Con sóng giá cà phê năm 2024 có thể kéo dài sang năm sau?
Cơn sốt giá cà phê vẫn chưa dịu lại
Tiếp nối đà tăng tới 70% trong năm 2023, giá cà phê trong năm 2024 tiếp tục trải qua một con sóng lớn ở cả thị trường trong nước và thế giới. Giá cà phê liên tục thiết lập những kỷ lục mới và hiện giá cao gần gấp đôi so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung của các nước sản xuất lớn như Việt Nam, Brazil suy giảm.
Giai đoạn cuối năm nay, sức nóng giá cà phê thế giới và trong nước dường như vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại, thậm chí còn “tăng nhiệt” khi thiết lập kỷ lục mới (5.300 USD/tấn ở thị trường thế giới và 130.000 đồng/kg ở thị trường nội địa).
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân đến từ lực mua của các nhà đầu tư tài chính trên sàn London và New York. Cùng với đó, sản lượng của Brazil cũng được dự báo sẽ giảm và nông dân trồng cà phê nước này giữ lại hàng càng khiến giá tăng cao hơn.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025 của Brazil là 66,4 triệu bao, thấp hơn dự báo trước đó là 69,9 triệu bao. Lượng cà phê tồn kho của Brazil được dự báo ở mức 1,2 triệu bao vào cuối mùa vụ 2024/25 vào tháng 6, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, thị trường cũng lo ngại nguồn từ Việt Nam sẽ chậm chễ do vụ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Theo đó, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến các vùng thu hoạch cà phê trọng điểm, gây nên mối lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Đồng thời, xuất khẩu chậm từ Việt Nam đã làm thắt chặt thị trường cà phê thế giới.
Sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 ước đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 6% so với niên vụ trước đó. Niên vụ 2024 - 2025 (hiện đang trong giai đoạn thu hoạch) cũng được dự báo tiếp tục giảm.
Trao đổi với chúng tôi bên lề Hội nghị Quốc tế Cà phê Châu Á diễn ra hồi đầu tháng 12, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo sản lượng niên vụ hiện tại giảm khoảng 5%.
Trong khi đó, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nhận định sản lượng cà phê có thể tiếp tục giảm khoảng 15%.
“Lý do là một phần diện tích cà phê bị thu hẹp. Ngoài ra, trong mùa khô vừa rồi hạn hán khá nghiêm trọng. Thông thường thời điểm tháng 5,6 là giai đoạn quả cà phê phát triển nhanh chóng nhưng năm nay do thiếu nước nên hạt sẽ nhỏ lại”, ông phân tích.
Theo báo cáo của Cục Trồng Trọt (Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn), diện tích cà phê của Việt Nam là 709.041 ha. Tuy nhiên, những năm gần đây (trước 2022) giá cà phê xuống quá thấp nên người nông dân một số vùng đã chuyển đổi cây trồng sang sầu riêng và các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. VICOFA cho biết số liệu diện tích đã chuyển đổi cây trồng khó xác định cụ thể và chính xác.
Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) ước tính lượng hàng tồn kho từ vụ 2023 - 2024 chuyển sang vụ mới gần như bằng 0.
Giá cà phê tăng: Nỗi buồn của nhiều doanh nghiệp
Việc giá cà phê tăng mạnh thời gian qua là tín hiệu đáng mừng đối với người nông dân. Nhưng điều này đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu và rang xay, bán lẻ vào thế khó.
VICOFA nhận định 2023 - 2024 là niên vụ có biến động giá cao và nhanh nhất trong các niên vụ cà phê từ trước đến nay. Nguồn hàng xuất khẩu đã thiếu từ cuối vụ 2022 - 2023. Giá cà phê tăng cao liên tục từ đầu vụ.
“Vì vậy, đây là một niên vụ gây nhiều khó khăn vá rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập hẩu trọng việc thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu”, VICOFA cho biết.
Trong năm nay, giá cà phê nội địa biến động nhanh tới mức có thời điểm cao hơn so với giá xuất khẩu. Dữ liệu giá từ tháng 2 đến tháng 7 cho thấy giá cà phê xuất khẩu luôn thấp hơn so với giá nội địa.
Mức chênh lệch lớn nhất ghi nhận hồi tháng 4 - thời điểm giá cà phê trong nước đạt kỷ lục trên 130.000 đồng/kg, giá cà phê xuất khẩu lúc đó chỉ khoảng 91.000 đồng/kg (tương đương 3.768 USD/tấn), tương đương mức chênh lệch lên tới khoảng 40.000 đồng/kg.
Mặc dù những tháng sau đó (từ tháng 5 - 7) giá cà phê xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng còn giá mua trong nước giảm nhưng vẫn có khoảng chênh lệch khá lớn giữa hai thị trường. Bắt đầu từ tháng 8, giá cà phê xuất khẩu bắt đầu cao hơn so với thị trường nội địa.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Intimex (doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn thứ hai của Việt Nam), cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang đối diện với những rủi ro lớn do chi phí mua hàng tăng cao trong khi diễn biến của thị trường khó lường.
Theo ông Nam những biến động nhanh và mạnh trên các sàn giao dịch ít nhiều tác động lên thị trường hàng thực và tiềm ẩn rủi ro cho các nhà rang xay và nhà xuất khẩu. Bởi, nhiều công ty xuất khẩu kinh doanh theo hình thức “bán hàng trước, thu mua sau”. Do đó, với việc giá cà phê biến động mạnh như hiện nay, nhiều công ty xuất khẩu đứng trước rủi ro mua giá cao nhưng phải bán giá thấp.
“Các doanh nghiệp cần hiểu đúng bản chất thị trường hàng hoá để tránh bị chạy theo mua giá cao hoặc nhận định thị trường sẽ sụp đổ, dẫn đến việc ‘bán trước, mua sau’. Nếu không tỉnh táo, rủi ro đối với các doanh nghiệp rất lớn”.
Đối với các nhà rang xay, bán lẻ, ông Sơn cho biết, việc nguồn cung bị bóp nghẹt, đẩy giá cà phê tăng cao khiến các nhà rang xay nguy cơ chịu thua lỗ vì chi phí tăng lên trong khi giá bán lẻ khó tăng.
“Họ khó lòng chuyển chi phí tăng vào trong giá những tách cà phê bán tại quán. Còn tại các siêu thị, họ cũng đã ký các hợp đồng cung ứng với giá cố định từ 6 tháng đến 1 năm, trong khi đó, giá cà phê nhân xanh thì biến động từng ngày”, ông nói.
Ông Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp năm nay cần chuẩn bị sớm nguồn tài chính để thu mua cà phê từ sớm, cũng như kho lưu trữ hàng đủ rộng.
Trao đổi với người viết, ông Đặng Đình Hà, Giám đốc Công ty XNK Coffee and Tea Việt Nam, cho biết doanh nghiệp chưa có kế hoạch tăng giá bán lẻ. Để giảm thiểu tác động của giá nguyên liệu đầu vào, công ty đã có kế hoạch làm việc với người nông dân và nhà cung cấp ngay cả trước khi vụ thu hoạch mới bắt đầu.
"Năm tới chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá bán. Để làm được điều này, chúng tôi đang cùng người nông dân giữ cho giá bán ở mức thấp nhất. Ngoài ra, chúng tôi đang trong giai đoạn đàm phán với các nhà cung cấp để có kế hoạch cung cấp nguyên liệu cho nhiều tháng nhằm hài hoà lợi ích cho các bên", ông Hà cho biết.
Giá cà phê có thể điều chỉnh
Bước sang niên vụ 2024 - 2025, các doanh nghiệp kỳ vọng giá cà phê hạ nhiệt. “Xu hướng chung của thị trường trong thời gian tới có thể là điều chỉnh vì giá đã quá cao. Tuy nhiên, giá sẽ không xuống mức quá thấp. Theo tôi giá cà phê robusta trên sàn London giảm xuống mốc 4.000 USD/tấn là hợp lý nhất”, ông Nam nhận định.
Thực tế, hồi đầu tháng 12, giá cà phê thế giới điều chỉnh khoảng 10% sau sự kiện hai công ty xuất khẩu hàng đầu Brazil đứng trước nguy cơ phá sản vì giá cà phê tăng quá cao. Lực bán diễn ra mạnh khi giới đầu cơ trên sàn chốt lời. Điều này khiến giá cà phê trong nước giảm theo. Tính đến ngày 10/12, giá cà phê trong nước quanh mức 120.000 đồng/kg.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, giá cà phê sẽ điều chỉnh giảm khi nguồn cung từ Việt Nam ra thị trường nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo chủ tịch VICOFA, giá cà phê có thể giảm nhưng không giảm quá sâu vì do tình hình - cầu vẫn chưa thể cân đối. Ngoài ra, theo ông về dài hạn, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi các yếu tố như cước vận tải tăng cao, căng thẳng địa chính trị, sản lượng giảm do biến đổi khí hậu.
Mặc dù vậy, ông Hải cho biết tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn.
“Thời điểm này tìm được đơn hàng không phải dễ vì các nhà nhập khẩu năm nay cũng có lựa chọn khác. Những công ty xuất khẩu nào năm vừa rồi có tỷ lệ giao hàng chậm chễ cao thì khách hàng không mua nữa. Đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn năm nay chỉ bằng 50% so với năm ngoái vì tỷ lệ giao chậm nhiều”, ông Hải cho biết.