|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Instagram hết thời hái ra tiền vì quá tẻ nhạt?

07:33 | 12/08/2021
Chia sẻ
Khi thế hệ millennials đến tuổi trung niên, Instagram - "con ngỗng đẻ trứng vàng" của gã khổng lồ Facebook, có thể mất dần khả năng hái ra tiền vì nội dung trở nên quá nhàm chán, theo nhận định từ Financial Times.

Instagram nhàm chán từ bao giờ?

Instagram - từng một thời là "con ngỗng đẻ trứng vàng" của Facebook, đã phải dành nhiều năm để phủ nhận các cáo buộc về tính độc hại. Bây giờ, ứng dụng chia sẻ ảnh đình đám lại phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối khác: mọi thứ đang trở nên quá tẻ nhạt.

Sự thay đổi này đặt ra một mối đe dọa mới đối với khả năng kiếm tiền của Instagram, ngay thời điểm vốn hóa thị trường của chủ sở hữu Facebook vừa chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Financial Times cho rằng, rất khó để biết liệu Instagram đã thay đổi hay người dùng của ứng dụng này chỉ đơn giản là đã trưởng thành. Thế hệ millennials từng biến Instagram thành một hiện tượng đình đám đang dần bước sang tuổi trung niên.

Những người trẻ nhất của thế hệ millennials, tức sinh vào năm 1996, hiện nay cũng đã 25 tuổi, trong khi những người ra đời đầu giai đoạn này (khoảng năm 1981) thì đã bước qua ngưỡng cửa 40. Đối với họ, tải ảnh tự chụp lên Instagram không chỉ tốn thời gian mà còn cả sức lực, thậm chí là đôi chút xấu hổ.

Các bài đăng từ bạn bè dần biến mất, thay vào đó là những chiến dịch quảng bá thương hiệu. Influencer, một lực lượng những người nổi tiếng có thể quảng cáo đủ loại sản phẩm, dần trở nên phổ biến trên Instagram hơn bao giờ hết.

Instagram hết thời hái ra tiền vì quá tẻ nhạt? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Đại dịch COVID-19 dường như càng thúc đẩy xu hướng trên. Người dùng không thể khoe cuộc sống cá nhân trên Instagram khi mà dịch bệnh bùng phát, không còn những chuyến đi chơi hay ăn nhà hàng.

Hồi năm ngoái, Max Read, cựu tổng biên tập của trang blog Gawker, cho biết ông đã từ bỏ Instagram vào đầu năm sau khi ứng dụng này trở nên "nhàm chán một cách đáng lo ngại" vì các đợt phong tỏa.

Nữ diễn viên "Wonder Woman" Gal Gadot từng nỗ lực khích lệ công chúng bằng cách tải lên Instagram một video ghi cảnh cô và những người bạn nổi tiếng hát bài Imagine của The Beatles, song cũng bất thành, Financial Times nêu ví dụ.

Instagram dần kém hấp dẫn trong mắt người hâm mộ, điều đó phản ánh qua thời gian mà mọi người dành cho ứng dụng.

Ở Anh, vào tháng 9 năm ngoái, trung bình một thanh thiếu niên trong độ tuổi 18 - 24 dành khoảng 10 phút rưỡi lướt Instagram. Con số này giảm đáng kể so với hơn 15 phút của cùng kỳ năm 2019, theo một báo cáo của Ofcom.

Tuy nhiên, cũng nhóm trên dành hơn nửa tiếng để xem TikTok và hơn một giờ để theo dõi YouTube.

Tại sao Instagram mất đà?

Mọi nền tảng mạng xã hội đều có thời kỳ hoàng kim riêng. Song, trong nhiều năm, Instagram gần như luôn đứng trong top đầu.

Ra mắt vào năm 2010 bởi hai nhà sáng lập Mike Krieger và Kevin Systrom, điểm thu hút của Instagram chính là các bộ lọc ảnh (photo filters). Nhờ đó, chiếc điện thoại thông minh nào cũng có thể cho ra những bức ảnh đẹp mắt.

Hơn nữa, Instagram còn có một điểm tích cực khác: nó cung cấp cho người dùng một nơi "ẩn náu" khỏi các cuộc tranh luận trên Facebook và Twitter.

Đến mùa hè năm 2018, Instagram có khoảng 1 tỷ người dùng hàng tháng. Thương vụ mua lại ứng dụng này của Facebook với giá 1 tỷ USD vào 6 năm trước dường như là một món hời. Tạp chí Wired từng đưa tin, thành công quá đỗi của Instagram khiến nội bộ Facebook lục đục.

Tuy nhiên, theo thời gian, hình ảnh "hoàn hảo" trên khắp Instagram biến tướng thành một thứ tai hại hơn. Ứng dụng chia sẻ ảnh đình đám làm tăng cảm giác tự ti, kém cỏi ở người dùng, Financial Times nhấn mạnh

Mark Zuckerberg thường nói rằng tính kết nối chính là trọng tâm của toàn bộ sản phẩm của Facebook, song sự chú ý và cảm giác được săn đón mới là động lực thực sự.

Người dùng Instagram được cho là quá "sống ảo". Sự phổ biến của các bức ảnh đã qua chỉnh sửa khiến người hâm mộ đổ xô thực hiện các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ để theo đuổi cái gọi là khuôn mặt Instagram.

Nhìn lại, năm 2018 có thể là thời kỳ đỉnh cao của Instagram. Cùng năm đó, những người sáng lập Instagram rời Facebook vì không thể thống nhất về tương lai của mạng xã hội này.

Sau đó, Facebook đã tận dụng cơ hội để làm xáo trộn Instagram với nhiều đường link mua sắm và video hơn, tất cả đều nhằm mục đích kiếm tiền. Thiết kế tối giản của Instagram bị thay đổi, khó coi hơn.

Facebook không công khai số lượng người dùng của Instagam trong ba năm qua, cho thấy tốc độ tăng trưởng của ứng dụng chia sẻ ảnh có thể đang chững lại. Giữa lúc đó, công chúng bắt đầu phản ứng dữ dội với sự hoàn hảo được cho là giả tạo trên Instagram.

Có lẽ, những vết rạn nứt dần lộ ra vào tháng 1/2019, khi bức ảnh về một quả trứng vượt hình ảnh của nữ tỷ phú - IT girl Kylie Jenner để trở thành bài đăng Instagram được yêu thích nhất. Chiến dịch này là một trò nghịch ngợm có chủ ý từ người dùng, nhằm phô bày những mặt trái của Instagram.

Instagram hết thời hái ra tiền vì quá tẻ nhạt? - Ảnh 2.

Hình ảnh quả trứng được yêu thích nhất Instagram, vượt mặt cả Kylie Jenner. (Ảnh chụp màn hình vào thời điểm đó).

Cùng năm đó, TikTok thành công đặt chân lên đất Mỹ. Instagram sau đó cũng ra mắt tính năng Reels , cho phép người dùng quay video với thời gian ngắn tối đa là 30 giây trên điện thoại. Song, đến nay Reels vẫn không thể cản trở cơn sốt mà TikTok tạo ra.

Facebook đã chứng tỏ rằng họ có thể hái bộn tiền từ cùng một nhóm người dùng, ngay cả khi ảnh hưởng của mạng xã hội này giảm sút. Tăng trưởng người dùng của Facebook ở Mỹ và Canada đang chững lại, nhưng doanh thu trung bình/người dùng của Facebook lại tăng gần 20% vào năm ngoái.

Facebook có lẽ cần thực hiện thủ thuật tương tự với Instagram. Nếu không, sự nhàm chán có thể bắt đầu gây hại cho "con ngỗng đẻ trứng vàng" của gã khổng lồ công nghệ Mỹ, Financial Times kết luận.

Khả Nhân