'Không cố gắng, Việt Nam chưa giàu đã già'
Ngày 21/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm khoa học “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao”.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và cũng là thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục đào tạo.
Nông nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo trong năm 2020
Chia sẻ về những chặng đường phát triển của đất nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Việt Nam từng được biết tới là một đất nước đói nghèo. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã trở thành một đất nước có sức sản xuất nông nghiệp đáp ứng đủ lương thực cho 100 triệu dân.
“Bên cạnh đó, trong năm 2018, Việt Nam còn trở thành quốc gia xuất khẩu khối lượng nông sản lên tới hơn 40,2 tỉ USD đi 185 thị trường trên thế giới. Đây là thành tựu chung của công cuộc đổi mới và không điều gì khác, chính yếu tố con người đã quyết định điều đó”, ông Cường nói.
Tuy nhiên theo ông Cường, hiện thời gian dân số vàng của Việt Nam còn rất ngắn. Nếu không cố gắng và tập trung phát triển chất lượng nguồn nhân lực, nước ta sẽ rơi vào cảnh “chưa giàu đã già”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: L.Sơn)
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, lao động nông nghiệp Việt Nam đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
Trong khi đó, thực tế một số ngành nông nghiệp chưa thực sự thu hút được người học, việc tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, hiện có khoảng 54 các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành học liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Hàng năm, các cơ sở này cho tốt nghiệp hàng vạn cử nhân phục vụ hoạt động khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn.
“Mặc dù ngành nông nghiệp rất phát triển nhưng những năm gần đây, tuyển sinh vào các ngành nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn”, Bộ trưởng Nhạ nhận định.
Theo ông, phần lớn các cơ sở đào tạo cung ứng nguồn lao động cho nông nghiệp còn bị động, tính dự báo còn hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: L.Sơn)
Các trường hiện chỉ chú trọng đào tạo ra những gì được coi là thế mạnh dẫn đến những ngành đào tạo truyền thống rất nhiều, còn những ngành về công nghệ mới phục vụ cho nông nghiệp lại khiêm tốn.
Ngoài ra, chương trình đào tạo còn chưa sát với thực tiễn dẫn đến sản phẩm đào tạo chưa thực sự thích nghi ngay, doanh nghiệp phải mất nhiều công đào tạo lại. Phương thức tổ chức đào tạo vẫn chủ yếu bó hẹp trong nhà trường, chưa tạo ra được hệ sinh thái đào tạo khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp ra còn ngơ ngác.
"Đây cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà, bởi khi ra trường sinh viên còn thiếu rất nhiều thứ, thậm chí thiếu cả những kỹ năng cần thiết", Bộ trưởng nói.
Doanh nghiệp cần người tạo ra giá trị trên 100.000 USD/năm
Ông Nguyễn Đức Minh - Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Dinh Dưỡng Nutricare cho biết, trong quá trình tuyển dụng, doanh nghiệp luôn mong muốn tìm được những ứng viên có năng lực đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp đang tìm kiếm.
Ngoài ra, theo ông, một sinh viên nông nghiệp sau khi ra trường có thể làm về mảng kinh doanh, quản lý, kỹ thuật hoặc làm việc trong các phòng Lab. Do vậy một điều khác doanh nghiệp luôn chú trọng là tìm ra những nhân tố thực sự đam mê với công việc mình làm và làm chủ được những kỹ năng mà mình thích thú.
"Muốn vậy sinh viên rất cần phải có sự định hướng. Để có được điều này, sinh viên phải được tiếp cận với môi trường doanh nghiệp sớm nhất có thể".
Là người từng nhận nhiều sinh viên ở các trường khác nhau tại khu vực trong và ngoài nước đến thực hành nghề, ông Minh cho biết, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã cho sinh viên đến Việt Nam thực hành từ khi vừa học hết năm thứ nhất đại học.
"Tôi từng nhận một nhóm sinh viên của một trường học viện về công nghệ tại Cộng hòa Pháp gửi sang. Sinh viên rất chủ động trao đổi rằng muốn được tham quan, tiếp cận tất cả quá trình công nghệ và mong muốn lãnh đạo công ty nói chuyện, tư vấn về định hướng nghề nghiệp".
Điều này theo ông là vô cùng cần thiết, bởi doanh nghiệp luôn cần những người hiểu và thực sự yêu ngành nghề mình đang theo đuổi và họ có thể tạo ra giá trị trung bình trên 100.000 USD/ năm.
"Đó là một điều khó nhưng nó sẽ đặt ra thách thức cho sinh viên phải khám phá bản thân và định hướng đâu là nơi cần đến", ông Minh nói.
Để giải quyết bài toán kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tới đây, khi thực hiện quyền tự chủ đại học, các cơ sở có cơ hội rất lớn, được chủ động cao để quyết định hoạt động của mình.
"Như vậy, vấn đề cung đang đặt ra một nhiệm vụ rất lớn cho các trường đại học. Các trường phải quan niệm rộng hơn, không phải chỉ các trường đại học Nông – Lâm - Ngư nghiệp thì mới đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hỗ trợ, thúc đẩy tất cả các cơ sở GD-ĐT có những điều kiện thuận lợi phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp với hướng mới, quan điểm mới là không phải truyền thống cây gì, con gì mà ứng dụng mạng khoa học công nghệ vào để tăng năng suất lao động, tạo được thực sự cạnh tranh cao", Bộ trưởng Nhạ nói.