|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tiềm năng nào cho khách sạn du lịch của Việt Nam

20:30 | 29/06/2017
Chia sẻ
Chủ khách sạn bị thu hút bởi sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng và hơn hết là sự phát triển nhanh chóng về du lịch của Việt Nam.

Thông tin trên vừa được ông Frank Sorgiovanni – Giám đốc nghiên cứu thị trường Tập tư vấn khách sạn của Jones Lang LaSalle (JLL) khu vực Châu Á Thái Bình Dương chia sẻ tại buổi họp báo chiều 29/6.

Theo chuyên gia của JLL, khách sạn nghỉ dưỡng Việt Nam được thu hút bởi sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng và du lịch.

tiem nang nao cho khach san du lich cua viet nam
Du lịch Nha Trang.

Đặc biệt, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2017 tăng trưởng đến 28%, rất cao so với các nước trong khu vực. Điều này là nhờ vào tình hình chính trị ổn định. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia và nhà máy chế xuất lớn vào Việt Nam, chuyển lượng lớn chuyên gia của họ tạm trú ngán hạn và dài hạn.

Hiệu suất kinh doanh của khách sạn, đặc biệt là Hà Nội được cải thiện sau sự đầu tư công nghiệp khổng lồ xung quanh thành phố. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở TP HCM.

Nghiên cứu của JLL cho thấy, công suất hoạt động phòng khách sạn nghỉ dưỡng tại Hà Nội đạt 18,7%; TP HCM đạt 8,8%. Hai thành phố này chỉ đứng sau Bali 19,3% trong khu vực (do Bali có được lượng khách đến từ Nga và Úc tăng mạnh). JLL đánh giá Hà Nội và TP HCM đang hoạt động rất tốt so với các thành phố khác trong khu vực.

JLL cũng chỉ ra rằng Bali tuy có công suất phòng cao nhưng đang có phần dư cung, trong khi đó hai thành phố lớn nhất Việt Nam có cung cầu đang cân bằng với nhau. Khách đến với Hà Nội chủ yếu là khách theo đoàn, nhóm công ty; khách đến TP HCM phần nhiều là khách đi du lịch nghỉ dưỡng.

Một đại diện khác của JLL - ông Adam Bury đánh giá triển vọng về thị trường khách sạn Việt Nam thời gian tới. Ông dẫn chứng số liệu từ Tổng Cục du lịch Việt Nam cho biết đến năm 2020, lượt khách du lịch đến Việt Nam sẽ đạt 20 triệu, gấp đôi so với năm 2016. Doanh thu cho du lịch vào 2020 ước khoảng 25 tỷ USD.

Thị trường tiếp tục đón nhận khách truyền thống từ Bắc Á như Nga và lượng khách mới từ châu Âu. Theo ông Adam, Việt Nam đang đón nhận khá nhiều nguồn tiền đầu tư. Chi tiêu của Việt Nam cũng được tăng lên, đặc biệt là dành cho cải thiện cơ sở hạ tầng trên GDP cao nhất khu vực châu Á.

Không chỉ nhờ hạ tầng được cải thiện mà các điểm đến du lịch của Việt Nam cũng ngày càng đa dạng hơn như Nha Trang, Phú Quốc nhờ vào việc đưa vào hoạt động các sân bay. Mặt khác, các tỉnh ven biển khu vực phía Nam cũng sẽ có những điểm du lịch mới trong thời gian tới.

Chuyên gia JLL chỉ ra một yếu tố khác hỗ trợ cho ngành là cơ cấu dân số vàng Việt Nam, giúp mở rộng các công ty sản xuất, tạo nền tảng thúc đẩy dịch vụ du lịch khách sạn. Khách đoàn sẽ là nhóm khách chính của thị trường du lịch Việt Nam đặc biệt là thị trường Hà Nội. JLL tin rằng đây sẽ là nhóm khách chính cho thị trường du lịch khách sạn Việt Nam.

Trước đây khách chỉ đến Việt Nam một lần với thời gian hai tuần đi từ Bắc vào Nam, lý do họ không quay trở lại do Việt Nam ít điểm đến nên đi hết rồi không quay lại nhiều. Nay JLL nhận thấy xu hướng đó đang thay đổi.

Nhóm khách mới từ châu Âu có thời gian nghỉ dưỡng lâu hơn 10 đến 14 ngày so với khách từ Nga, Trung Quốc chỉ 3 đến 4 ngày.

Yếu tố khác giúp chuyển dịch thói quen du lịch là Việt Nam đã quảng bá ẩm thực ra thế giới nhiều hơn, luật cho phép mở casino, thu hút khách đến nhiều hơn.

Hiện nhà đầu tư Singapore, Hông Kông, Trung Quốc đang quan tâm đến tiềm năng khu vực khách sạn du lịch của Việt Nam. Hà Nội và TP HCM tiếp tục là hai thành phố nhận được nhiều quan tâm nhất, kế đến là Đà Nẵng, Nha Trang.

Loại hình khách sạn sẽ phụ thuộc vào đối tượng nhà đầu tư muốn đầu tư vào cái gì. Thông thường, nhà đầu tư sẽ thành lập liên doanh sau đó mới phát triển khách sạn tại Việt Nam, hoặc họ sẽ đi mua những dự án khách sạn đã có sẵn trên thị trường và phát triển cho tốt hơn.

Đầu tư condotel, nhà đầu tư nội - ngoại khác nhau ở chiến lược

Trao đổi về giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, JLL cho rằng nhà đầu tư Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tiên là về ngôn ngữ giúp hiểu rõ về nhu cầu, quy trình, luật pháp để đầu tư. Đồng thời dễ dàng tiếp cận quỹ đất, nguồn tài sản để mua hơn nhà đầu tư ngoại.

Liên quan đến mô hình condotel, JLL cho rằng nhà đầu tư ngoại thường không đầu tư vào mô hình này. Theo JLL, condotel là loại hình bất động sản của nhà đầu tư trong nước nghĩ ra có thể thu được dòng tiền trước rồi sau đó mới hoạt động.

Đối với nhà đầu tư ngoại sẽ lấy nguồn tiền từ công ty mẹ hoặc đi vay chứ không dùng mô hình condotel để huy động vốn như nhà đầu tư trong nước. Đây chỉ là sự khác biệt về chiến lược đầu tư trong và ngoài nước, JLL nhận định.

Theo chuyên gia JLL, mô hình condotel của Việt Nam nhằm huy động dòng vốn nhiều hơn là đầu tư để sinh lời. Khi đầu tư vào dự án khách sạn, JLL quan tâm đến số phòng condotel và phòng khách sạn. Một dự án chỉ có phòng condotel thì phải mất 3 đến 4 năm để lấp đầy công suất và dòng tiền tạo ra rất thấp. Điều này sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư nếu họ chỉ mang tiền phát triển dự án, bởi số tiền thu lại không đủ để trả cho những người mua.

Theo đó, dự án condotel kết hợp với phòng khách sạn sẽ tốt hơn, JLL kết luận.

Tiến Vũ