|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hậu COVID-19: Kinh tế Trung Quốc có thể đứng vững dù ngày càng bị thế giới ghét bỏ?

16:56 | 29/04/2020
Chia sẻ
Các chuyên gia tại Bắc Kinh đang ngày càng nhất trí rằng đại dịch COVID-19 sẽ khiến thế giới trở nên thù địch với Trung Quốc hơn, từ đó phá hoại môi trường quốc tế đã giúp đất nước tỉ dân vươn mình trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu. Dù vậy, một số chuyên gia nhận định với lợi thế cạnh tranh vững chắc, Trung Quốc có thể không còn lo sợ phương Tây.
Hậu đại dịch COVID-19: Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc quá lớn mạnh, thế giới khó có thể phớt lờ? - Ảnh 1.

Các nhà hoạch định chính sách lo lắng Trung Quốc có thể bị phương Tây cô lập vì xử lí đại dịch yếu kém. (Ảnh minh họa: Lau Ka-kuen/SCMP)

Theo South China Morning Post (SCMP), đại dịch COVID-19 khiến nhiều người dân Trung Quốc đặt câu hỏi rằng nước này có thể tiếp tục phát triển như thế nào trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh xử lí dịch bệnh yếu kém và che đậy thông tin.

Các nhà nghiên cứu và phân tích Trung Quốc nhận định, một trong những thách thức cấp bách nhất mà chính quyền Bắc Kinh sẽ phải đối mặt là sự đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi thị trường tỉ dân.

Quá trình trên có thể ảnh hưởng đến thị trường việc làm của Trung Quốc trong ngắn hạn và làm suy yếu vai trò của nước này trong nền kinh tế toàn cầu trong dài hạn.

Dù nền chính trị và ý thức hệ của Trung Quốc mâu thuẫn với các nước phương Tây, chính quyền Bắc Kinh vẫn quyết tâm đứng vững trên thị trường thế giới.

Liệu Trung Quốc có thể duy trì vị thế hiện có trong nền kinh tế toàn cầu hay cuối cùng sẽ bị cô lập khi đại dịch được kiểm soát sẽ là một trong những câu hỏi đáng chú ý nhất hậu khủng hoảng y tế.

Trong một bài phát biểu đầu tháng 4, ông Huang Qifan - cựu Thị trưởng thành phố Trùng Khánh, cho biết chuỗi giá trị toàn cầu - thường phân bố theo chiều ngang, đang đứng trước một cuộc đại tu vì dịch COVID-19 đã làm lộ ra điểm yếu của chuỗi.

Ông Huang nhận định, chuỗi giá trị trong tương lai có thể sẽ được thay thế bằng hệ thống tích hợp theo chiều dọc ở một số khu vực nhất định.

Hệ thống sản xuất trong tương lai sẽ được tạo thành bởi "các căn cứ sản xuất", hay khu vực có bán kính 50 - 200km, tập trung 70% bộ phận cốt lõi và các bán thành phẩm, ông Huang diễn giải.

Dễ dàng tiếp cận mạng lưới giao thông vận tải toàn cầu và nằm trong các môi trường kinh doanh thuận lợi, những cơ sở sản xuất nêu trên sẽ là tương lai, cựu Thị trưởng thành phố Trùng Khánh nhấn mạnh.

Trung Quốc, với cơ sở hạ tầng và năng lực công nghiệp tiên tiến, có thể nâng cao vai trò của nước này trong nền kinh tế toàn cầu miễn là chính quyền Bắc Kinh có thể chứng minh họ chân thành trong việc mở cửa đất nước với thế giới bên ngoài, SCMP dẫn lời ông Huang nói.

"Đại dịch đã làm lộ ra các liên kết yếu trong mô hình toàn cầu hóa cũ. Trung Quốc và các quốc gia khác phải tư duy và điều chỉnh lại bức tranh công nghiệp toàn cầu", vị cựu thị trưởng nói thêm.

"Tuy nhiên, việc điều chỉnh này không phải là phủ định sạch trơn vai trò của toàn cầu hóa. Làm như vậy tức là tự bắn vào chân mình. Đường lối đúng đắn nhất chính là tiếp tục mở cửa, chứ không phải quay ngoắt 180 độ", ông Huang nói tiếp.

Có sức mạnh kinh tế vượt trội, Trung Quốc không còn lo sợ doanh nghiệp phương Tây rời đi?

Theo SCMP, quan điểm của ông Huang Qifan phù hợp với cam kết của Bắc Kinh về việc Trung Quốc sẽ duy trì môi trường kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư và mở cửa thị trường hơn nữa với doanh nghiệp nước ngoài.

Chẳng hạn, Samsung đã nhận được chấp thuận đặc biệt của chính quyền địa phương để cử 200 công nhân đến Tây An (thủ phủ tỉnh Thiểm Tây) nhằm hoàn thành việc mở rộng nhà máy sản xuất chip tại đó.

Mặc dù việc Trung Quốc có nguy cơ bị tách rời và cô lập đang là tiêu đề của nhiều bài báo, đất nước tỉ dân vẫn là nhà sản xuất, đồng thời là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - một thứ mà các công ty đa quốc gia khó lòng phớt lờ.

Tesla đã có tháng kinh doanh thuận lợi nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc vào tháng 3. Doanh số xe điện của hãng này đạt hơn 12.000 chiếc - tăng 450% so với cùng kì năm ngoái dù doanh số bán xe nói chung của Trung Quốc giảm 40%.

"Tỉ phú Elon Musk đã nhảy múa trước mặt nhiều người khi mẫu xe Model 3 đầu tiên được xuất xưởng tại Trung Quốc trong năm nay. Bạn có thể thấy anh ta vui mừng đến mức nào", SCMP dẫn lời ông Chen Fengying - cựu Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới trực thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho hay.

"Trung Quốc vẫn là một thị trường khó có thể phớt lờ", ông Chen nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu trên cho rằng đại dịch COVID-19 có thể đẩy nhanh quá trình hình thành các khối kinh tế khu vực mà nhiều khả năng là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á.

"Trung Quốc sẽ là trung tâm lực hút của khu vực Đông Á nhờ vào hệ thống công nghiệp và qui mô thị trường khổng lồ", ông Chen nói.

Trung Quốc có khả năng liên kết Nhật Bản và Hàn Quốc ở phía bắc, bên cạnh Đông Nam Á ở phía nam, ông này nói thêm.

Sự thay đổi đã được phản ánh trong các mối quan hệ thương mại của Trung Quốc. Trong quí I năm nay, khối ASEAN đã thay thế Liên minh châu Âu (EU), trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Ding Yifan của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng nhà nước Trung Quốc cho biết sức mạnh công nghiệp của đất nước tỉ dân thực sự quá lớn, khó mà bị đánh bại.

Trung Quốc đã chứng minh năng lực cạnh tranh quốc tế trong "hầu hết mọi lĩnh vực công nghiệp", từ thiết bị viễn thông đến đường sắt cao tốc. Năng lực này vẫn được duy trì trong đại dịch.

"Những ngày đầu phát triển kinh tế của Trung Quốc quả thực phụ thuộc rất nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài, và mỗi khi phương Tây tính chuyện rời đi, Trung Quốc thực sự rất lo lắng", ông Ding nói. "Dù vậy, trên thực tế, chuyện này chẳng còn đáng lo ngại nữa. Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống công nghiệp riêng".

Chủ tịch Tập Cận bình đã đặt mục tiêu "bảo vệ chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ổn định" là một trong 6 ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh kinh tế suy yếu vì dịch bệnh, cho thấy quyết tâm của ông Tập trong việc duy trì vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới.

Khả Nhân