|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Giá cà phê tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1977 do lo ngại nguồn cung sụt giảm

07:00 | 12/12/2024
Chia sẻ
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất 47 năm do lo ngại nguồn cung sụt giảm tại các quốc gia sản xuất hàng đầu. Bên cạnh đó, thương mại cà phê toàn cầu tiếp tục tăng cao trong tháng đầu tiên của niên vụ 2024-2025

Giá cà phê đạt đỉnh trong 47 năm

Giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đạt trung bình 270,7 US cent/pound trong tháng 11, tăng 8% so với tháng trước và tăng 67,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 5 năm 1977.

Trong đó, giá của các nhóm cà phê arabica đồng loạt tăng hai con số so với tháng trước, với arabica Colombia tăng 10,5%, arabica Brazil tăng 11,6% và arabica khác tăng 10,2%, lần lượt đạt 306,2 US cent/pound, 285,6 US cent/pound và 305 US cent/pound.

Ngoài ra, giá cà phê robusta cũng tăng nhẹ 1,9% lên 226,1 US cent/pound.

Trên thị trường kỳ hạn New York và London, giá cà phê arabica và robusta tăng lần lượt 10,5% và 3,5%, đạt 277 US cent/pound và 214,4 US cent/pound. Chênh lệch giá giữa hai thị trường kỳ hạn London và New York, đã mở rộng 43,9% lên 62,6 US cent/pound, cao nhất trong 11 tháng.

Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 11/2022 đến tháng 11/2024 (ĐVT: US cent/pound)

Nguồn: ICO

Theo ICO, đà tăng giá này được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung toàn cầu khi cơn bão nhiệt đới Sara đổ bộ vào khu vưc Trung Mỹ từ ngày 14 đến 17/11 gây thiệt hại đáng kể cho một số quốc gia trong khu vực như Guatemala, Panama, Honduras, Nicaragua.

Báo cáo của Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho thấy, lượng mưa ghi nhận được từ cơn bão tương đương với các cơn bão Eta và Lota năm 2020.

Các vùng trồng cà phê bị ảnh hưởng bởi cơn bão có thể chứng kiến ​​cây cà phê bị rụng lá và quả, lên men quả bên trong các nhà máy, thối rễ, bệnh thán thư, hấp thụ chất dinh dưỡng thấp, rửa trôi khoáng chất, chín không đều và chín chậm do thiếu ánh sáng mặt trời.

Những yếu tố này có thể làm giảm năng suất trên mỗi hecta cà phê tại các quốc gia Trung Mỹ và có khả năng gây gián đoạn tạm thời đối với lĩnh vực logistics.

Áp lực lên nguồn cung cà phê càng gia tăng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm 19/11 công bố báo cáo điều chỉnh hạ dự báo sản lượng cà phê tại Brazil trong niên vụ 2024-2025, với mức giảm 5%, tương đương 3,5 triệu bao so với dự báo trước.

Thêm vào đó, vụ thu hoạch tại Việt Nam đang bị chậm lại do thời tiết xấu cản trở việc thu hái cà phê robusta.

Ngoài ra, tình trạng chậm trễ vận chuyển tại cảng lớn nhất Nam Mỹ, Santos (Brazil), vẫn tiếp diễn do thiếu cơ sở hạ tầng cảng và container. Các xung đột địa chính trị đang diễn ra tại Biển Đỏ và mực nước thấp tại Kênh đào Panama do điều kiện khí hậu khô hạn cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.

Việc EU chưa đưa ra thông báo cuối cùng về việc tạm hoãn và điều chỉnh Quy định phá rừng (EUDR) cũng là một trong những yếu tố gây lo ngại và làm tăng giá cà phê trong tháng vừa qua.

Tính đến cuối tháng 11, lượng cà phê robusta được chứng nhận trên sàn London đạt 0,65 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm 1,8% so với tháng trước. Ngược lại, cà phê arabica được chứng nhận tăng 4,6% lên 0,95 triệu bao.

Tồn kho cà phê trên hai sàn London và NewYork tính đến cuối tháng 11/2024

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh

Cũng theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu đã đạt hơn 11,1 triệu bao trong tháng 10 – tháng đầu tiên của niên vụ 2024-2025, tăng 15,1% so với gần 9,7 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.

Trong đó, cà phê nhân xanh chiếm 89,4% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu với khối lượng đạt 9,9 triệu bao, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, đây đã là tháng tăng trưởng dương thứ 12 liên tiếp đối với xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu.

Mức tăng trưởng này được ghi nhận ở hầu hết chủng loại cà phê chính bao gồm arabica Colombia đạt 1,14 triệu tấn, tăng 23,5%. Cả ba quốc gia Colombia, Kenya và Tanzania đều có những đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng hai chữ số của nhóm cà phê này, với xuất khẩu của Kenya và Tanzania tăng gấp đôi, lần lượt là 192,0% và 109,5% lên 83.500 bao và 96.000 bao.

Tương tự, xuất khẩu cà phê arabica Brazil tăng 12,1% trong tháng 10, lên 4,2 triệu bao. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu nhóm cà phê này vượt mức 4 triệu bao, chủ yếu được thúc đẩy bởi Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu arabica lớn nhất thế giới và Ethiopia. Trong đó, Brazil đã xuất khẩu 3,6 triệu bao vào tháng 10, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong tháng 10 qua các niên vụ 2021-2022 đến 2024-2025 

 Nguồn: ICO 

Ngoài ra, khối lượng xuất khẩu của nhóm cà phê arabica khác tăng 9,7% trong tháng 10, lên 1,5 triệu bao. Trong nhóm này, xuất khẩu của Ethiopia, Mexico và Peru tăng tổng cộng gần 0,2 triệu bao. Tuy nhiên, Guatemala, Papua New Guinea và Uganda lại giảm 70.184 bao.

Xuất khẩu cà phê robusta cũng ghi nhận mức tăng lên tới 21,6%, đạt 3,1 triệu bao vào tháng 10. Các yếu tố chính thúc đẩy tốc độ tăng trưởng hai chữ số này đến từ Brazil và Indonesia, với tổng xuất khẩu kết hợp tăng 46,3%, đạt 1,5 triệu bao.

Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này cũng phần nào do hiệu ứng cơ sở từ mức giảm 7,9% trong tháng 10/2023, khi chỉ có hơn 2,5 triệu bao được xuất khẩu. Để so sánh, mức xuất khẩu trung bình của tháng 10 trong giai đoạn 2018-2022 là 2,9 triệu bao.

Không chỉ cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan cũng tăng 10,3% trong tháng 10, đạt hơn 1,1 triệu bao, chiếm 10,1% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu.

Brazil tiếp tục là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất trong tháng 10, với khối lượng vận chuyển 0,4 triệu bao.

Trong số các nhóm cà phê, chỉ có duy nhất cà phê rang xay ghi nhận lượng xuất khẩu giảm nhẹ 0,4% trong tháng 10, còn 59.539 bao.

Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong tháng 10 qua các niên vụ 2021-2022 đến 2024-2025

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu được đẩy mạnh ở hầu hết khu vực

Trong tháng 10, xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,5 triệu bao. Chủ yếu do xuất khẩu của Indonesia tăng mạnh 42% lên hơn 1 triệu bao, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Động lực cho sự mở rộng này đến từ nguồn cung mới từ vụ thu hoạch năm 2024-2025.

Việt Nam, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực châu Á và Thái Bình Dương, bắt đầu năm cà phê mới với mức tăng trưởng xuất khẩu 3,3%, nối tiếp mức tăng 0,1% vào tháng 9. Hai tháng tăng trưởng liên tiếp này có thể là dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam đã chạm đáy sau 7 tháng giảm liên tiếp.

Tuy nhiên, sự phục hồi xuất khẩu, dự kiến bắt đầu với nguồn cung mới từ vụ thu hoạch cà phê 2024-2025, có thể có dạng “U” thay vì “V”. Tính đến ngày 21 tháng 11, vụ thu hoạch đã hoàn thành 20%.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong tháng 10 qua các niên vụ 2021-2022 đến 2024-2025 

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực châu Phi tăng tới 31,9%, đạt hơn 1,4 triệu bao vào tháng 10. Ethiopia là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng khu vực, với xuất khẩu tăng 62,4% lên 0,6 triệu bao. Đồng thời đánh dấu 11 tháng tăng trưởng liên tiếp của Ethiopia.

Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu trung bình hàng tháng của Ethiopia đạt hơn 0,5 triệu bao, cao nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê các loại từ Nam Mỹ tăng 12,4% trong tháng 10, đạt 6,7 triệu bao, mức cao nhất từng được ghi nhận, vượt qua kỷ lục trước đó là 6,6 triệu bao của tháng 11/2020.

Brazil, một lần nữa, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng mạnh của khu vực, với xuất khẩu tăng 13,2%, lên mức kỷ lục hơn 4,9 triệu bao.

Bên cạnh đó, Colombia cũng đóng góp đáng kể vào tỷ lệ tăng trưởng hai chữ số của khu vực, với xuất khẩu tăng 15% lên hơn 1 triệu bao. Chủ yếu là do sản lượng cà phê của Colombia tăng 15,7% trong tháng 10, đạt hơn 1,3 triệu bao.

Còn tại khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực tăng 8,8%, đạt 0,5 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu của Mexico tăng 27,2% lên 0,24 triệu bao. Ngược lại, xuất khẩu của Guatemala giảm 27,8% xuống còn 87.100 bao.

Hoàng Hiệp