Hơn 5 triệu người thành triệu phú trong đại dịch, thắng lớn nhờ chứng khoán và bất động sản
Có tới 5,2 triệu người thành triệu phú USD trong năm 2020 bất chấp kinh tế toàn cầu chịu thiệt hại nặng từ đại dịch. Giới nhà giàu kiếm lợi lớn từ giá nhà đất và chứng khoán nhảy vọt.
Báo cáo Của cải Toàn cầu của Credit Suisse cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, hơn 1% dân số trưởng thành toàn cầu là triệu phú USD. Tổng cộng trong năm 2020, số cá nhân có tài sản trên 1 triệu USD là 56,1 triệu người.
Báo cáo trên thể hiện rằng các biện pháp hỗ trợ kinh tế khẩn cấp của chính phủ và ngân hàng trung ương trong đại dịch thường mang lại lợi ích cho những người ít cần được hỗ trợ nhất, giúp tài sản của người giàu tăng lên.
Các tác giả cũng nhấn mạnh sự tương phản giữa giới nhà giàu và nhà nghèo. Trong đại dịch, người có thu nhập thấp bị mất việc hoặc bị giảm lương bổng do kinh tế bị tổn thương.
"Gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo ít có khả năng là do đại dịch hay tác động kinh tế trực tiếp của nó gây ra. Thay vào đó, tình trạng này là hậu quả của các biện pháp được thi hành nhằm xoa dịu tác động của COVID-19, chủ yếu là việc giảm lãi suất".
Các hành động nhằm xoa dịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến khoảng cách giàu nghèo lớn nhất kể từ năm 2016.
Gần 1/3 triệu phú mới của thế giới đến từ Mỹ. Đức đứng thứ hai, sản sinh thêm 633.000 triệu phú.
Khoảng 41.420 người trưởng thành khác cũng gia nhập nhóm cá nhân có tài sản ròng cực cao trên 50 triệu USD. Con số đó thể hiện mức tăng 24% so với năm 2019, đánh dấu tốc độ tăng trưởng hàng năm lớn nhất trong 17 năm và nâng tổng số người siêu giàu lên 215.030 người.
Tác động của đại dịch lên tài sản hộ gia đình, đặc biệt là đối với những hộ nghèo nhất, là trầm trọng nhất tại những đất nước mà chính phủ không bù đắp cho phần lương bị mất trong giai đoạn phong tỏa.
Tại những nước thu nhập cao như Anh, phúc lợi khẩn cấp của chính phủ giúp xoa dịu tác động của thất nghiệp hoặc lợi nhuận kinh doanh giảm. Nhưng những người không thể tiếp cận hỗ trợ khẩn cấp buộc phải rút tiền tiết kiệm hoặc vay thêm nợ.
Tác động đến nhóm dễ bị tổn thương như người thiểu số, người trẻ, phụ nữ là đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu so với nhóm dễ bị tổn thương thì những người giàu nhất, vốn đã sở hữu lượng lớn chứng khoán và bất động sản, có thể coi như không bị ảnh hưởng bởi kinh tế xuống dốc. Giá chứng khoán sụp đổ trong nửa đầu năm 2020 nhưng đã phục hồi trong 6 tháng sau.
Chủ sở hữu nhà ở hầu hết quốc gia cũng hưởng lợi từ giá bất động sản lên cao. Trung bình, giá nhà toàn cầu tăng 5,6% trong năm 2020, theo chỉ số của công ty bất động sản hàng đầu thế giới Knight Frank. Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng ba năm trở lại.
Ông Anthony Shorrocks, một trong những tác giả báo cáo của Credit Suisse, khẳng định giá tài sản leo thang không phản ánh những thách thức mà hầu hết các quốc giá đối mặt trong đại dịch.
"Có một sự lệch pha giữa những gì đang xảy ra trong nền kinh tế tổng thể và tài sản hộ gia đình. Kinh tế các nước gặp rắc rối nghiêm trọng và cần rất nhiều can thiệp của chính phủ, trong khi đó tài sản hộ gia đình có vẻ vẫn tiếp tục tăng như không có gì xảy ra", tờ The Guardian dẫn lời ông Shorrocks.
Tổng giá trị tài sản của các hộ gia đình tăng 7,4% lên 418.300 tỷ USD trong năm 2020. Mức tăng phần lớn đến từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Dự kiến cho đến năm 2025, tổng tài sản toàn cầu sẽ tăng thêm 39% lên 583.000 tỷ USD, cùng với đó số lượng triệu phú sẽ nhảy vọt 50% lên 84 triệu người.