Chủ đầu tư điện gió khủng hoảng vì vốn đầu tư nghìn tỷ sắp tiêu tan
Gần về đích thì hết giờ ưu đãi, doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản
Ngày 31/10 vừa qua, cuộc đua điện gió đã đến hồi kết. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong số 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, chỉ có 84 dự án với tổng công suất hơn 3.980 MW kịp vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11.
62 dự án còn lại với tổng công suất trên 3.479 MW không kịp vận hành thương mại trước khi cơ chế giá ưu đãi cố định (giá FIT) hết hạn.
Điều đó đồng nghĩa, 62 dự án trên không được hưởng giá bán điện ưu đãi là 8,5 cent/kWh (1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi trong thời gian 20 năm (Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện gió ban hành ngày 10/9/2018).
Nhiều chủ đầu tư đang đối mặt với thua lỗ vì vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng có nguy cơ bay theo gió.
Vẫn biết rằng là nhà đầu tư thì phải chấp nhận nguyên tắc lời ăn lỗ chịu, song không ai có thể lường trước được những tác động khủng khiếp mà đại dịch COVID-19 gây ra.
"Chúng tôi đã cố gắng để vận hành thương mại đến phút cuối cùng nhưng rồi vẫn bất thành.
Đầu tư vào dự án cả nghìn tỷ đồng, giờ tiền nằm chết ở đó. Các nhà đầu tư điện gió chân chính đối mặt nguy cơ phá sản nếu không được Chính phủ ban hành chính sách cấp cứu kịp thời", ông Hoàng Giang, Tổng Giám đốc Điện gió Sunpro Bến Tre chia sẻ với người viết.
Cụ thể, dự án điện gió của doanh nghiệp trên có tổng vốn đầu tư lên tới 56 triệu USD (tương đương 1.270 tỷ đồng).
"Dù rất cố gắng nhưng chúng tôi mới chỉ hoàn thành 75% tiến độ. Nếu không có dịch COVID-19 thì dự án đã có thể vận hành thương mại đúng hẹn", ông Giang nói.
Đại diện điện gió Sunpro Bến Tre nêu ra hàng loạt khó khăn mà COVID-19 tác động tới dự án như hoạt động của công trường bị gián đoạn, thực hiện giãn cách xã hội nên chuyên gia, công nhân ra vào nhà máy khó khăn; mua bán và vận chuyển vật tư cũng tắc đường.
"Bản thân giám đốc không thể xuống công trường hoặc gặp người dân để thương lượng giải phóng mặt bằng", ông Giang chia sẻ.
Vị này tính toán dự án mất ít nhất 5 tháng gián đoạn vì COVID-19. Chưa kể cũng vì dịch bệnh mà còn nhiều yếu tố khác phát sinh như thu xếp vốn gặp khó do ngân hàng chậm hoặc ngừng giải ngân. "Chúng tôi chết mòn từ đó", ông Giang nói.
Dự án đang vào giai đoạn về đích gặp những cú ngáng đường khiến nhà đầu tư "chơi vơi giữa biển".
Ông Giang cho rằng nếu Chính phủ, Bộ Công Thương không gia hạn thêm thời gian vận hành thương mại, không "cấp cứu kịp thời" thì con đường đến với thua lỗ, phá sản của nhà máy điện gió đang rất gần; nhất là khi cơ chế, cách thức đấu thầu vẫn chưa được Bộ Công Thương công bố.
"Chúng tôi đã đổ rất nhiều vốn vào dự án này, chỉ một thời gian ngắn nữa là có thể vận hành thương mại. Nếu không có cơ chế rõ ràng, đồng nghĩa với việc nguồn điện không có đầu ra, doanh nghiệp không có nguồn tiền để trả nợ", ông Giang cho biết.
Thậm chí, ngay cả khi EVN đồng ý mua điện nhưng giảm giá 12% thì doanh nghiệp cũng mất trắng lợi nhuận, cầm chắc phần lỗ. Ông Giang nhìn nhận, câu chuyện dự án điện gió của mình cũng là vấn đề chung của 50 dự án "làm thật", không phải vẽ ra để trục lợi.
Trông người mà ngẫm đến ta
Theo ước tính của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000 MW điện gió tương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư.
Trong đó, hơn 6,5 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió.
Ông Mark Hutchinson, Trưởng nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC cho biết: "Nếu những dự án điện gió này đổ bể, thị trường điện gió ở Việt Nam có thể bị giáng một đòn mạnh và sẽ mất nhiều năm để phục hồi".
Khi cả thế giới đang dốc lực trong cuộc đua phát triển điện gió thì COVID-19 ập đến và làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều dự án khó về đích đúng hẹn.
Trước tình thế trên, các nước trên thế giới cũng có những chính sách "giải cứu" doanh nghiệp và chủ đầu tư điện gió.
Tại cường quốc điện gió Đức, vào tháng 5/2020, Chính phủ nước này thông qua Đạo luật Bảo vệ Quy hoạch, theo đó các dự án năng lượng tái tạo có hạn COD trước hoặc vào ngày 30/6/2020 được hưởng gia hạn thêm 6 tháng.
Chính quyền nước này còn cho phép doanh nghiệp, chủ đầu tư triển khai trực tuyến các thủ tục quy hoạch, cấp phép...
Cụ thể, đầu năm 2020, Hiệp hội Năng lượng gió Mỹ thống kê dịch COVID-19 có thể gây ảnh hưởng đến số vốn đầu tư lên tới 35 tỷ USD và có khả năng đẩy 25GW điện gió vào thế rủi ro.
Cùng vào tháng 5/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành hướng dẫn kéo dài thời hạn hưởng tín dụng thuế cho các dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời.
Những dự án điện gió trên bờ khởi công năm 2016 và 2017 sẽ có 5 năm, thay vì 4 năm như trước, để hoàn thành dự án và nhận ưu đãi từ chính sách tín dụng thuế sản xuất (PTC).
Có thể thấy, cùng gánh chung "quả tạ" COVID-19 nhưng nhiều nhà đầu tư trên thế giới được giải cứu kịp thời, trong khi nhà đầu tư của Việt Nam lại trong tình cảnh ở ngã ba đường, tương lai không biết ra sao.
Kiến nghị gia hạn giá FIT thêm 3-6 tháng
Trong khi các nhà đầu tư đang chơi vơi giữa biển, giải pháp gia hạn giá FIT thêm 3 - 6 tháng được ví như cây gậy cứu người chết đuối.
Chia sẻ về điều này, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết: "Hiện, Bình Thuận có 3 dự án điện gió với tổng công suất gần 100 MW không kịp vận hành thương mại.
Các nhà đầu tư đã đổ vào dự án rất nhiều tiền bạc, nếu không được hưởng giá FIT sẽ rất khó có thể vực dậy.
"Hiệp hội và tỉnh đã đề xuất gia hạn thời gian vận hành COD hoặc giảm giá FIT một chút nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương.
Một khi Bộ Công Thương chưa ban hành cơ chế đấu thầu thì chưa phát điện được, không bán được thì không có doanh thu, không thể trả nợ ngân hàng...", ông Thịnh nói.
Lường trước kịch bản bi đát này, vào tháng 7, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA) kiến nghị đến Thủ tướng, Bộ Công Thương, EVN xem xét gia hạn thêm 3 – 6 tháng cho các dự án điện gió chậm tiến độ.
"COVID-19 là lý do khách quan. Việc gia hạn thêm 3 – 6 tháng cho các chủ đầu tư sẽ hợp tình hợp lý và đảm bảo tính công bằng để những dự án làm thật có thời gian cố gắng", ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch VCEA chia sẻ.
Đồng thời, động thái này cũng sẽ giúp Việt Nam thể hiện quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Đồng thời, UBND các tỉnh Quảng Trị, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau... đã đều có tờ trình gửi Thủ tướng xin gia hạn cho các nhà máy điện gió từ 4-6 tháng do dịch COVID-19 ảnh hưởng quá nặng.
Trong khi đó, chia sẻ với người viết, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng để công bằng với các nhà đầu tư do yếu tố khó khăn bởi dịch COVID-19, Bộ Công Thương cần có rà soát rõ ràng, xem xét mức độ hoàn thiện của dự án để cho hưởng giá ưu đãi.
Còn với những dự án chưa mua tuabin gió, mới chỉ san lấp mặt bằng thì sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu.
Thực tế, có nên gia hạn giá FIT sau ngày 31/10 là câu hỏi rất khó, vì điều này cũng ảnh hưởng tới nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu không có chính sách hợp tình, hợp lý thì nhà đầu tư chân chính sẽ mất niềm tin.
"Bộ Công Thương cần phải làm việc, đi kiểm tra thực tế tình hình hoàn thiện của các dự án để có đánh giá khách quan, hỗ trợ nhà đầu tư", ông Sơn khuyến nghị.
Về phương án xử lý với 62 án điện gió "chậm chân" trong cuộc chạy đua hưởng giá FIT, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: "Không có chuyện Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng gia hạn cơ chế giá FIT cho điện gió hay nói rõ hơn là sẽ không có cơ chế giá FIT cho những dự án điện gió vận hành sau ngày 31/10".
Bộ Công Thương sẽ xem xét trên nguyên tắc chi phí vốn đầu tư, vận hành để trong quá trình thương thảo giá với bên mua điện, xác định một mức giá mua điện hợp lý.
Dự kiến, các dự án này sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu (chủ đầu tư hoặc bên mời thầu lựa chọn được một nhà thầu đáp ứng các yêu cầu theo quy định).
Song đấu thầu thế nào, quy trình và các bước cụ thể ra sao để được huy động phát điện thì đến nay Bộ Công Thương chưa có phương án đưa ra để nhà đầu tư nghiên cứu.