|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình từ 'vua không ngai' thành con nợ khổng lồ của một tập đoàn dầu mỏ (Phần 1)

17:09 | 08/05/2020
Chia sẻ
Bỏ lỡ cơ hội vàng với khai thác dầu từ đá phiến, chi quá nhiều tiền cho các dự án để rồi nợ tới 50 tỉ USD, tập đoàn Exxon Mobil từng bước rời khỏi vị trí độc tôn trong ngành để trượt dài vào nợ nần.

Darren Woods, tổng giám đốc tập đoàn Exxon Mobil, tỏ ra vui vẻ khi ông thảo luận với các nhà phân tích trong một buổi hội thảo trực tuyến hôm 31/1 về kết quả kinh doanh tệ của tập đoàn trong năm 2019. Khi đó, COVID-19 vẫn chưa vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, nhưng Darren đã chuẩn bị nói vài từ về nó nếu ai đó hỏi. Nhưng không ai đặt câu hỏi, theo Bloomberg.

COVID-19 chỉ là giọt nước tràn li

Về tình trạng lợi nhuận giảm và giá cổ phiếu lao dốc, Darren trấn an mọi người rằng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

"Chúng tôi biết nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tiếp tục tăng do dân số tăng, kinh tế tăng trưởng, tiêu chuẩn sống cao hơn", Darren phát biểu. 

Sau đó, ông mô tả kế hoạch chi tiêu 30 tỉ USD của Exxon Mobil vào hoạt động thăm dò dầu mỏ và những dự án khác trong năm 2020.

"Mặc dù Exxon Mobil mong giá dầu và biên lợi nhuận tăng, chúng tôi không muốn lãng phí cơ hội mà giá dầu thấp mang lại", ông khẳng định.

Vài tuần tiếp theo, COVID-19 nhấn chìm ngành dầu mỏ và cuộc chiến giá giữa Saudi Arabia và Nga khiến giá dầu giảm trên toàn cầu. Giới đầu tư kinh ngạc khi thấy giá dầu lao xuống 22,74 USD/thùng vào cuối tháng 3 - mức giá thấp nhất trong 18 năm. 

Hành trình từ 'vua không ngai' thành con nợ khổng lồ của một tập đoàn dầu mỏ (Phần 1) - Ảnh 1.

Dịch viêm phổi cấp COVID-19 đang phơi bày những sai lầm của Exxon Mobil trong một thập kỉ qua. Ảnh: Asian Times

Thỏa thuận giảm sản lượng giữa các nước vẫn không thể ngăn đà trượt của giá dầu, và ngày 20/4, giá dầu giao sau đã giảm xuống mức âm, nghĩa là người mua nhận tiền để lấy dầu.

Ảnh hưởng của tình trạng giá dầu lao dốc đối với các nhà sản xuất, khai thác dầu mỏ - cả lớn và nhỏ - đều rất nặng nề.

"Chúng ta đang thấy hàng loạt tử huyệt của giới doanh nghiệp sản xuất và khai thác dầu mỏ. COVID-19 đã tạo ra một bối cảnh mà không ai có thể tưởng tượng", Kenneth Medlock III, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng thuộc Đại học Rice (Mỹ), bình luận.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Có lẽ không doanh nghiệp nào choáng váng bởi sự lao dốc của giá dầu như Exxon Mobil, nhà sản xuất dầu mỏ có giá trị vốn hóa lớn nhất phương Tây. Là "gã khổng lồ" trong ngành dầu mỏ, Exxon Mobil đã tạo ra nhiều tiêu chuẩn không chỉ với chính họ mà còn với cả các đối thủ. 

Dịch COVID-19 không phải là thủ phạm chính đẩy Exxon Mobil vào cơn bĩ cực. Nguyên nhân chính xuất phát từ bản thân Exxon Mobil.

Thực ra COVID-19 chỉ phơi bày những sai lầm của Exxon Mobil trong một thập kỉ qua. Tập đoàn đã bỏ lỡ thời hoàng kim của dầu đá phiến. Cuộc phiêu lưu của Exxon Mobil trong những mỏ dầu cát ở Canada đã "đốt" vài tỉ USD mà không thu lại kết quả lớn nào.

Căng thẳng chính trị Nga-Mỹ đã khiến một thỏa thuận lớn giữa Exxon Mobil với Nga lâm vào tình trạng bế tắc. Exxon Mobil chi quá nhiều tiền cho các dự án nên họ phải vay tiền để trả cổ tức. Trong vòng 10 năm, giá cổ phiếu của tập đoàn đã giảm 10,8%. Phần lớn đối thủ của tập đoàn có các chỉ số tài chính cao hơn, và chỉ số S&P 500 tăng tới 200%.

Những yếu tố quan trọng nhất trong ngành dầu mỏ là sản lượng, chi phí sản xuất và khả năng nắm các nguồn lực cho tương lai. Exxon Mobil sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương mức sản lượng 10 năm trước, dù họ nhiều lần cam kết nâng sản lượng. 

Trong khi đó, nợ của tập đoàn tăng từ mức gần 0 lên tới 50 tỉ USD, và lợi nhuận năm ngoái chỉ đạt khoảng hơn 50% so với một thập kỉ trước. Từng là "vị vua bất khả xâm phạm ở Phố Wall", ngày nay Exxon Mobil có giá trị vốn hóa thấp hơn cả chuỗi siêu thị Home Depot, dù doanh thu của Home Depot chỉ bằng gần một nửa doanh thu của Exxon Mobil.

Cửu Dương

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.