|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Grab đào sâu dịch vụ tài chính để cải thiện lợi nhuận trước IPO

19:01 | 02/07/2019
Chia sẻ
Grab sẽ tận dụng những cơ hội mới mở ra để mở rộng phạm vi hoạt động của mình trong lĩnh vực tài chính.

Grab tận dụng cơ hội mở ra trong dịch vụ tài chính

grab1

Từ khi ra mắt năm 2012, Grab đang ngày càng đa dạng hoá phạm vi hoạt động của mình trong mong muốn trở thành siêu ứng dụng. (Ảnh: Bloomberg)

Grab đang mở rộng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và có thể đang cân nhắc xin giấy phép hoạt động ngân hàng tại Singapore trong nỗ lực cải thiện lợi nhuận trước mục tiêu IPO.

Reuben Lai, người đứng đầu Grab Financial Group, chia sẻ với Nikkei Asian Review rằng Grab đang muốn tận dụng cơ hội vừa được giới chức nước này mở ra khi lên kế hoạch cấp giấy phép ngân hàng số như một biện pháp để thay đổi lĩnh vực tài chính.

"Chúng tôi đang nghiên cứu các yêu cầu cấp phép ngân hàng số kĩ càng, đồng thời giữ một quan điểm cởi mở về cách theo đuổi nó tốt nhất, bao gồm cả việc tìm kiếm một đối tác phù hợp," Lai viết trong một thông cáo báo chí.

Trước đó, quyết định của Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) sẽ phát hành tới 5 giấy phép ngân hàng số trong một vài tuần tới đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp phi ngân hàng như Grab được cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm cả nghiệp vụ tiền gửi và cho vay.

Tối đa hai giấy phép trong số này có thể đượ cung cấp dịch vụ ngân hàng hoàn chỉnh, theo Nikkei Asian Review.

Chính phủ Singapore kì vọng ngân hàng điện tử có thể cung cấp dịch vụ tới khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ ở thời điểm hiện tại chưa được phục vụ bởi các định chế tài chính truyền thống nhờ cắt giảm được chi phí hoạt động. Động thái này cũng tạo ra cạnh tranh giữa với các ngân hàng lớn trong việc giữ chân khách hàng và tạo ra lợi ích cho người dùng cuối.

Tuần trước, Grab vừa nhận được khoản đầu tư 300 triệu USD từ công ty đầu tư Mỹ Invesco. Thời điểm đó, Chủ tịch Grab Ming Maa nói rằng công ty này "sẽ tiếp tục tập trung cao độ vào mở rộng dịch vụ tài chính và những ngành kinh doanh dịch vụ có tính di động cao khác".

Ra đời năm 2012 trong vai trò một ứng dụng gọi xe taxi, Grab dần phát triển và đa dạng hoá phạm vi vận hành của mình, trong đó có dịch vụ thanh toán điện tử GrabPay ra mắt năm 2016. Các dịch vụ tài chính của Grab hiện bao gồm thanh toán điện tử, cho vay vi mô và bảo hiểm.

Những dịch vụ này được Grab cung cấp hoặc bằng giấy phép của chính mình hoặc thông qua các đối tác trong ngành công nghiệp tài chính.

Khó sinh lời nếu chỉ hoạt động trong dịch vụ gọi xe

grab2

Nắm được "dòng tiền" của người dùng, các công ty có thể "hình dung" được về người dùng của mình rõ ràng hơn và tận dụng điều đó. (Ảnh: Forbes)

Grab hiện đang cung cấp dịch vụ thanh toán tại 6 quốc gia Đông Nam Á. Dù vậy, phần lớn doanh thu của Grab vẫn đến từ mảng vận tải với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những ứng dụng như Grab hay Go-Jek đều đang phải bỏ ra chi phí lớn để có thêm và giữ chân cả tài xế lẫn người dùng.

Một phân tích mới đây của DBS Group Holdings cho biết cạnh tranh giữa các ứng dụng gọi xe sẽ khốc liệt đến mức khó có công ty nào có lợi nhuận nếu chỉ hoạt động đơn thuần trong mảng này. Nhà phân tích Sachin Mittal nói các ứng dụng cần tận dụng lượng người dùng và tài sản để tìm kiếm cơ hội ở các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao hơn.

Trong khi đó, giới đầu tư cần các ứng dụng gọi xe vạch ra một đường hướng rõ ràng hơn cho khả năng sinh lợi nhuận trước khi niêm yết cổ phiếu ra công chúng. Trong năm nay, màn IPO của cả Uber và Lyft đều khiến giới đầu tư thất vọng. Grab, ở thời điểm này, vẫn chưa công bố thời gian IPO.

Để đẩy mạnh sự phát triển dịch vụ tài chính, Grab cũng đang cân nhắc phương án thâu tóm. Công ty này đã đàm phán để thâu tóm công ty xử lý thanh toán 2C2P nhưng không thành công, theo báo cáo của Bloomberg.

Grab cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn trong lĩnh vực tài chính, từ cả những sản phẩm mới mang tính đột phá và ngân hàng truyền thống. Đồng tiền mã hoá Libra của Facebook là một trong số đó.

Ông lớn mạng xã hội nói trên đang có sự hiện diện rõ nét ở Đông Nam Á với 82% người dùng Internet ở Singapore có tài khoản và 81% ở Indonesia, theo báo cáo từ We Are Social và Hootsuite. 

Theo nhà nghiên cứu Đại học Kinh doanh Singapore Emir Hrnjic, Libra sẽ "thêm dầu vào lửa" trong cuộc chiến với các nền tảng thanh toán như GrabPay.

"Nếu Libra Association giữ đúng cam kết chủ thu một khoản phí giao dịch rất nhỏ, đồng Libra sẽ được sử dụng rộng rãi. Trong trường hợp đó, nó sẽ cạnh tranh khách hàng và lấy đi một phần hoạt động của các nền tảng thanh toán hiện hữu", nhà nghiên cứu chia sẻ.

"Libra có thể mở rộng tiếp cận vốn và giúp người dùng ở các quốc gia đang phát triển được tham gia vào nền kinh tế toàn cầu", nhà nghiên cứu này nói thêm. "Điều này có thể có ý nghĩa quan trọng với các quốc gia ASEAN nơi hàng trăm nghìn người vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là ở Philippines và Indonesia".

Grab từ chối bình luận về những tác động của Libra với hoạt động của mình.

Thái Sơn