Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt còn nhiều tiềm năng
Theo ông Nguyễn Trần Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt còn nhiều tiềm năng. (Ảnh: Linh Lê) |
Trong buổi Họp báo Triển lãm quốc tế Vietbuild chiều nay (ngày 12/5), ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đưa ra một vài nhận định về tiềm năng của phân khúc bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng và cho rằng dòng sản phẩm BĐS này có mối liên hệ mật thiết với ngành du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Trần Nam dẫn chứng số liệu cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam liên tiếp có 1,1 triệu khách du lịch/tháng. Vì vậy, việc cả năm nay nước ta đạt con số 13 - 14 triệu khách du lịch là trong tầm tay, nếu vậy số khách này sẽ tăng 30 - 40% so với năm ngoái. Ngoài ra còn có khoảng 150 triệu khách du lịch nội địa nữa, đây chính là cơ hội và động lực để phát triển sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng.
Mặc dù ngân hàng “siết” nguồn tín dụng đổ vào BĐS nhưng dòng tiền này vẫn ổn định. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá bán BĐS giảm hơn 2% nhưng lượng giao dịch vẫn tăng ở cả Hà Nội và TP HCM... Thậm chí, hoạt động mua BĐS rồi bán lại cũng tốt...
“Hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng (khách sạn, resort...) được đưa vào vận hành ở các vùng phát triển du lịch như Hạ Long, Sầm Sơn, Nha Trang, Phú Quốc... tạo thành quần thể đẳng cấp. Những dự án tương tự gần đây cũng xuất hiện ở cả các vùng vốn chưa từng có tên trên bản đồ du lịch như Quy Nhơn - Bình Định (với dự án của FLC)”, ông Nam nhận định.
Bên cạnh đó, loại hình BĐS condotel cũng được thị trường quan tâm, nhiều hội nghị tổ chức để nêu kiến nghị về việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, hướng đến chính thức công nhận địa vị pháp lý của dòng sản phẩm này.
Cả khách du lịch quốc tế lẫn khách trong nước, không phải ai cũng thuê được khách sạn vào các dịp nghỉ lễ. (Ảnh minh họa) |
Đặc biệt Chủ tịch VNREA nói: “Xuất hiện một số ý kiến của nhà quản lý cho rằng dạo này nhiều khách sạn quá bởi liên tiếp có thông tin động thổ các dự án, nên cần hạn chế. Tôi nghĩ đó là ý kiến cảm tính và không dựa trên số liệu, quy hoạch... Thực tế, dù có 10 triệu khách du lịch vào năm 2016 (chưa kể khách nội địa) nhưng nhiều người trong số họ không thuê được phòng khách sạn hoặc nhà nghỉ, nhất là vào các dịp nghỉ lễ”.
Hệ số sử dụng phòng khách sạn 5 sao của TP HCM luôn là 100%. Đơn cử như hệ thống khách sạn Sheraton, chỉ ở Hà Nội mới sử dụng hình thức thẻ ưu đãi, còn TP HCM thì không bao giờ bởi luôn kín phòng, ông nêu ví dụ.
“Nếu mỗi năm du lịch tăng 30 - 40% thì đến năm 2020, Việt Nam có thể đạt khoảng 20 triệu khách nước ngoài. Nước ta mới miễn visa du lịch cho hơn 40 nước mà số khách đã tăng như vậy... Có thể thấy, hạ tầng của nước ta (khách sạn, đường xá, trung tâm mua sắm...) chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch, nhất là khi đây đang được coi là một hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của đất nước”, lãnh đạo VNREA kết luận.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trần Nam, đại diện cho ban tổ chức cung cấp thông tin: Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2017 lần 2 này có gần 1.000 gian hàng của 300 doanh nghiệp. Trong đó, 173 đơn vị ở trong nước, 62 liên doanh và 54 doanh nghiệp và các tập đoàn nước ngoài đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hà Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc...
Triển lãm do Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) chủ trì việc tổ chức và sẽ diễn ra tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch & Xây dựng quốc gia từ ngày 17/5 - 21/5.
BTC cũng cho biết trước: “Kỳ Triển lãm Vietbuild kế tiếp ở TP HCM sẽ có 2.400 gian hàng. Từ năm 2018 trở đi, chúng tôi sẽ tổ chức 4 kỳ triển lãm tại Sài Gòn, nâng tổng số kỳ triển lãm Vietbuild lên thành 9 kỳ/năm”.
Triển lãm Quốc tế Vietbuild Hà Nội 2017 có gần 1.700 gian hàng
1/3 số doanh nghiệp tham dự triển lãm Vietbuild Hà Nội 2017 là đơn vị nước ngoài. |