, trong Báo cáo Tình hình thị trường BĐS quý III, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng khuyến nghị đã đến thời điểm nên tạm dừng phát triển mới các dự án BĐS nghỉ dưỡng, còn các dự án đã và đang triển khai, cần tập trung để hoàn thành.
Kiến nghị này xuất phát từ thực tế, BĐS nghỉ dưỡng quý III sụt giảm cả nguồn cung và lượng giao dịch. Hầu hết các vùng phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đều không có nguồn cung mới chào hàng, lượng giao dịch condotel trên cả nước quý này chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm, trong khi con số của các quý trước gấp 2 - 3 lần.
Theo Hội Môi giới, nguyên nhân của sự chững lại này là do nhà nước đã thắt chặt nguồn tín dụng nên dòng vốn đầu tư – đặc biệt là dòng vốn về BĐS nghỉ dưỡng bị siết chặt. Trong khi đó, các chính sách của nhà nước về pháp lý cho dòng sản phẩm condotel vẫn chưa được tháo gỡ, gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư; năng lực phát triển dự án BĐS nghỉ dưỡng còn hạn chế, đặc biệt là năng lực khai thác kinh doanh sản phẩm… Những yếu tố này dẫn đễn sự ngờ vực về việc đảm bảo hiệu quả đầu tư vào loại hình condotel, hiện nay các nhà đầu tư nhỏ lẻ rất thận trọng trong chọn lựa dự án BĐS nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, giá bán của sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng hiện đã được các chủ dự án đẩy lên ở mức cao, bình quân từ 35 – 50 triệu đồng/m2, thậm chí có những dự án có giá trên 70 triệu đồng/m2, mức giá cao này khiến nhà đầu tư khó tạo thanh khoản khi có nhu cầu chuyển nhượng…
Trao đổi với PV về kiến nghị tạm dừng cấp phép mới dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House – mã: TDH) cho rằng, đây là điều phi lý. Theo ông Hiếu, nền kinh tế thị trường sẽ tự điều tiết các xu hướng bên trong nó.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức. |
Ông nói: “Nếu đầu tư có lãi thì người ta sẽ đầu tư nhiều hơn, còn nếu có cả loạt đơn vị bị “gãy đổ” thì người ta sẽ rút ra. Theo tôi không cần phải hạn chế hay cấm phát triển dự án BĐS nghỉ dưỡng, ‘cấm’ là can thiệp thô bạo vào thị trường và trái với quy luật thị trường. Nhà nước chỉ nên định hướng, nên khuyên các nhà đầu tư là "dòng sản phẩm này nhiều quá rồi, không nên làm", nếu khuyên rồi mà họ vẫn cứ làm thì khi xảy ra hậu quả họ phải tự gánh chịu”.
Theo ông Hiếu, quy luật luôn là “nước chảy chỗ trũng”, tức là chỗ nào có lợi nhuận thì các nhà đầu tư sẽ nhào vào, và nếu lỗ là họ sẽ tự rút vốn đầu tư ra. Nhiều người lo ngại nếu cho phép xây dựng tràn lan các dự án BĐS nghỉ dưỡng thì khả năng cao sẽ ế hàng, sản phẩm để không gây lãng phí… nhưng ông lại nêu quan điểm: “Phải thấy tấm gương đó thì người ta mới không dám đầu tư vào nữa”.
Đặc biệt, Chủ tịch TDH nhìn nhận: “Đối với loại sản phẩn condotel của BĐS nghỉ dưỡng, thời gian qua nhiều nhà đầu tư cũng “vẽ bài” ra: quản lý thay khách hàng và chia lãi… Đây thực ra là dạng lấy tiền của khách để nuôi dự án từ đầu đến cuối, khách ham lãi cao (theo quảng cáo là từ 10 – 12%/năm) thì nhảy vào. Đến một lúc nào đó thị trường này sẽ bị vỡ trận, pháp lý chưa rõ ràng nên chắc chắn sẽ để lại hậu quả…”.
Trái ngược với quan điểm của ông Hiếu, bà Trang Bùi, Giám đốc Bộ phận thị trường của JLL Việt Nam cho biết, thực tế, tình trạng thừa cung phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ lâu. Bà đánh giá kiến nghị tạm dừng cấp phép dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng là kiến nghị đúng, và nếu được thực hiện thì trong ngắn hạn, đó là động thái cần thiết để bình ổn thị trường. “Cần có thời gian cho cơ quan chức năng nhìn lại và đưa ra quyết sách phù hợp với thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Cái gì mới cũng cần có thời gian để làm quen, với loại hình BĐS mới như condotel (mới xuất hiện khoảng vài năm trở lại đây), nhà nước cũng cần thời gian để xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp lý quản lý… Điều này cũng hạn chế rủi ro cho người mua, hướng đến thị trường minh bạch”, bà Trang Bùi nhận xét. Giám đốc Bộ phận thị trường của JLL cũng dự đoán, nếu đề xuất này được thông qua thì thời gian tới sẽ chỉ là “khoảng lặng” ngắn mà thôi, không ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong tương lai. |