|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khám phá 4 thói quen mà triệu phú nào cũng có

07:53 | 14/12/2020
Chia sẻ
Những triệu phú tự thân trên thế giới đều có những thói quen tích cực để đạt được thành công và sự giàu có, hầu hết chỉ xoay quanh kiểm soát tài chính.

Tác giả và nhà nghiên cứu Thomas J. Stanley – người đồng thời cũng là một triệu phú, đã phỏng vấn hơn 1.000 triệu phú khi viết cuốn sách "The Millionaire Next Door" và phát hiện ra rằng nhiều người đã xây dựng sự giàu có của riêng mình có một số thói quen chung. 

Ông Stanley đã phỏng vấn và tìm ra những lời khuyên hữu ích dành cho những người muốn nỗ lực làm giàu bằng cách tiết kiệm, đầu tư đơn giản, thậm chí là cách đầu tư lâu dài như dạy cho con cái hiểu về giá trị của tiền bạc.

4 lời khuyên từ các triệu phú cho những ai có khao khát làm giàu

1. Để thành triệu phú, bạn phải tiết kiệm trước khi đầu tư

Một triệu phú mà ông Stanley gọi là Tiến sĩ North đã có những chia sẻ rằng bản thân ông luôn là một người tiết kiệm và ông nhấn mạnh rằng đầu tư có thể chỉ là một hành động thứ yếu. "Khi tôi còn tham gia các chương trình học lên, vợ tôi là người đã dạy tôi về tài chính", ông North nói. 

"Chúng tôi chỉ có một khoản thu nhập nhỏ ... ngay cả khi đó thì chúng tôi cũng luôn tuân thủ quy tắc tiết kiệm, luôn để tiết kiệm. Rõ ràng, bạn sẽ không thể đầu tư khi mà không mà có tiền. Điều đầu tiên cần làm là tiết kiệm", ông chia sẻ thêm.

Dĩ nhiên, đầu tư là một quyết định quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta muốn hướng tới các mục tiêu dài hạn như nghỉ hưu nhưng theo ông North, tiết kiệm thậm chí còn quan trọng hơn và nên được thực hiện trước. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng tiết kiệm phải là nền tảng được xây dựng trước khi đầu tư vì suy cho cùng đầu tư luôn có rủi ro.

2. Khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, hãy tiếp tục tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn

Khám phá 4 thói quen mà triệu phú nào cũng có - Ảnh 1.

Các triệu phú đều có thói quen gia tăng tiết kiệm và đầu tư khi có nhiều tiền hơn. (Ảnh: Getty Image).

Triệu phú North cũng nói với tác giả Stanley về lịch sử tiết kiệm của mình: "Khi tôi 11 tuổi, tôi đã tiết kiệm được 50 USD đầu tiên của mình từ việc làm thêm trong một cửa hàng tạp hóa. Nó cũng giống với sau này, giống như ngày hôm nay dù con số ngày hôm nay có nhiều hơn thế nhưng tất cả đều cùng một qui tắc, cùng một kỉ luật".

Kiếm được nhiều hơn đôi khi có thể đồng nghĩa với việc chi tiêu nhiều hơn nhưng đối với ông North - người đã trở thành triệu phú sau nhiều năm đầu tư, tiết kiệm và sống giản dị, kiếm được nhiều hơn có nghĩa là tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn. 

Nhiều triệu phú khác cũng ủng hộ quan điểm này, để xây dựng và duy trì sự giàu có, phải mất nhiều năm làm việc, đầu tư và tiết kiệm liên tục.

3. Làm giàu có để được đảm bảo về tài chính, không phải để phung phí

Nhận thức của xã hội về việc giàu có hay việc trở thành triệu phú thường bị lệch lạc. Triệu phú W.W. Allan nói với ông Stanley rằng đôi khi, xây dựng sự giàu có với những động cơ sai lầm sẽ khiến nó nằm ngoài tầm với. 

"Nếu mục tiêu của bạn là có tài chính vững chắc để cảm thấy an toàn thì bạn có thể sẽ đạt được nó bằng sự nỗ lực, nhưng nếu điều thúc đẩy bạn là kiếm tiền để chi tiêu xả láng, để phung phí thì bạn có nguy cơ không bao giờ đạt được điều đó", ông nói.

Trở nên an toàn về mặt tài chính là một mục tiêu hữu hạn, trong khi sống xa hoa thì ít hữu hạn hơn. Mặc dù có một số con số để phấn đấu cho các mục tiêu như nghỉ hưu và sở hữu nhà đất, nhưng để giàu có thực sự, để trở thành triệu phú sẽ đòi hỏi ngày càng nhiều tiền hơn khi xu hướng và thời gian thay đổi.

4. Dạy con về tiền, không phải về sự giàu có

Một trong những qui tắc cơ bản mà đa số các triệu phú đều đồng ý là không được để con cái biết rằng gia đình mình giàu có đến mức nào cho tới khi chúng lớn lên. Đó cũng là qui tắc mà triệu phú North đã áp dụng trong gia đình ông suốt nhiều năm. 

Mặc dù vậy, theo ông thì mọi người vẫn nên dạy cho con mình về tiền bạc từ khi chúng còn nhỏ. Cụ thể, "Những đứa trẻ phải được đào tạo để chịu trách nhiệm về hành động của chúng. Ngày nay, tất cả các con tôi đều sống kỉ luật và tiết kiệm. Chúng tuân thủ các qui tắc. Tại sao như vậy? Bởi vì cha mẹ chúng đã làm như vậy", ông nói.

Khi tiến hành nghiên cứu cho cuốn sách, ông Stanley nhận thấy rằng một đứa trẻ càng nhận được nhiều tiền từ gia đình thì chúng càng ít tài sản do bản thân tự xây dựng. Đổi lại, dạy con bạn về giá trị của đồng tiền và sự nỗ lực sẽ giúp chúng tự lập và thành công sau này.

Thu Phương