|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hụt thu từ bất động sản và cổ phiếu, lợi nhuận Becamex IDC chạm đáy 9 quí

07:44 | 04/05/2020
Chia sẻ
Doanh thu và lợi nhuận của ông lớn BĐS tại Bình Dương đều giảm so với cùng kì do nguồn thu của bất động sản giảm mạnh, công ty cũng không còn khoản lợi nhuận bất thường từ bán cổ phiếu như cùng kì năm trước.

Quí I/2020, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) có kết quả kinh doanh không khả quan khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với cùng kì.

Cụ thể, tổng doanh thu của công ty giảm 31% so với cùng kì năm ngoái xuống mức 1.323 tỉ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh, đầu tư bất động sản (BĐS) đã giảm mạnh từ trên 1.400 tỉ đồng của cùng kì năm ngoái xuồng còn 819 tỉ đồng.

Kế đến là là hoạt động bán hàng hóa đóng góp 247 tỉ đồng. Hoạt động thu phí cầu đường giữ ổn định với khoảng 66 tỉ đồng.

Đồng thời, công ty không còn ghi nhận lãi bán cổ phiếu và cổ tức, lợi nhuận được chia, cùng với lãi tiền gửi có kì hạn cũng giảm mạnh. Theo đó, doanh thu tài chính giảm mạnh từ 466 tỉ đồng ở cùng kì về 4 tỉ đồng.

Các công ty doanh, liên kết tiếp tục đem về khoản lãi ổn định trên 160 tỉ đồng cho Becamex IDC. Còn các chi phí trong kì nhìn chung không biến động mạnh.

Kết quả trong quí đầu năm, lãi ròng của Becamex IDC đạt gần 311 tỉ đồng, giảm 48% so với cùng kì năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất (tính theo quí) Becamex IDC có được kể từ quí I/2018.

Không chỉ giảm lãi mà dòng tiền của Becamex IDC cũng ghi nhận âm trên 96 tỉ đồng trong quí đầu năm nay, trong khi cùng kì dương 110 tỉ đồng.

Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản của Becamex IDC trên 44.024 tỉ đồng, tăng hơn 500 tỉ đồng so với đầu năm.

Trước đó tại BCTC hợp nhất kiểm toán 2019, Becamex IDC ghi nhận gần 1.950 tỉ đồng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn tại 7 dự án: TDC Plaza (532 tỉ đồng), Unitown giai đoạn 2 (521 tỉ đồng), Khu dân cư ấp 5C Lai Uyên (350 tỉ đồng), phố Sông Gấm (404 tỉ đồng), Green Pearl (58 tỉ đồng), IJC Aroma (44 tỉ đồng) và Lake View (40 tỉ đồng).

Trong đó, toàn bộ quyền sử dụng đất của Dự án Unitown giai đoạn 2 đã được thế chấp cho khoản vay 4.229 tỉ đồng tại ngân hàng BIDV - chi nhánh Bình Dương.

Trong đó, hàng tồn kho chiếm 54% tổng tài sản, tương đương 23.555 tỉ đồng và tăng 3% so với đầu năm.

Hầu hết giá trị tồn kho này là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của các dự án, bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí phải trả để có quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, Becamex IDC không công bố chi tiết các dự án này.

Bên cạnh đó, công ty còn các bất động sản đầu tư có giá trị còn lại trên 659 tỉ đồng, bao gồm: Tòa nhà Becamex Tower, khách sạn Becamex, nhà ở xã hội và một số bất động sản đầu tư khác. Công ty cho biết, tại thời điểm cuối kì chưa có điều kiện để xác định giá trị hợp lí của các tài sản này.

Với quĩ đất trên 8.600 ha, bao gồm cả đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ, VSIP có thể được xem là "gà đẻ trứng vàng" của Becamex IDC. Hiện tại, liên doanh này đã và đang phát triển các khu công nghiệp như: VSIP Bình Dương (I, II, III), VSIP Bắc Ninh (I, II), VSIP Hải Phòng, VSIP Quảng Ngãi, VSIP Hải Dương và VSIP Nghệ An...

Đối với các công ty liên doanh, liên kết, giá trị đầu tư của Becamex vào các đơn vị này chiếm gần một phần tư tổng tài sản, tương đương 10.117 tỉ đồng. Trong đó, ba đơn vị chiếm giá trị đầu tư lớn nhất gồm: Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP, 3.897 tỉ đồng), Công ty TNHH Becamex Tokyo (2.986 tỉ đồng) và CTCP Phát triển Công nghiệp BW (1.427 tỉ đồng).

BĐS khu công nghiệp chịu tổn thương trước COVID-19, lãi ròng Becamex IDC chạm đáy 9 quí gần nhất - Ảnh 3.

VSIP I Bình Dương là dự án đầu tiên của VSIP, được phát triển vào năm 1996 với qui mô 500 ha. Dự án này đã được lấp đầy 100%, thu hút 231 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỉ USD. Nguồn: Becamex IDC.

Ngoài ra, các tài sản mang tính thanh khoản cao như tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn còn hơn 655 tỉ đồng, giảm 12% so với thời điểm đầu năm.

Nợ phải trả của Becamex IDC tính đến cuối kì xấp xỉ 27.972 tỉ đồng, tăng 200 tỉ đồng so với đầu kì. Trong đó, tổng dư nợ vay chiếm 51%, tương đương với 14.386 tỉ đồng. Ngoài các khoản vay tại tổ chức tín dụng và quĩ đầu tư, Becamex IDC còn ghi nợ trái phiếu dài hạn hơn 2.140 tỉ đồng.

Theo các chuyên viên phân tích của CTCK BSC, kết quả kinh doanh của Becamex IDC trong quí đầu năm cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện Becamex IDC vẫn còn các quĩ đất sẵn có tại các khu công nghiệp (KCN): Phú Mỹ II (92,3 ha, đã lấp đầy 72%), Phú Mỹ II mở rộng (214 ha), Quế Võ II (132 ha, đã lấp đầy 30%), Hữu Thành (362 ha) và Cầu Nghìn (121 ha).

Theo BSC, phần diện tích còn ại của hai KCN Phú Mỹ II và Quế Võ II sẽ đóng góp vào doanh thu cho Becamex IDC trong ngắn hạn. Còn hai KCN đang triển khai gồm Hữu Thạnh và Cầu Nghìn sẽ đóng góp vào kết quả kinh doanh của đơn vị này trong dài hạn.

Ngoài ra, trong những ngày đầu năm 2020, Becamex IDC đã rục rịch triển khai thêm hai dự án KCN tại Bình Thuận và Bình Định.

Nguyên Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.