|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng cổ phiếu FLC 10 phiên liên tiếp, xả loạt bluechip

06:51 | 07/06/2021
Chia sẻ
FLC là một trong 10 mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong hai tuần gần đây, trái ngược với xu hướng bán ròng trong gần ba tuần trước đó.
Khối ngoại mua ròng cổ phiếu FLC 10 phiên liên tiếp, xả loạt bluechip - Ảnh 1.

Tài liệu Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Tập đoàn FLC. (Ảnh: Đức Quyền).

Trong 10 phiên giao dịch của hai tuần từ 24/5 đến 4/6, khối ngoại mua vào 14.045 tỷ đồng nhưng bán ra tới 20.484 tỷ, tương đương với giá trị bán ròng 6.438 tỷ trên toàn thị trường.

Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất cũng chính là các bluechip đình đám ở HOSE như HPG của Tập đoàn Hòa Phát (hơn 4.400 tỷ), MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội (hơn 1.100 tỷ) hay VIC của Tập đoàn Vingroup (gần 900 tỷ).

Ngoài MBB còn có ba mã cổ phiếu ngân hàng khác trong top 10 bán ròng của khối ngoại là VPB của VPBank, CTG của VietinBank và LPB của LienVietPostBank.

Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào PLX của Petrolimex, SSI của Chứng khoán SSI, VRE của Vincom Retail, THD của Thaiholdings, …

Cổ phiếu Tập đoàn FLC đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách mua ròng của khối ngoại với giá trị hơn 100 tỷ đồng. Trong cả 10 phiên gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đều gom thêm FLC.

Khối ngoại mua ròng cổ phiếu FLC 10 phiên liên tiếp, xả loạt bluechip - Ảnh 2.

Thống kê giao dịch cổ phiếu FLC và một số cổ phiếu khác trong 10 phiên từ 24/5 đến 4/6/2021.

Trước đó, trong 13 phiên liên tiếp từ 4/5 đến 20/5, khối ngoại đều bán ròng FLC. Tất cả giao dịch cổ phiếu FLC của khối ngoại đều là khớp lệnh trên sàn, không có giao dịch thỏa thuận.

Ngày 11/5, tổ chức cung cấp chỉ số MSCI công bố việc thêm FLC và 7 mã cổ phiếu Việt Nam khác vào MSCI Frontier Market Small Cap Index (Chỉ số vốn hóa nhỏ thị trường cận biên của MSCI). Thay đổi này có hiệu lực từ ngày 27/5. Vì vậy, nhiều khả năng một số quỹ đầu tư ngoại đã mua cổ phiếu FLC để mô phỏng theo chỉ số của MSCI.

Đợt chào bán gần 500 triệu cổ phiếu FLC

Việc khối ngoại đảo chiều từ bán ròng sang mua ròng FLC còn diễn ra trong bối cảnh tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đang có kế hoạch chào bán gần 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:7, tức là cổ đông nắm giữ 10 đơn vị FLC tại ngày chốt quyền sẽ có thể mua thêm 7 cổ phiếu mới.

Nếu chào bán thành công 100%, vốn điều lệ của Tập đoàn FLC sẽ vượt mốc 12.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu lưu hành.

Giá chào bán chưa được Hội đồng quản trị xác định. Một doanh nghiệp khác trong "hệ sinh thái FLC" là CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) cũng có kế hoạch chào bán 60 triệu cổ phiếu ROS trong năm nay, mức giá được đại hội cổ đông phê duyệt là "không thấp hơn 10.000 đồng/cp". 

Năm 2018 và 2019, chính Tập đoàn FLC cũng thông báo phương án (sau đó dừng triển khai) phát hành 300 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn mệnh giá. 

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết từng cho biết FLC không phát hành theo kế hoạch vì giá cổ phiếu FLC trên thị trường những năm đó ở dưới ngưỡng 10.000 đồng/cp.

Dựa vào những tiền lệ nói trên, có khả năng giá chào bán của FLC trong đợt này cũng sẽ không dưới mệnh giá.

Kết phiên giao dịch gần đây nhất (4/6), cổ phiếu FLC đóng cửa tại 14.300 đồng/cp, tăng 214% so với đầu năm và nhảy vọt 370% so với một năm trước.

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, khối ngoại đang sở hữu 18,25 triệu cổ phiếu FLC, trị giá khoảng 261 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của FLC hiện nay là Chủ tịch Trịnh Văn Quyết với tỷ lệ nắm giữ 30,34% vốn (tương đương 215,4 triệu đơn vị).

Tham vọng của Bamboo Airways

Tập đoàn FLC đang sở hữu gần 26% vốn điều lệ Bamboo Airways, là cổ đông lớn thứ 2 của hãng hàng không này, chỉ sau con số 56,5% của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết

Tháng 3 năm nay, Bamboo Airways từng có kế hoạch niêm yết 1,05 tỷ cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá 60.000 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa khoảng 2,7 tỷ USD. Chủ tịch Quyết khi đó đã nói rằng nếu hãng hàng không này lên sàn như kế hoạch thì "chắc chắn hiệu quả của FLC khi đầu tư vào Bamboo Airways là rất lớn vì chúng ta góp vốn ban đầu với giá vốn chỉ là 10, trong khi niêm yết giá 60".

Sau đó, ông Quyết cho biết Bamboo còn đang nuôi tham vọng IPO trên sàn chứng khoán Mỹ nhằm huy động 200 triệu USD thông qua việc bán 5-7% cổ phần, tương ứng với định giá tối đa lên tới 4 tỷ USD, cao hơn 48% so với con số mục tiêu trước đó một tháng.

Nếu "giấc mơ Mỹ" này trở thành hiện thực, rõ ràng hiệu quả đầu tư của FLC sẽ còn lớn hơn so với kịch bản lên sàn trong nước. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng việc niêm yết ở Mỹ sẽ khó hơn so với ở trong nước và từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào làm được.

Khối ngoại mua ròng cổ phiếu FLC 10 phiên liên tiếp, xả loạt bluechip - Ảnh 3.

Một tiếp viên Bamboo Airways đang hướng dẫn hành khách về quy tắc an toàn trên chuyến bay. (Ảnh: Song Ngọc).

Từ khi cất cánh vào ngày 16/1/2019 đến nay, Bamboo Airways đã khai thác trên 60.000 chuyến bay, riêng năm ngoái là 28.444 chuyến. Đội bay của Bamboo có 30 chiếc, gồm các dòng thân hẹp E190 Embraer, Airbus A319, A320, A321, và ba chiếc thân rộng Boeing 787-9. Hãng cũng đã đặt mua thêm 10 chiếc 787-9 từ Boeing.

Hiện nay hãng đang khai thác 60 đường bay nội địa. Trước khi COVID-19 bùng phát, hãng còn thực hiện các chặng bay thuê nguyên chuyến (charter) tới Macau, Nhật Bản và đảo Đài Loan.

Đầu tháng 5 vừa qua, Bamboo Airways cho biết hãng đã được cấp slot bay thẳng tới Sân bay quốc tế San Francisco và Los Angeles, Mỹ, bắt đầu từ 1/9 năm nay.

Trong báo cáo gửi tới Bộ Giao thông vận tải Mỹ ít ngày trước, hãng bay của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết mong muốn được cấp phép bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tới hai sân bay nói trên của bang California, tới thành phố New York của bang New York, Seattle của bang Washington và Dallas của bang Texas.

Thời gian khai thác dự kiến từ quý III/2021 tới với tần suất 4-7 chuyến khứ hồi mỗi tuần.

Trên đường từ Việt Nam tới Mỹ, tàu bay của Bamboo sẽ có một điểm dừng kỹ thuật ở Đài Bắc (Đảo Đài Loan) hoặc Osaka, Nagoya (Nhật Bản) để tiếp nhiên liệu, hành khách không phải dời tàu bay.

Bamboo Airways còn dự định thực hiện các chuyến bay liên danh (codeshare) với một hãng bay lớn của Mỹ, không nêu cụ thể tên hãng bay nào. 

Theo một thỏa thuận ngoại giao song phương Việt - Mỹ năm 2005, hãng bay Việt Nam có thể bay liên danh tới 25 địa điểm trên đất Mỹ, bao gồm: Atlanta, Austin, Boston, Chicago, Dallas-Ft. Worth, Denver, Detroit, Honolulu, Houston, Las Vegas, Los Angeles, Miami, Minneapolis, New York, Newark, Oklahoma City, Philadelphia, Phoenix, Portland (Oregon), St. Louis, San Francisco, San Jose (California), Seattle, thủ đô Washington, và Wichita.

Không chỉ muốn bay tới Mỹ, Bamboo còn dự định bay từ Mỹ tới Vancouver, Montreal và Toronto (Canada) rồi từ Canada về Việt Nam.

Năm 2020, hãng hàng không mang thương hiệu cây tre này đóng góp hơn 17,2 triệu USD lợi nhuận trước thuế cho Tập đoàn FLC. Tuy vậy, lợi nhuận này không đến từ hoạt động vận tải hàng không mà đến từ hoạt động tài chính vì Bamboo vẫn lỗ gộp 156 triệu USD.

Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.