Hoa Sen: Lãi sau thuế sụt 84% so với cùng kỳ, doanh thu và lợi nhuận gộp cùng đi xuống
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) vừa cho biết doanh thu thuần trong quý III niên độ tài chính 2022 (tức quý II theo năm dương dịch, từ 1/4 đến 30/6) đạt 12.177 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, giá vốn hàng bán lại tăng 6% lên 10.582 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp của tập đoàn giảm 46%, tương đương giảm 1.359 tỷ, còn 1.595 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính cũng tụt dốc 71% còn 44 tỷ đồng do không còn khoản lãi lớn từ hoạt động đầu tư như cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính tăng thêm gần 68 tỷ, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá. Các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng cao hơn trước.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen quý vừa qua giảm 84% so với cùng kỳ 2021, còn 265 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp và biên lãi thuần đạt lần lượt 13,1% và 2,2%. Biểu đồ bên dưới cho thấy biên lợi nhuận thuần của Hoa Sen kỳ này nhỉnh hơn quý trước nhưng kém xa cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ (từ tháng 10/2021 đến hết tháng 6/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần tăng 27% lên 41.772 tỷ và lãi sau thuế giảm 66% còn 1.138 tỷ.
Cả niên độ 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022), Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu 46.399 tỷ, lãi sau thuế trong khoảng 1.500 – 2.500 tỷ. Các con số này đều thấp hơn mức thực hiện trong niên độ trước, cụ thể là 48.727 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.313 tỷ đồng lãi sau thuế.
Sau 9 tháng đầu niên độ 2022, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ đã thực hiện 90% kế hoạch doanh thu và khoảng 46 – 76% kế hoạch lợi nhuận.
Sản phẩm chủ lực của Hoa Sen là tôn mạ, ngoài ra tập đoàn còn sản xuất ống thép và ống nhựa. Trong khoảng hai năm gần đây, tập đoàn đẩy mạnh mảng phân phối vật liệu xây dựng và nội thất thông qua việc mở mới hàng trăm siêu thị Hoa Sen Home.
Xu hướng chung của ngành thép
Hoa Sen không phải là doanh nghiệp ngành thép duy nhất có kết quả kinh doanh sa sút trong quý vừa qua.
- TIN LIÊN QUAN
-
Hòa Phát lãi 4.023 tỷ trong quý II, giảm quá nửa so với cùng kỳ 26/07/2022 - 10:26
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) - nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với sản lượng 8 triệu tấn/năm – cũng mới cho biết lợi nhuận sau thuế quý II chỉ đạt 4.023 tỷ đồng, giảm gần 59% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ quý III/2020.
Lợi nhuận của Thép Nam Kim (Mã: NKG) cũng lao dốc 76% còn 201 tỷ đồng. Lãi sau thuế của Gang thép Cao Bằng (Mã: CBI) và Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) giảm lần lượt 88% và 92%.
Thép Mê Lin (Mã: MEL) và Thép Tiến Lên (Mã: TLH) cũng báo lãi đi xuống tương ứng 93% và 85%. Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN) và Thép Thủ Đức (Mã: TDS) thậm chí còn báo lỗ.
Nguyên nhân mà các doanh nghiệp này đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào và giá vốn hàng tồn kho cao, trong khi giá bán có xu hướng giảm trong nửa cuối quý II. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng vọt vì lãi suất lên cao cũng tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp thép.
Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), Hoa Sen tiêu thụ 98.700 tấn tôn mạ trong tháng 6 vừa qua, giảm 36% so với cùng kỳ 2021 và thấp hơn 2% so với tháng liền trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ đã bán ra gần 710.000 tấn tôn mạ, giảm 24% so với nửa đầu năm ngoái. Hoa Sen vẫn dẫn trước các doanh nghiệp tôn khác nhưng thị phần đã tụt xuống dưới 30%, thấp hơn nhiều so với mức cả năm 2021.
Ở thị trường ống thép, Hoa Sen tiêu thụ hơn 168.400 tấn, giảm 36,6% so với nửa đầu năm 2021. Thị phần của Hoa Sen tiếp tục đứng thứ 2 toàn ngành, chỉ sau Tập đoàn Hòa Phát, nhưng đã giảm mạnh từ mức 15,5% của năm ngoái xuống còn 12,9% trong nửa đầu 2022.