|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đến lượt KIDO gia nhập cuộc chơi bán lẻ

11:14 | 28/05/2021
Chia sẻ
Tổng vốn đầu tư ban đầu cho dự án bán lẻ của KIDO là 100 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp nắm 61% vốn.
KIDO chính thức bước vào cuộc chơi bán lẻ theo chuỗi - Ảnh 1.

Các nhãn hàng bán lẻ của KIDO trong một siêu thị. (Ảnh: KDC).

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, ngày 27/5, CTCP Tập đoàn KIDO (mã: KDC) đã ký thoả thuận với đối tác kinh doanh và chính thức công bố triển khai dự án bán lẻ theo chuỗi cửa hàng.

Tổng số vốn đầu tư ban đầu của dự án dự kiến 100 tỷ đồng. Trong đó, KIDO sẽ tham gia với 61% vốn để nắm quyền chi phối hệ thống cửa hàng bán lẻ này. Nhiều khả năng, các cửa hàng của KIDO sẽ kinh doanh các sản phẩm do KIDO nghiên cứu từ trước đến nay như đồ uống, thực phẩm, kem,...

Doanh nghiệp cho biết vì dịch bệnh nên chưa công bố thông tin chi tiết.

Thông tin trên không mấy bất ngờ, bởi đây có thể xem là bước đi tiếp theo cụ thể hoá kế hoạch KIDO đã từng tiết lộ trong Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 6 năm ngoái.

Tại đại hội, cùng với kế hoạch quay trở mảng bánh kẹo sau 5 năm đứng ngoài cuộc chơi như thoả thuận đã ký với Mondelez, công ty cho biết sẽ tham gia vào ngành hàng tiềm năng là đồ uống qua cái bắt tay với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM).

Trước đó không lâu, một liên doanh giữa KIDO và Vinamilk đã được thành lập, trong đó tỷ lệ góp vốn lần lượt là 49% và 51%, tổng mức đầu tư không được tiết lộ.

Hai bên sẽ liên doanh sản xuất kinh doanh nước giải khát (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khỏe, trà, trà sữa... không bao gồm các loại nước có gas), sản xuất kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.

Đại diện KIDO khi ấy cho biết, liên doanh được thành lập có thể khai thác trên một triệu điểm bán, năng lực R&D, năng lực sản xuất, nguồn lực tài chính, thị trường xuất khẩu, logistics,…

Ngành bán lẻ gần đây đã trở thành một kênh đầu tư mới hấp dẫn các doanh nghiệp nội tham gia. Đơn cử, mới đây theo tờ Korean Times, Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) đã mua lại toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của Tập đoàn Emart (Hàn Quốc).

Gần đây nhất là thương vụ Masan Group bắt tay với chuỗi đồ uống Phúc Long để cùng phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. 

Nova Group - một doanh nghiệp bất động sản, cũng đã âm thầm hiện nhiều thương vụ M&A và đầu tư hơn 200 triệu USD để đưa các dịch vụ bán lẻ tiêu dùng về hệ sinh thái,...

Thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô gần 350 tỷ USD vào năm 2025, gấp 1,6 lần hiện tại trong đó kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 50%. Do đó, có thể nói đây chính là miếng bánh béo bở mà cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp ngoại không dễ bỏ qua.

Chí Dũng