Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)
Thông tin cơ bản về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ
Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement; viết tắt là NAFTA) là Hiệp định Thương mại tự do giữa ba nước Canada, Mỹ và Mexico, kí kết ngày 12/8/1992 và hiệu lực từ ngày 1/1/1994.
Nội dung của hiệp định này nhằm giúp cho kinh tế của ba nước Mỹ, Canada và Mexico được trao đổi dễ dàng. Cụ thể là việc Mỹ và Canada có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ sang Mexico và Mexico cũng dễ dàng chuyển giao nguồn nhân lực sang hai nước kia. Ngoài ra, hiệp định này còn giúp cho ba nước có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới về kinh tế với các khối như EU, AFTA,...
Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ giữa Mỹ, Canada và Mexico đã lộ những vết rạn nứt nghiêm trọng, do những bất cập và sự lỗi thời khi nền kinh tế thế giới đang vận động không tuân theo những toan tính chủ quan.
Nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi từ những năm 1990. NAFTA không đề cập tới những lĩnh vực công nghiệp lớn vốn chưa tồn tại, hoặc có thì cũng rất mờ nhạt khi thỏa thuận này được đàm phán trước đây, ví dụ lĩnh vực thương mại điện tử. Hiệp định cũng không có tác động gì nhiều đối với tiêu chuẩn môi trường hoặc lao động. Bởi vậy, các chính trị gia kêu gọi cải tiến NAFTA trong nhiều năm qua.
Năm 2008, Cựu Tổng thống Barack Obama cũng vận động tranh cử với lời hứa tái đàm phán NAFTA. Cuối cùng, ông thực hiện điều đó dưới một thỏa thuận khác, đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP lúc đó bao gồm 12 nước thành viên, trong đó có cả ba nước thành viên NAFTA, đồng thời nội dung của thỏa thuận đó chứa đựng những vấn đề mới như hiện đại hóa các qui định thương mại (có một chương dành cho thương mại điện tử) và nâng cao tiêu chuẩn lao động, môi trường.
Trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cho rằng, NAFTA là một trong những hiệp định thương mại tệ nhất trong lịch sử, là nguyên nhân lấy đi hàng triệu việc làm của người lao động nước Mỹ, khi cho phép hai nước thành viên láng giềng hưởng nhiều lợi thế.
Một trong những việc làm đầu tiên của ông Trump khi nhậm chức là rút khỏi TPP. Tệ hơn, Tổng thống Trump sau đó còn áp dụng hàng rào thuế quan với cả những đồng minh của Mỹ ở Bắc Mỹ. Điều này đã gây thiệt hại cho Canada, Mexico cũng như các tập đoàn của Mỹ.
Sau khi ông Trump đe dọa 'xé bỏ' NAFTA hồi năm 2016, ba nước thành viên đã khởi động đàm phán lại Hiệp định vào tháng 8/2017 và được công bố vào cuối tháng 8/2018. Ngày 30/9/2018, Mỹ và Canada chính thức đồng ý thay thế NAFTA bằng thỏa thuận mới và Hiệp định USMCA đã hoàn tất sau đó nhiều tuần.
Vào ngày 29/1/2020, Tổng thống Trump đã kí ban hành thành luật Hiệp định thương mại USMCA. Hiện USMCA cần được Toàn quyền Canada Julie Payette phê chuẩn để có hiệu lực, đây sẽ là bước cuối cùng để đưa hiệp định vào thực thi.
Nhiều lỗ hổng trong qui định của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ
1. NAFTA có hiệu lực từ khi thương mại điện tử trong thương mại quốc tế chưa được coi trọng như hiện nay. Trong khi đó, Mỹ đã bổ sung thêm các điều khoản ngày càng phức tạp hơn về thương mại điện tử vào các hiệp định thương mại tự do khác, đỉnh cao là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Trump tuyên bố từ bỏ ngay sau khi nhậm chức.
2. Trong vài thập kỉ triển khai thực hiện Thương mại tự do Bắc Mỹ, một số sai sót đã bộc lộ rõ. Ví dụ, điều khoản tranh chấp cốt lõi (Chương 20) đã không hoạt động. Điều khoản này cho phép các chính phủ có quyền khiếu nại khi họ tin rằng các chính phủ đối tác đã vi phạm các qui định.
Điều khoản bảo vệ các chính phủ đôi khi có thể ngăn cản việc khiếu kiện chống lại họ, như trường hợp đơn khiếu nại của Mexico hồi năm 2000 nhằm chống lại các hàng rào thuế quan của Mỹ đối với mặt hàng đường ăn, đã không bao giờ được trình lên ủy ban giải quyết tranh chấp, do Mỹ cố tình ngăn chặn tiến trình này.
Hai điều khoản tranh chấp chuyên ngành khác liên quan đến các qui định về đầu tư (Chương 11) và xem xét thuế chống bán phá giá (Chương 19), đã làm dấy lên những lo ngại về vai trò thực sự của các tòa án quốc tế và sự cân bằng giữa quyền lực quốc gia và quốc tế.
3. NAFTA đã loại bỏ thuế quan đối với hầu hết các loại hàng hóa, nhưng vẫn có một vài ngoại lệ. Chẳng hạn, các thị trường dịch vụ như viễn thông và phát thanh truyền hình vốn không có mặt trong NAFTA, nay được xem xét mở rộng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/