ROS tăng kịch trần sau tin FLC Faros định phát hành giá 10.000 đồng/cp
Tính đến 9h40 sáng, đã có 13,9 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros được khớp lệnh, giá trị trên 92 tỷ đồng. Trong số này có gần 10 triệu đơn vị được khớp ở giá trần 6.580 đồng/cp, tương đương với giá trị giao dịch trên 65 tỷ đồng.
ROS diễn biến tích cực sau khi FLC Faros công bố phương án chào bán riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp.
Tổng số tiền dự kiến thu được là 600 tỷ đồng, trong đó 100 tỷ dùng để bổ sung vốn lưu động và 500 tỷ sẽ dùng để đầu tư các dự án do FLC Faros làm chủ đầu tư hoặc tổng thầu tại tỉnh Quảng Bình.
Năm 2020, FLC Faros bắt đầu triển khai dự án FLC Grand Hotel Quảng Bình gồm hai tòa khách sạn 12 tầng với tổng cộng hơn 500 phòng theo tiêu chuẩn 5 sao cùng các hạng mục khác như hồ bơi vô cực, chuỗi nhà hàng quốc tế, sân khấu ngoài trời, khu vui chơi trẻ em…
Ngoài ra, dự án còn bao gồm Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quảng Bình với hội trường lớn gần 1.200 chỗ và các phòng chức năng. Đây là hai hạng mục trọng điểm của FLC Quảng Bình - đại dự án với diện tích gần 2.000 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến 20.000 tỷ.
Có thể thấy, mức giá chào bán tối thiểu dự kiến cao hơn khoảng 50% so với thị giá hiện nay.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng giá cổ phiếu ROS sẽ phải tăng lên tối thiểu bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp thì đợt chào bán mới thành công. Tuy nhiên, đã từng có những doanh nghiệp phát hành với giá cao hơn nhiều so với thị giá, điển hình như trường hợp của Tập đoàn FLC vào năm 2016.
Ngoài ra, có khả năng FLC Faros sẽ không phát hành như kế hoạch công bố, có thể vì điều kiện thị trường không thuận lợi. Đại hội cổ đông thường niên 2018 của FLC Faros đã thông qua phương án phát hành 300 triệu cổ phiếu ROS cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp, bằng chưa đầy 1/10 thị giá lúc đó để ghi nhận "sự tin tưởng" của cổ đông, nhưng rồi kế hoạch này không được thực thi.
Tập đoàn FLC cũng từng có kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhưng không thực hiện vì Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết cho rằng diễn biến thị trường không phù hợp, nếu phát hành sẽ không đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
Nhìn lại lịch sử tăng vốn của FLC Faros
FLC Faros tiền thân là CTCP xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập ngày 1/3/2011 với vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng. Ngày 13/5/2015, công ty đổi tên thành CTCP Xây dựng Faros. Đến ngày 30/11/2016, công ty tiếp tục đổi tên thành CTCP Xây dựng FLC Faros và dùng tên gọi này cho tới ngày nay.
Từ số vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng, FLC Faros đã 4 lần phát hành cho cổ đông hiện hữu và nâng vốn lên thành 3.500 tỷ đồng vào tháng 1/2016.
Sau đó, công ty phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư để huy động thêm 800 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 4.300 tỷ vào tháng 3/2016.
Tháng 9/2016, Faros đưa 430 triệu cổ phiếu cổ phiếu ROS lên niêm yết ở HOSE.
Đến tháng 7/2017, công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, nâng vốn điều lệ lên 4.730 tỷ đồng.
Vào tháng 5/2018, FLC Faros tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, nâng vốn lên thành 5.676 tỷ đồng như hiện nay. Từ khi lên sàn, FLC Faros chưa từng trả cổ tức bằng tiền mặt.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 25/5 tới đây, FLC Faros sẽ trình phương án chào bán riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu ROS cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Đây là lần chào bán riêng lẻ thứ 2 trong lịch sử của FLC Faros.
Nếu phát hành hết như kế hoạch, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên thành 6.276 tỷ đồng.