|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ Xây dựng: Chưa đủ cơ sở pháp lí để thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM

07:53 | 29/04/2020
Chia sẻ
Phúc đáp UBND TP HCM về đề xuất thành lập thành phố phía Đông trực thuộc thành phố, Bộ Xây dựng cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lí.

Từ ý tưởng hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án thành phố phía Đông (trực thuộc TP Hồ Chí Minh) trên cơ sở sáp nhập 3 quận gồm: Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Bộ Xây dựng: Chưa đủ cơ sở pháp lí để thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng nhận định, chưa đủ cơ sở pháp lý để thành lập thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, việc sáp nhập cùng lúc 3 quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập thành phố thuộc thành phố là chưa có tiền lệ. Nếu thực hiện được thành phố phía Đông, TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Liên quan đến vấn đề này, TP Hồ Chí Minh đã xin ý kiến và nhận được phúc đáp của Bộ Nội vụ, theo đó Bộ Nội vụ đề nghị TP xin ý kiến Bộ Xây dựng về các nội dung liên quan đến hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Nội vụ, cuối tháng 3 vừa qua, UBND TP có Công văn số 1157/UBND-TH kiến nghị Bộ Xây Dựng xem xét, cho ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị đối với trường hợp TP Hồ Chí Minh sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố.

Kết quả, sau quá trình nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có Công văn phúc đáp UBND TP Hồ Chí Minh như sau:

Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, về cơ sở pháp lý, căn cứ Khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013 và Khoản 2, Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc đề xuất thành lập thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp quy định của pháp luật.

Các tiêu chuẩn thành lập thành phố đã được quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Theo Công văn số 1157/UBND-TH, đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức của UBND TP Hồ Chí Minh đã áp dụng quy định khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện quy định để giảm số lượng đơn vị hành chính phù hợp với quy định của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, việc đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập thành phố phía Đông thành phố và áp dụng "không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp" là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh cũng không quy định các vấn đề có liên quan đến việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố.

Hơn nữa, TP Hồ Chí Minh chưa hoàn thành xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TP giai đoạn 2019 - 2021.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan phối hợp xây dựng hoàn thiện việc lập Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã tại thành phố theo quy định của Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã (trong đó có phương án sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện là quận hoặc đơn vị hành chính tương đương).

Bộ Xây dựng cũng nhận định, theo 2 Công văn nói trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã có định hướng quy hoạch phát triển đô thị sáng tạo phía Đông thành phố nhưng chưa nêu rõ khu vực dự kiến hình thành đô thị đã có Quy hoạch chung đô thị, Chương trình phát triển đô thị được nghiên cứu, trình phê duyệt hay chưa.

Quy hoạch chung TP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 chưa có nội dung định hướng phát triển đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.

Do đó, căn cứ Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát quy hoạch và chủ trương về việc thành lập thành phố sáng tạo phía Đông thành phố, là cơ sở để lập Quy hoạch chung thành phố phía Đông, Chương trình phát triển đô thị thành phố phía Đông trực thuộc thành phố.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị, việc đánh giá phân loại đô thị phải tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Đối với hồ sơ phân loại đô thị, thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 của Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13.

UBND TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đô thị xây dựng Đề án công nhận loại đô thị tương ứng với hiện trạng theo quy định.

Dự kiến, sau khi được thành lập, thành phố phía Đông của TP Hồ Chí Minh sẽ có quy mô hơn 1,1 triệu dân, được bố trí trên tổng diện tích tự nhiên hơn 211km2. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của TP phía đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%.


Trước đó, theo ý tưởng đạt giải nhất cuộc thi tìm kiếm ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía đông TP, khu này sẽ có sáu chức năng.


Đó là việc xây dựng Thủ Thiêm trở thành trung tâm công nghệ - tài chính quốc tế; hình thành trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; phát triển trung tâm công nghệ cao Sài Gòn; hình thành trung tâm công nghệ giáo dục Đại học Quốc gia TP; hình thành trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa; xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ (biến khu cảng hiện hữu thành một khu đô thị mới).


Để triển khai ý tưởng này, Công ty Sasaki (đơn vị đạt giải nhất) đề xuất thành lập cơ quan quản lý phát triển đô thị sáng tạo dưới mô hình công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án. Ngoài ra, ba quận trong khu vực (quận 2, 9 và Thủ Đức) cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển.

Tiểu Thủy