GWEC: Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi mới của châu Á
Tại hội thảo "Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương thông tin dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra yêu cầu "ưu tiên phát triển những nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới".
Tỷ lệ điện năng mặt trời chiếm khoảng 5,4-5,9% vào năm 2030, năm 2045 tăng lên đạt tỷ lệ 8,4%.
Đối với điện gió trên bờ và gần bờ, năm 2030, tỷ lệ điện năng gió trên bờ và gần bờ chiếm khoảng 6,5%; về điện gió ngoài khơi, đạt khoảng 2.000 MW hoặc có thể cao hơn khi điều kiện thuận lợi vào năm 2030.
Đối với điện từ chất thải rắn, sinh khối và các dạng năng lượng tái tạo khác, phấn đấu đến năm 2030, điện năng sản xuất từ các nguồn này đạt khoảng 0,9-1%, tăng lên 2,2-2,5% vào năm 2045.
Những con số trên cho thấy công suất nguồn và tỷ lệ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Đồng thời, chi phí điện quy dẫn (LCOE) của các dự án điện năng lượng tái tạo trong thời gian tới có thể thấp hơn các dự án điện sử dụng các dạng năng lượng truyền thống khi tính đủ các chi phí ngoại biên.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, việc phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới là xu thế tất yếu, giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (GWEC) cho biết Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi mới ở trong khu vực châu Á, theo những định hướng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines.
"Chi phí đầu tư cho điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên toàn cầu giai đoạn 2013-2020. Chi phí này sẽ giảm thêm 30% trong vòng 5 năm tới.
Cần có những chính sách hỗ trợ cho ngành điện gió giảm giá thành sản xuất và tăng tính cạnh tranh", ông Mark Hutchinson nói.
Việc phát triển điện điện gió ngoài khơi sẽ giúp giảm hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, giảm nhập khẩu than và gas. Từ đó, hướng tới mục tiêu mức phát thải carbon bằng không vào năm 2050 trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại diện GWEC đề xuất Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cơ chế giá cố định cho các dự án điện gió ngoài khơi với công suất 4-5 GW trước khi chuyển sang cơ chế đấu thầu.
Trường hợp chuyển đổi sang hình thức đấu giá cần cân đối thời gian để các dự án cho đủ thời gian thực hiện mua bán điện PPA và huy động nguồn vốn.
Cơ chế đấu giá phải có đủ quy mô vừa đủ (2 - 3 GW). Các nhà đầu tư sẽ nắm bắt được các dự án và chuẩn bị nhập khẩu trang thiết bị, đào tạo nhân viên.
Ngoài ra, Việt Nam cần nghiên cứu về lưới điện, cấp phép, quy hoạch không gian biển cũng như nghiên cứu chi tiết về khung đấu giá.
GWEC lưu ý khi Việt Nam có những thay đổi lớn về chính sách, cần thông báo trước tối thiểu hai năm để việc tham vấn đảm bảo tính minh bạch.