|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch Dragon Capital: Công ty gia đình muốn mở rộng, gọi nguồn khác phải đổi chiến lược sở hữu và tư duy

15:37 | 24/12/2019
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Dragon Capital, doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kế thừa và chưa có nhiều chu kì, cho nên kinh nghiệm, hiểu biết, nhận thức của những người lãnh đạo doanh nghiệp cũng có giới hạn.

Trong chương trình Tài chính kinh doanh phát sóng trưa nay (24/12) trên VTV1, ông Dominic Scriven, Chủ tịch nhóm quĩ Dragon Capital đã có trả lời phỏng vấn liên quan đến hoạt động quản trị công ty tại Việt Nam.

PV: Với vai trò là một nhà đầu tư, ông đánh giá như thế nào về năng lực quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế như hiện nay?

Chủ tịch Dragon Capital: Công ty gia đình muốn mở rộng, gọi nguồn khác phải đổi chiến lược sở hữu và tư duy - Ảnh 1.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital (đứng bên trái). Ảnh: Đức Quyền.

Ông Dominic Scriven: Chúng ta mà đi ngoài khu vực Đông Nam Á thì thấy rằng bây giờ ai cũng nói tới Việt Nam. Cho nên nói là lãnh đạo Việt Nam không có giỏi thì không có đúng. Tuy nhiên, từ sự nhiệt tình, sự non trẻ, có thể phát sinh một số cái về thiếu kinh nghiệm. 

Có thể phân tích rằng chủ yếu doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp thế hệ 1, thế hệ 0, thời gian chưa kéo dài. Đặc biệt, là chưa có nhiều kế thừa và chưa có nhiều chu kì, cho nên kinh nghiệm, hiểu biết, nhận thức của những người lãnh đạo doanh nghiệp cũng có giới hạn. Muốn hay không, những người lãnh đạo doanh nghiệp có sự linh hoạt, nhạy bén nhiều hơn trước đây.

PV: Ở Việt Nam, có thực tế là có rất nhiều doanh nghiệp gia đình, vậy cách nào để họ vượt qua được thách thức trong câu chuyện cân bằng giữa tình cảm và công việc?

Ông Dominic Scriven: Có lẽ nền kinh tế Việt Nam không như bây giờ nếu không có vai trò của kinh tế gia đình. Nếu có vấn đề thì vấn đề đó xuất phát từ những nhầm lẫn trong chiến lược sở hữu. Ở đây mình muốn nói rằng bất kì tập thể nào cũng cần phải có một cái chiến lược về cách họ quan hệ với nhau. 

Nếu là một gia đình và muốn giữ lại một gia đình thì cứ giữ lại. Nhưng muốn mở rộng, gọi thêm các nguồn khác thì phải đổi chiến lược sở hữu và chấp nhận trong việc thay đổi đó, phải có những thay đổi về tư duy.

PV: Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp trên thế giới?

Ông Dominic Scriven: Thứ nhất là về sự đa dạng trong bộ máy lãnh đạo. Cái thứ hai là tính kế thừa vì không ai sống mãi mãi. Đây là một yếu tố đặc biệt chú trọng ở Việt Nam. Cái thứ ba là tôn trọng lợi ích của các bên có liên quan, trong xã hội, cộng đồng phải biết xác định cụ thể như thế nào là trách nhiệm và quyền lợi của các bên.

Phan Quân