|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 30 nghị sĩ châu Âu: Không để bị Bắc Kinh dọa nạt, quyết phản đối thỏa thuận đầu tư đến cùng

16:20 | 29/04/2021
Chia sẻ
Hàng chục nhà lập pháp tại Brussels đã chỉ trích nỗ lực của Trung Quốc hòng "bịt miệng" giới phê bình châu Âu thông qua các lệnh trừng phạt và tuyên bố sẽ chặn thỏa thuận đầu tư song phương nếu các lệnh trừng phạt này vẫn còn.

Hôm 28/4, tại cuộc tranh luận ở Nghị viện châu Âu, hơn 30 nhà lập pháp đã lên tiếng tố cáo các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc ban hành vào tháng trước nhắm vào một loạt quan chức dân cử, đại sứ, học giả và chuyên gia châu Âu.

Hàng chục nhà lập pháp này còn cảnh báo Bắc Kinh rằng Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ "bị trì hoãn". Đồng thời, họ còn chỉ trích các quan chức EU đã tuyên bố ưu tiên quan hệ thương mại với Trung Quốc hơn vấn đề nhân quyền.

"Nếu chúng ta muốn chứng tỏ một lần và mãi mãi rằng EU không phải chỉ là một thị trường tiêu thụ mà là một tổ chức có nguyên tắc rõ ràng, chúng ta cần đưa ra hành động hữu hình, hay nói cách khác EU cần phải từ chối thỏa thuận CAI với Trung Quốc", ông Emmanuel Maurel - nghị sĩ người Pháp, nhấn mạnh.

EU không chấp nhận bị Bắc Kinh 'bịt miệng', quyết phản đối thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc đến cùng - Ảnh 1.

Ông Josep Borrell - Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh. (Ảnh: AP).

Khi cuộc tranh luận bắt đầu, ông Josep Borrell - Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh, khẳng định ông "hoàn toàn đồng cảm" với các nghị sĩ bị trừng phạt, nhưng vẫn nhấn mạnh EU cần phải hợp tác với Trung Quốc trên nhiều mặt trận.

"Nếu không có Trung Quốc, chúng ta không thể giải quyết triệt để các thách thức toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, chính biến tại Myanmar và thỏa thuận hạt nhân Iran", ông Borrell lập luận. Trước vị quan chức này, một số nhà lãnh đạo hàng đầu EU như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có bình luận tương tự.

Hầu hết các đảng lớn trong Nghị viện châu Âu đã chính thức tuyên bố sẽ không ủng hộ CAI nếu các lệnh trừng phạt của Trung Quốc còn hiệu lực, SCMP đưa tin.

Ngay cả khi có sự hậu thuận của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) - tổ chức đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu, hiệp định CAI có thể cũng không nhận đủ phiếu tán thành. Đó là còn chưa bàn đến thực tế bản thân Đảng EPP cũng đang bị chia rẽ vì các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh.

Ông Bernd Lange (Đức) - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, nói "rõ ràng" thỏa thuận CAI đang và sẽ bị trì hoãn một thời gian dài. Các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc ký kết hiệp định này vào tháng 12 năm ngoái, nhưng nó vẫn cần Nghị viện châu Âu phê chuẩn, dự kiến là vào đầu năm 2022.

Ngoài ra, CAI cũng cần được Hội đồng châu Âu thông qua. Tuy nhiên, các cuộc trao đổi riêng giữa SCMP và nhiều nhà ngoại giao từ 27 nước thành viên EU cho thấy lãnh đạo các nước này không có dự định thúc đẩy thỏa thuận trong tương lai gần.

"Hiện tại, bất cứ vấn đề gì liên quan đến Trung Quốc đều rất khó đem ra bàn luận ở quê nhà", một nhà ngoại giao châu Âu chia sẻ thêm.

Tháng 3 năm nay, EU đã cùng Mỹ, Anh và Canada tung đòn trừng phạt Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã trừng phạt trả đũa, chủ yếu nhắm vào các quan chức dân cử, giới nghiên cứu, giới học giả và các viện chính sách của EU.

Đặc biệt, Bắc Kinh còn trừng phạt toàn bộ quan chức trong Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu. Động thái này có thể khiến các nhân chứng từ chối hợp tác vì lo sợ bị chính quyền ông Tập Cận Bình trả đũa, Phó Chủ tịch tiểu ban Hannah Neumann cho hay.

"Chính phủ Trung Quốc đã tùy tiện tấn công vào quyền tự do ngôn luận, quyền tự do nghiên cứu và quyền của các thành viên trong Nghị viện châu Âu", bà Neumann (Đức) nhấn mạnh.

"Đối với hiệp định đầu tư mà Trung Quốc muốn EU phê chuẩn, chúng ta nên cân nhắc thấu đáo ý nghĩa kinh tế. Song, chúng ta lại đang bị Trung Quốc ngăn thảo luận tác động nhân quyền của thỏa thuận, và tôi không thể để một đất nước xa lạ kiểm soát cách tôi thực hiện công việc của mình", bà Neumann bày tỏ thêm.

Ông Raphael Glucksmann (Pháp), một trong các nghị sĩ bị Trung Quốc trừng phạt, cũng đưa ra bình luận thẳng thừng nhắm vào chính quyền Bắc Kinh.

"Chúng ta sẽ tự do hay không là gì cả? Chúng ta sẽ trở thành một liên minh độc lập, hoặc trở thành một tấm thảm chùi chân để Trung Quốc giẫm đạp chỉ vì họ có một túi tiền to?", ông Glucksmann lên tiếng.

Trong khi đó, ông Antonio López-Istúriz White (Tây Ban Nha) - Tổng thư ký Đảng EPP, khẳng định đảng này sẽ không "cho phép những lệnh trừng phạt vô căn cứ của Bắc Kinh bịt miệng".

Khả Nhân