|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

BĐS nghỉ dưỡng tăng giá mạnh dù đang gặp khó về nguồn vốn

16:05 | 22/07/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia, nguồn vốn cho bất động sản nghỉ dưỡng đang gặp khó khăn trong bối cảnh chịu tác động của các chính sách được triển khai kể từ tháng 7 này. Trong khi đó, nhìn lại 6 tháng vừa qua, giá bán vẫn ghi nhận tăng mạnh.

 

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đều ghi nhận tăng giá. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Bất động sản nghỉ dưỡng vừa trải qua giai đoạn “ngủ đông” khá dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong khi đây vốn là một phân khúc thị trường được đánh giá còn nhiều tiềm năng.

Chia sẻ tại Hội thảo "Cơ hội mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng" do báo Tiền Phong tổ chức sáng 22/7, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đi vào hoạt động, tăng cao so với năm 2021. Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); Nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng là 23 dự án với 5.145 căn và loại hình condotel là 8 dự án với 1.591 căn.

Đáng chú ý, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng mặt bằng giá sơ sấp vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước với mức 9 - 40%. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhà phố/shophouse với 30 - 40% (mức giá sơ cấp chào bán dao động trong khoảng gần 7 tỷ đến hơn 64 tỷ đồng/căn); biệt thự nghỉ dưỡng tăng 11 - 28%; condotel tăng 9 - 15%.

Theo đánh giá của ông Thắng, bất động sản nghỉ dưỡng đang có một số cơ hội để vực dậy nhờ sự phục hồi kinh tế trong đó GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%; FTA là cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng xuất nhập khẩu,…

Đặc biệt, định hướng phát triển du lịch của Chính phủ hướng đến mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 và ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2030.

Về hạ tầng giao thông, Việt Nam đang được coi là đại công trường với nhiều dự án sắp hình thành. Ở TP HCM và vùng phụ cận có nhiều dự án sắp hình thành như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM – Mộc Bài, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành. Ở Hà Nội và phụ cận có Metro số 3 (Hà Nội – Hoàng Mai), Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4.

Tuy nhiên, đại diện DKRA cũng nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang đối mặt với không ít thách thức. Đơn cử, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn; tín dụng vào bất động sản bị kiểm soát, trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản bị rà soát; nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ. Ngoài ra, Luật chưa có quy định về pháp lý một số loại hình như condotel, đà phục hồi của khách du lịch quốc tế chưa được như kỳ vọng,…

Vị chuyên gia này dự báo, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối năm dự báo tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm, tập trung vào một số thị trường như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu và Phú Quốc. Giá bán sơ cấp dự báo tiếp tục tăng do chi phí đầu vào tăng.

“Bất động sản nghỉ dưỡng đã qua cái thời nhà đầu tư chỉ xây lên để bán được, bây giờ phải phát triển nghiêm túc, làm hài hòa lợi ích các bên”, ông Thắng nói.

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế như nguồn vốn FDI tăng, xuất khẩu dương,… đã trực tiếp tác động đến bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, một vấn đề lớn tác động mạnh và đóng vai trò quan trọng đối với bất động sản nghỉ dưỡng là nguồn vốn thì năm nay đang gặp khó khăn trong bối cảnh chịu tác động của các chính sách được triển khai kể từ tháng 7 này. Cùng với đó, hoạt động du lịch quốc tế chưa hoạt động trở lại bình thường cũng là một rào cản lớn cho thị tường.

Nhận định về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, đây là thị trường dịch vụ đáng được khuyến khích, dù thị trường này cũng còn gặp nhiều khó khăn chung của ngành bất động sản. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các resort để đầu tư thì nơi đó phải tương ứng với thị trường và khả năng sinh lời.

 “Bất động sản nghỉ dưỡng song hành với nhu cầu phát triển du lịch, còn không làm được điều đó mà chỉ để nhà đầu tư trục lợi thì sẽ làm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bất ổn", ông Hiển nhấn mạnh.

Công Tâm

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).