Góc nhìn chuyên gia: Tín hiệu tích cực năm 2020, VN-Index tiến lên vùng 1.050 - 1.100 điểm, dòng cổ phiếu nào sẽ lên ngôi?
Chỉ còn 5 phiên giao dịch nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khép lại năm 2019 đầy biến động. Để giúp nhà đầu tư có góc nhìn toàn diện hơn về triển vọng thị trường trong năm 2020 chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV (BSC, Mã: BSI).
PV: Sau năm 2018 đầy biến động, TTCK Việt Nam có năm 2019 hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, VN-Index nhiều lần không vượt mốc 1.000 điểm và giảm sâu ngay sau khi bứt phá qua mốc này ít phiên. Ông đánh giá mốc 1.000 điểm này có vai trò như thế nào trong năm 2020 và dự báo vùng điểm VN-Index trong năm 2020?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Diễn biến thị trường 2019 không như kì vọng nhưng phần nào cũng phản ánh thực tế thị trường cần giai đoạn tích lũy tạo nền sau khi tạo đỉnh năm 2018 cũng như không có nhiều thông tin hỗ trợ. VN-Index chưa thể vượt 1.000 điểm do dòng tiền yếu và sự thoái lui của dòng vốn ngoại ở những thời điểm quan trọng trong năm 2019 và ngưỡng tâm lí này sẽ tiếp tiếp tục là ngưỡng cản trong năm 2020.
Tôi cho rằng sau khi tạo nền giá ổn định trên 950 điểm, VN-Index có cơ hội vượt 1.000 điểm tiến lên vùng giá quanh 1.050 – 1.100 điểm từ những tín hiệu tích cực trong nước và Mỹ - Trung hướng tới thỏa thuận vòng một hỗ trợ dòng tiền ngoại quay trở lại khu vực mới nổi và thị trường biên trong năm 2020.
PV: Theo ông, đâu là vấn đề then chốt khi xây dựng kịch bản của TTCK Việt Nam trong năm 2020 tới?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Các yếu tố tác động đến TTCK Việt Nam năm 2020 đến từ yếu tố nội tại nền kinh tế, thị trường chứng khoán và các yếu tố từ bên ngoài, trong đó một số yếu tố nổi bật như:
Trong nước, kinh tế vĩ mô dự báo tiếp ổn định, tăng trưởng duy trì tốt nhờ trụ cột chính tư sản xuất và tiêu dùng. Đầu tư công và hoạt động thoái vốn cổ phần hóa được đẩy mạnh nhờ Luật và quy định đã thông qua trong năm 2019. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn theo xu hướng thế giới tạo cơ hội cho SBV hạ lãi suất và sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường.
Ngoài nước, cùng với xu hướng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất của năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bầu cử Tổng thống Mỹ là những vấn đề trọng tâm.
Sự chuyển dịch dòng vốn ngoại, khả năng nâng hạng thị trường và báo cáo thao túng tiền tệ của Bộ tài chính Mỹ cũng sẽ là điểm lưu ý và ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thị trường.
PV: Những tháng cuối năm, một số quĩ ngoại lại có thay đổi về góc nhìn vĩ mô, theo ông, bức tranh vĩ mô của Việt Nam trong năm 2020 như thế nào và sự tác động đến TTCK Việt Nam?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang khá tích cực so với khu vực và thế giới. Hoạt động rút vốn của khối ngoại cuối năm phần lớn đến từ việc dịch chuyển dòng vốn quốc tế về thị trường phát triển vốn đang hiệu quả, cũng như cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu tốt đang khá hạn chế do qui định "room" ngoại cùng với quá trình chậm trễ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Khi làn xu hướng dịch chuyển vốn quốc tế bão hòa thì những thị trường có triển vọng tích cực như Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút lại vốn ngoại, qua đó tạo hiệu ứng tích cực lên diễn biến thị trường trong năm 2020.
PV: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là chủ đề đáng quan tâm của giới đầu tư trong năm 2020, theo ông chiến tranh thương mại có tác động như thế nào đến TTCK toàn cầu cũng như là Việt Nam?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là vấn đề trọng tâm năm 2019 và cả trong năm 2020. Thỏa thuận giai đoạn 1 giảm bớt căng thẳng tuy nhiên các vấn đề đã được đồng ý đều khá đơn giản như gia tăng số lượng hàng hóa mua bán. Các vấn đề gai góc hơn như chuyển giao công nghệ, bảo hộ nhà nước hay mở cửa thị trường đầu tư tài chính vẫn còn cần thời gian khá dài để đi đến sự thống nhất.
Chiến tranh thương mại kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế thế giới và khiến nhiều quốc gia chủ chốt điều chỉnh chính sách tiền tệ nới lỏng sớm hơn dự báo.
Hiệu ứng chuyển hướng thương mại đã mang lại lợi ích đáng kể cho Đài Loan, Mexico, Liên minh châu Âu và Việt Nam cùng với đó xu hướng dịch sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á. Xu hướng dịch chuyển này mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trong ngắn hạn cho dù lợi ích bị chiết giảm nhiều từ sự giảm tốc nền kinh tế thế giới.
Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến TTCK toàn cầu và Việt Nam ở các khía cạnh.
Thứ nhất là ảnh hưởng tăng trưởng và tiềm năng tăng trưởng kinh tế thế giới qua đó tác động hoạt động mở rộng sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp và tâm lý NĐT.
Thứ hai là tác động trực tiếp từ dòng dịch chuyển thương mại và đầu tư.
Thứ ba là tác động đến sự chuyển dịch vòng vốn đầu tư quốc tế. Cuộc chiến thương mại đạt được thỏa thuận vòng 1 dù sao vẫn là thông tin tích cực với thị trường và mang kỳ vọng sẽ có nhiều thỏa thuận khác đạt được trong năm 2020.
Tuy nhiên, cũng sẽ làm giảm kỳ vọng với các ngành của Việt Nam vốn hưởng lợi từ chiến tranhg thương mại như Dệt May, Bất động sản khu công nghiệp, …
PV: Với những nhận định về thị trường năm 2020 và những dự báo về vĩ mô, theo ông, dòng cổ phiếu nào sẽ lên ngôi?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Sự phân hóa năm 2020 sẽ còn diễn ra mạnh mẽ như với 2019, khi động lực thu hút dòng tiền không quá mạnh. Bên cạnh ngành có tính tạo nền như ngân hàng, các cổ phiếu ngành sản xuất công nghiệp, tiện ích và dịch vụ tiêu dùng cũng sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng do được hưởng lợi từ xu chuyển dịch kinh tế theo hướng phát triển sản xuất và tiêu dùng mở rộng.
PV: Năm 2019 chứng kiến dòng tiền ETF tiếp tục mạnh và được kì vọng thu hút dòng tiền mới khi 3 bộ chỉ số mới được HOSE xây dựng, ông có đánh giá như thế nào về dòng tiền ngoại trong năm 2020?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Dù không giải quyết được triệt để vấn đề "room" nhà đầu tư nước ngoài, các bộ chỉ số mới là cơ sở hình thành các quỹ ETFs qua đó gỡ được một phần trở ngại trong việc tiếp cận những cổ phiếu hết room. Với tăng trưởng mạnh của quỹ ETF nội đầu tư theo VN30 trong vài năm qua, chúng tôi cho rằng thị trường Việt Nam cũng sẽ thu hút thêm dòng vốn mới.
Nếu các giải pháp về "room" nước ngoài chưa giải quyết triệt, cùng với tái khởi động lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước thì dòng vốn khối ngoại vẫn sẽ chỉ tập trung vào các thương vụ M&A lớn và do vậy hiệu ứng lên thị trường niêm yết là không đáng kể.
PV: Năm 2019, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường, thậm chí còn bị đánh giá tụt ở một số tiêu chí, ông có đánh giá như thế nào về triển vọng nâng hạng thị trường trong năm 2020?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Nâng hạng thị trường không chỉ là lợi ích thu hút dòng vốn ngoại mới mà lợi ích toàn diện đến từ nhiều cải cách, nâng cấp thị trường gồm minh bạch, tiếp cận thị trường, bảo vệ NĐT, các sản phẩm mới, …. Cơ hội nâng hạng với MSCI chỉ có thể đến sau năm 2021.
Các chỉ tiêu bị đánh tụt là không phải là yếu tố tiên quyết để nâng hạng FTSE Russell. Nếu các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức xếp hạng làm rõ các tiêu chí, thực hiện những điều chỉnh thì thì Việt Nam vẫn có cơ hội nâng hạng vào tháng 9/2020 và cơ hội lớn hơn vào năm 2021.
Xin cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn!